Đầu tiên, bạn cần quan sát kỹ càng hình dáng của giá. Thông thường, các loại giá đỗ được tẩm hóa chất thường sẽ có hình dạng mập mạp hơn nhưng giòn và dễ bị đứt đoạn. Trong khi đó, giá đỗ sạch thường gầy hơn, thân giá khó gãy hơn, nhiều rễ và nhìn thường không bắt mắt.
Về kích thước:
Nhiều người thích những cọng giá dài. Nhưng trên thực tế, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những cọng giá càng dài, lượng protein và các khoáng chất càng ít. Đó là chưa kể đến việc chỉ có giá đỗ tẩm thuốc mới có cọng dài đều và nó thường có kích thước dài gấp đôi loại giá sạch. Do đó, khi mua giá bạn nên chọn loại giá đỗ có cọng ngắn, gày mới an toàn.
Về rễ giá:
Theo kinh nghiệm của những người từng làm giá, giá đỗ ủ theo cách thông thường, không sử dụng chất kích thích thì thời gian ủ thường kéo dài từ 3 đến 4 ngày. Do thời gian ủ dài nên giá có rất nhiều rễ. Nhưng đối với giá đỗ có ủ hóa chất thì thời gian ủ sẽ nhanh hơn nên chúng chỉ có một chút rễ màu xạm ở dưới chân, còn hoàn toàn không có rễ dài.
Về màu sắc giá đỗ:
Ngoài ra, bạn cũng có thể quan sát màu sắc của giá để nhận biết giá đỗ hóa chất và giá đỗ sạch. Nếu bạn thấy giá ngâm thuốc kích thích sẽ có màu trắng muốt, đẹp mắt, nhìn rất kích thích còn loại giá thông thường có màu trắng nhạt hoặc màu sữa.
Về mầm của giá đỗ:
Nếu để ý vào lá của giá đỗ bạn sẽ thấy, giá đỗ sạch có phần lá mở ra hoặc nhìn từ ngoài sẽ thấy mầm lá nhú màu vàng hoặc màu xanh trong khi ngâm hóa chất có 2 hạt mầm đóng chặt với nhau.
Khi chế biến:
Khi xào nấu giá chứa hóa chất thường ra nước nhiều và khi ăn thường không có mùi thơm của đậu. Khi xào giá sạch thường không ra nước và khi ăn sẽ có vị thơm của đậu.
Theo Ngoisao.net