Bài phát biểu tại lễ tốt nghiệp trung học của Otto Warmbier vẫn được nhiều bạn bè nhớ đến vì sự giản dị, hài hước nhưng cũng rất nhân văn.

Gần ba năm trước khi bị bắt giữ ở Triều Tiên, Otto Warmbier đại diện cho các học sinh phát biểu tại buổi lễ tốt nghiệp trường trung học Wyoming, bang Ohio.

Cậu học sinh ưu tú với tương lai rộng mở này đặc biệt nhấn mạnh vào việc phải kiên trì, vững vàng qua các giai đoạn “khó khăn lẫn tươi đẹp” trong cuộc đời cũng như cần vun đắp tình bạn để “khiến mọi chuyện tốt hơn lên”.

Tuy nhiên, Otto Warmbier ngày 19/6 đã qua đời sau gần một tuần được Triều Tiên trao trả tự do và trở về nước trong tình trạng hôn mê. Sinh viên 22 tuổi này bị Triều Tiên bắt giữ và kết án 15 năm lao động khổ sai vào tháng 3/2016 với cáo buộc “âm mưu lật đổ chính quyền” sau khi anh thừa nhận lấy trộm biểu ngữ tuyên truyền tại khu vực dành cho nhân viên thuộc một khách sạn ở Bình Nhưỡng.

Trong video về buổi lễ năm xưa, mặc bộ vest trắng, thắt nơ đen, Warmbier tự tin, hài hước nhưng cũng vô cùng khiêm tốn khi đứng trước bục phát biểu. Bài diễn văn của cậu chỉ kéo dài gần 5 phút nhưng đã khiến nhiều bạn bè xúc động.

Trường Wyoming lúc bấy giờ đã ca ngợi Warmbier vì “những cống hiến không mệt mỏi” và khẳng định “khả năng lãnh đạo, sự năng động, nhiệt tình vô giới hạn” sẽ đưa Warmbier “tiến xa”. Dưới đây là toàn văn bài phát biểu của Warmbier.

“Xin chào tất cả mọi người,

Khi nhà trường báo tin tôi có vinh dự phát biểu tại buổi lễ tốt nghiệp, suy nghĩ đầu tiên trong tôi là phải đi tìm những từ khóa, những từ ngữ học thuật đậm chất trí thức, để xây dựng bài diễn văn quanh đó. Tuy nhiên, nỗ lực đầu tiên của tôi viết về các thành tựu nổi bật mà học sinh trường trung học Wyoming đã đạt được hóa ra lại khá khô khan và có chút gì đó khoe khoang. Vì thế, tôi quyết định tốt nhất nên tìm kiếm sự giúp đỡ. Chắc chắn những người đi trước sẽ có cách hay để nói lời tạm biệt 153 bạn bè đồng môn.

Tìm kiếm trên Google với từ khóa ‘trích dẫn tốt nghiệp’ mang đến cho tôi những ý tứ của các diễn giả vĩ đại như John F. Kennedy, Martin Luther King Jr. và Winston Churchill, những tác giả tuyệt vời như J.K. Rowling và Ernest Hemingway, hay những vận động viên xuất sắc như Mike Tyson.

Nhưng thật không may, tôi vẫn chưa cảm thấy thỏa mãn với những gì họ nói, vì thế tôi quyết định nhờ tới một phương pháp nghiên cứu hơi ngớ ngẩn mà tôi chắc rằng tất cả các bạn dự lễ tốt nghiệp ở đây đều khá quen thuộc: Nản chí, bỏ cuộc và đi xem TV.

Và tôi đã gặp may. Tập cuối bộ phim The Office đang chiếu. Tôi từng xem nó hai lần nhưng xem lần thứ ba cũng chẳng vấn đề gì. Tôi hy vọng được cười một chút, thư giãn một chút rồi sẽ quay lại viết diễn văn với một tư duy tươi mới hơn. Tôi không hề kỳ vọng Andy Bernard, người được tạp chí văn hóa nhạc pop Vulture liệt vào một trong 10 nhân vật gây khó chịu nhất trên màn ảnh nhỏ, sẽ tuôn ra câu trích dẫn hoàn hảo cho tôi. Nhưng bằng cách nào đó, ông ấy thật sự đã đánh bại những Hemingway, Martin Luther King hay Tyson.

