Ngày 6/6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Chương trình phát triển của Liên Hợp quốc (UNDP) đã tổ chức hội thảo về định giá tổn thất thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) ở Việt Nam.

Tìm cách ứng phó với hiện tượng khí hậu bất thường

Ảnh minh họa..

Đến năm 2100, nhiệt độ sẽ tăng thêm 4 độ C

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho biết, trong 10 năm qua, trung bình mỗi năm thiên tai ở nước ta làm chết và mất tích trên 300 người, gây thiệt hại về kinh tế từ 1 đến 1,5% GDP. Những tác động của BĐKH tới Việt Nam đã được thể hiện rõ ở việc năm 2016, khí hậu diễn biến bất thường, rét đậm, rét hại ở miền Bắc kéo dài, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đã gây ra những thiệt hại nặng nề cho đời sống, sản xuất và môi trường. Mùa hè năm nay cũng đang chứng kiến những ngày nắng nóng kỷ lục.

Theo ông Phạm Văn Tấn – Phó Chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia về BĐKH, Phó Cục trưởng Cục BĐKH (Bộ Tài nguyên và Môi trường), dự tính đến năm 2100, nhiệt độ ở tất cả các vùng đều tăng so với thời kỳ 1986-2005, trong đó phía Bắc dự kiến sẽ tăng từ 1,9 đến 4 độ C, còn phía Nam tăng 1,7 đến 3,5 độ C. Nhiệt độ thấp nhất trung bình và cao nhất trung bình trên cả nước sẽ tăng rõ rệt. Hạn hán sẽ trở nên khắc nghiệt hơn do nhiệt độ tăng và lượng mưa giảm trong mùa khô. Nước biển dự kiến sẽ dâng cao thêm 40 đến 110cm vào cuối thế kỷ, phụ thuộc vào kịch bản và vùng.

Trong bối cảnh BĐKH đã và đang cản trở sự phát triển bền vững của nước ta, ông Tấn khẳng định ứng phó với hiện tượng này là “vấn đề sống còn”. Bà Akiko Fujii – Phó Giám đốc quốc gia UNDP tại Việt Nam – cũng cho rằng nếu không có cơ chế ứng phó với những hiện tượng khí hậu bất thường trong tương lai, những thành tựu phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam sẽ nhanh chóng bị hủy hoại.

Do đó, để góp phần chủ động trong công tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, đặc biệt trong tình hình khí hậu cực đoan do ảnh hưởng của BĐKH, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cho rằng, Việt Nam cần có những phương pháp, công cụ đánh giá, tính toán về tổn thất và thiệt hại gắn với BĐKH, bao gồm xác định những tác động bất lợi của BĐKH ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội, thiệt hại kinh tế, phi kinh tế, di dân tái định cư, các tổn thất vĩnh viễn, phục hồi, bảo hiểm, mạng lưới an sinh xã hội và đền bù thiệt hại.

Đề xuất luật hóa bảo hiểm nông nghiệp

Tại hội thảo, vấn đề về bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) cũng được nhiều đại biểu bàn thảo. Theo ông Đặng Kim Khôi – Giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp (CAP) – Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn (IPSARD), ở các nước trên thế giới như Mỹ, Canada, Nhật Bản, tỉ lệ bảo hiểm cây trồng, vật nuôi khá cao; nhưng ở Việt Nam, khoảng trống bảo hiểm vẫn đang hiện hữu.

Theo ông Khôi, trước năm 2011, một số mô hình thí điểm BHNN trên cây lúa, chăn nuôi và thủy sản được áp dụng nhưng đều đã tạm dừng vì các lý do như thay đổi phương thức sản xuất hay chi phí cho các hoạt động tác nghiệp quá lớn. Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 315 về chương trình thí điểm quốc gia về BHNN giai đoạn 2011-2013. Kết quả thực hiện chương trình cho thấy BHNN là một công cụ hiệu quả trong hỗ trợ tài chính và sản xuất hộ nông dân, giúp họ có cuộc sống tốt hơn; góp phần nâng cao nhận thức và tuân  thủ các quy trình sản xuất của nông dân…

Từ việc thực hiện chương trình thí điểm nói trên, ông Khôi đề xuất cải thiện hệ thống chính sách, hình thành khung thể chế và pháp lý cho hệ thống BHNN. Bên cạnh đó cũng cần đa dạng hóa các gói bảo hiểm, đáp ứng nhu cầu cho từng nhóm nông dân, phù hợp với điều kiện sản xuất và điều kiện tự nhiên vùng; thúc đẩy thị trường BHNN thông qua hỗ trợ từ Nhà nước; xem xét giảm hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân, thay vào đó chuyển đầu tư công sang hoạt động tái bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm để thúc đẩy nhu cầu tự nguyện của nông dân, thu hút các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia thị trường BHNN…

Thanh Tâm

BÌNH LUẬN