Không phải người đọc sách nhiều nhưng Jack Ma khẳng định khi đã thành công, việc đọc sách là rất quan trọng.
Mã Vân hay Jack Ma là cái tên quá nổi tiếng trên khắp thế giới. Người đàn ông được mệnh danh là “Bill Gates của Trung Quốc” không chỉ là cha đẻ của đế chế thương mại điện tử khổng lồ Alibaba mà còn là người giàu nhất Trung Quốc, người luôn nằm trong danh sách những tỷ phú của thế giới.
Được sự đồng ý của đơn vị phát hành, Zing.vn xin giới thiệu cùng độc giả một số đoạn trích trong cuốn sách Mã Vân – triết lý sống của tôi (bản dịch của Nguyễn Tiến Đạt).
Độc giả có thể tìm ra câu trả lời cho lý do người đàn ông có dáng người gầy gò, tướng mạo xấu xí, kết quả môn Toán bết bát, hai lần thi trượt đại học đó đạt được những thành công đáng nể như vậy.
Tôi thấy có rất nhiều người thành công mà không cần đọc sách, nhưng những đã người thành công mà không chịu khó trau dồi kiến thức chắc chắn sẽ dần trượt dốc trên con đường sự nghiệp. Chúng ta đã có rất nhiều ví dụ như vậy.
Tôi cho rằng đã đọc sách thì phải có phương pháp đọc, tôi không phải là người thích đọc sách, nhưng tôi biết áp dụng phương pháp. Có lúc ở công ty, tôi gặp nhiều người đọc sách cực kỳ giỏi, IQ của họ rất cao, nhưng EQ lại thấp vô cùng. Thành công liệu có liên quan đến EQ không?
Tôi coi con người như sách để đọc, dù gặp bất cứ ai, không cần biết họ là người như thế nào, tôi đều rất yêu mến. Tôi vẫn thường trêu họ: “Các anh cũng hài lắm cơ, giờ mà vẫn có cách nghĩ ấy?”
Hơn nữa khi đọc sách, đa phần khi đọc được vài trang đầu thì đã đoán ra những trang sau viết gì, những câu chuyện sau đó tôi đều đoán được. Cho nên, sách đọc xong là tôi quăng vào sọt rác, có mỗi sách của Kim Dung thì tôi chẳng bao giờ đoán được. Tôi cảm thấy như vậy rất thú vị.
Theo Mã Vân, mỗi con người chính là những cuốn sách đáng đọc nhất. |
Con người chính là một cuốn sách rất đáng để đọc, tôi thấy rằng công ty của chúng tôi có 24 ngàn nhân viên, họ chính là 24 ngàn cuốn sách với những nội dung hoàn toàn khác nhau. Trải nghiệm sống và cách giải quyết vấn đề của mỗi người trong số họ đều nằm ngoài sự suy đoán của tôi.
Đối với mỗi một bạn trẻ đang ngồi ở đây, việc đọc sách tất nhiên là quan trọng, nhưng việc nhìn người, đối nhân xử thế còn quan trọng hơn. Tôi còn nhớ năm đó, khi Paypal cạnh tranh với Taobao, một số người bạn đưa tôi một cuốn sách và nói rằng: “Mã Vân, cậu nhất định phải đọc cuốn này! Đọc xong cuốn này cậu mới có thể đánh bại được Paypal.”
Paypal xuất bản một cuốn sách lấy tựa là Thị trường hoàn hảo, chỉ ra cách năm xưa Palpay đã đánh bại Yahoo. Tôi ném thẳng cuốn sách đó vào sọt rác và nói: “Hy vọng một ngày nào đó Paypal có thể đọc được cuốn sách về việc Taobao đã đánh bại họ như thế nào.” Bởi nếu sau khi xem xong cuốn sách thì cơ bản là bạn sẽ làm theo từng bước được ghi trong đó, bạn sẽ hiểu rõ và biết được cách nào để đánh bại đối thủ, nhưng đến cuối cùng, càng bắt chước theo lại càng thấy nguy hiểm.
Đọc sách là một thú vui, đọc xong bạn có thể cười ha ha và cũng có thể khóc hu hu. Nhưng nếu bảo tôi đọc thuộc lòng vài đoạn, hoặc bảo tôi giảng lại mấy đoạn đã đọc thì tôi chịu, không thể làm được! Con người tôi trí não khiêm tốn, tôi phải biết cách vận hành hợp lý bộ não khiêm tốn của mình, đó là phải quên thật nhanh mọi thứ.
Bộ não của tôi cũng giống như máy tính vậy. Không phải bạn cứ cài đặt nhiều phần mềm là máy tính sẽ chạy tốt, cài đặt càng nhiều thì máy tính sẽ hoạt động chậm đi.
Ngoài ra, đọc sách chính là việc đọc đâu bù đó. Có người hỏi: “Mã Vân, cho tôi danh sách những cuốn anh đã đọc, tôi xem anh đã đọc những sách gì thì tôi đọc theo anh.” Tôi trả lời: “Thứ nhất, tôi không thích đọc sách; thứ hai, sách tôi thích đọc chưa chắc anh đã thích, tôi thích đọc sách của những người bình thường.”
Có người lại hỏi: “Mã Vân, sao anh lại thích đọc tiểu thuyết của Kim Dung được nhỉ?” Tôi thực sự rất thích đọc tiểu thuyết của Kim Dung, sở thích thì chẳng có đúng sai, mỗi người sẽ chỉ chọn sách mà mình thấy hứng thú. Khi khởi nghiệp, tôi luôn chọn làm những việc mình thấy vui nhất, lựa chọn những việc dễ nhất, chọn những việc mọi người đều thích để làm, còn việc quan trọng và khó nhất thì đùn đẩy cho người khác. Đây là những lời thật lòng và cũng là bí quyết của việc khởi nghiệp.
Jack Ma đặc biệt hâm mộ các tác phẩm võ hiệp của nhà văn Kim Dung. |
Đời người ngắn ngủi, đọc sách đem đến cho bạn niềm vui chứ không phải áp lực, đọc sách càng không phải là việc số sách bạn đọc có nhiều hơn người khác hay không. Các nhân viên của công ty tôi rất giỏi, những bạn trẻ ở ngoài kia cũng rất giỏi, họ đọc nhiều hiểu rộng, giống như những cuốn từ điển sống vậy, tôi rất lấy làm khâm phục.
Dù sao tôi cũng đã nhiều tuổi rồi, ở độ tuổi này sách đọc được cũng chẳng là bao. Cho nên tôi khuyên các bạn, không đọc sách cũng được, thích đọc sách cũng tốt. Nhưng đừng bao giờ nghĩ rằng vì bản thân không đọc nhiều sách mà cảm thấy xấu hổ. Chẳng có gì phải xấu hổ cả!
Con người có thể đọc ít làm nhiều. Có nhiều người làm được rất nhiều việc, tất nhiên thời gian chỉ có hạn thôi. Cuộc đời cũng giống như một cuốn sách, lật qua là quên.”
Trên đây là bài phát biểu của Mã Vân khi bàn về mối quan hệ giữa đọc sách và thành công. Mã Vân không cho rằng cứ đọc càng nhiều sách thì sẽ thành công, hai việc này không có quan hệ tất yếu với nhau. Một người nếu chỉ vùi đầu vào đọc sách mà không ra quan sát thế giới bên ngoài thì không bao giờ có thể chạm đến thành công.