Trong lúc những người thực hiện bộ phim chuẩn bị chia tay nhau để bắt đầu cuộc sống mới và thú vị, giống như chúng ta bây giờ, ông ấy chia sẻ cảm xúc của mình. Ông ấy không dùng những từ ngữ đao to búa lớn hay ẩn dụ phức tạp. Ông ấy chỉ nói: ‘Tôi hy vọng có cách nào để biết rằng các bạn đã trải qua những ngày tháng tuyệt vời trước khi thực sự xa nhau’.

Đối với tôi, câu nói ấy bắt được mọi cảm xúc trong tôi về thời khắc tốt nghiệp. Đây là tập phim cuối của chúng ta. Đây là giây phút kết thúc chương trình tuyệt vời của chúng ta, nhưng là khởi đầu cho hàng trăm phần tiếp nối khác. Ngày hôm nay đánh dấu thời điểm một tập thể đã vượt qua mọi sự kỳ vọng phải chia tay nhau. Nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng chỉ có những điều tốt đẹp.

Chúng ta chưa từng thắng khi chế tạo xe diễu hành và chúng ta có lẽ là lớp đầu tiên ở Wyoming không giành được cúp Cincinnati Hills League. Chưa hết, tất cả chúng ta đều từng thua một trò chơi nào đó, không vượt qua kỳ thi, đều từng có lúc chẳng may hủy hoại tình bạn, giận dữ với hàng xóm, lãng phí tiền bạc và làm vô vàn việc khác mà mọi học sinh trung học đều làm.

Nhưng câu chuyện của chúng ta cũng chứa đựng nhiều thứ khác. Câu chuyện của chúng ta có những điều đáng kinh ngạc. Là một tập thể thống nhất, chúng ta mạnh mẽ hơn hết thảy. Chúng ta đã vượt qua cả những thời khắc tuyệt vời lẫn khó khăn. Chúng ta đã chiến đấu và ăn mừng chiến thắng cùng nhau. Chúng ta đã biến Relay for Life từ một tổ chức gây quỹ thành một sự kiện cộng đồng mà không ai muốn bỏ lỡ. Chúng ta đã biến đội cổ vũ từ một nhóm nhỏ vài người trở thành một đội ngũ quái vật nồng nhiệt bên đường biên.

Đưa mắt nhìn quanh và tôi biết tên khá nhiều người ngồi đây. Đó là cái lợi của việc học tại một ngôi trường nhỏ. Chúng ta cũng biết về những bí mật sâu kín hay những mối quan hệ đổ vỡ của nhau, đó là cái lợi của việc sống ở một thị trấn nhỏ với thực trạng buôn chuyện không nhỏ lắm. Dù vậy, đó là những thứ khiến niên khóa này trở nên đặc biệt. Chúng ta biết tất cả mọi người sẽ đi đâu, chúng ta biết tất cả mọi người từ đâu đến. Chúng ta biết cách làm cho nhau vui, chúng ta biết về gia đình nhau, chúng ta biết về bạn bè nhau, chúng ta biết về họ hàng của nhau, rất nhiều người trong chúng ta thậm chí còn biết về ông bà nhau. Chúng ta biết khi ai đó gặp khó khăn và chúng ta đoàn kết cùng nhau để khiến mọi thứ tốt đẹp hơn.

Thời khắc chúng ta chuẩn bị rời trường trung học Wyoming, tôi cảm thấy như sắp phải xa rời một người bạn thân, thật sự. Rất nhiều người chuẩn bị đi rất xa và không trở lại trong quãng thời gian dài. Nhưng cũng có cách từ biệt khác. Một lời tạm biệt dành cho điều còn lớn hơn cả bạn bè. Hôm nay là ngày cuối cùng của niên khóa 2013 tại trường trung học Wyoming. Sáng mai, chúng ta phải thuộc về một lớp học khác, một công việc khác và một thành phố khác. Bất kể đi đâu hay làm gì, tập thể này luôn tồn tại. Ngay cả khi khóa 2013 trường Wyoming đã lùi về quá khứ, chúng ta chắc chắn vẫn luôn nhận được ủng hộ từ những người xung quanh. Chúng ta sẽ mãi lưu giữ ký ức về tập thể này”.

Theo VnExpress

BÌNH LUẬN