Nằm trong vùng khí hậu gió mùa và được định hình bởi đường bờ biển dài hơn 3.260km, Việt Nam có tiềm năng lớn trong phát triển điện gió, với công suất ước tính vào khoảng 24GW.

Các tua bin điện gió của Nhà máy điện gió Bạc Liêu. Ảnh: Duy Khương/TTXVN

Nằm trong khu vực cận nhiệt đới gió mùa với đường bờ biển trải dài, Việt Nam có nhiều thuận lợi để phát triển năng lượng điện gió. Cùng với nguồn năng lượng tái tạo từ mặt trời thì năng lượng điện gió được kỳ vọng là một giải pháp giúp nâng cao sản lượng điện của Việt Nam trong những năm tới.

* Tiềm năng và những ưu thế để phát triển điện gió

Các chuyên gia trong và ngoài nước đều cho rằng, nằm trong vùng khí hậu gió mùa và được định hình bởi đường bờ biển dài hơn 3.260km, Việt Nam có tiềm năng lớn trong phát triển điện gió, ước tính tiềm năng này vào khoảng 24GW. Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho thấy 8,6% diện tích đất liền của Việt Nam rất giàu tiềm năng, thuận lợi cho việc lắp đặt các tua-bin gió lớn.

Đặc biệt, theo số liệu khảo sát năng lượng gió gần đây của Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long những vùng ven biển, ngoài khơi thuộc các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre… có tiềm năng gió rất cao, dễ khai thác và rất thuận lợi cho việc đầu tư các dự án điện gió. Với thuận lợi về mặt địa hình như vậy và với điều kiện gió biển ven bờ mạnh khoảng 6-7 mét/giây ở độ cao 80 mét (chiều cao các cột điện gió hiện đã lắp đặt ở Bạc Liêu) thì tiềm năng khai thác năng lượng điện gió ven bờ biển tại khu vực này có thể đạt từ 1.200-1.500 MW.

Bên cạnh đó, cũng theo các nghiên cứu khảo sát, việc đầu tư xây dựng các dự án điện gió ở các tỉnh ven biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều lợi thế như:

– Khu vực ven biển các vùng trên có tốc độ gió rất cao, trung bình từ 6,5 đến 7m/s. Những tháng cao điểm lên tới 11m/s và đón được các hướng gió chính (theo biểu đồ dữ liệu đo gió của GIZ).

– Về đất đai, các địa phương trên có chiều dài bờ biển, vùng đất bãi bồi, không dân cư sinh sống thuận lợi cho vận chuyển tập kết vật tư, thiết bị để xây dựng nhà máy hiện tại và mở rộng trong tương lai.

– Về hạ tầng, có các đường điện 110kV hiện hữu rất thuận lợi cho việc đấu nối điện của dự án vào lưới điện quốc gia.

– Về nguồn lao động dồi dào, thuận lợi cho việc sử dụng để thực hiện dự án.

* Lợi ích của năng lượng gió

Trong số các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng điện gió được đánh giá là thân thiện nhất với môi trường và ít gây ảnh hưởng xấu về mặt xã hội. So với các nguồn năng lượng khác, khi sử dụng điện gió, người dân không phải chịu thiệt hại do thất thu hoa màu hay tái định cư và họ cũng không phải chịu thêm chi phí y tế và chăm sóc sức khỏe do ô nhiễm như một số vấn đề của nhà máy nhiệt điện.

Ngoài ra với đặc trưng phân tán và nằm sát khu dân cư, điện gió giúp tiết kiệm chi phí truyền tải, có thể tận dụng được các đồi trọc để xây các tuốc bin gió, không gây ảnh hưởng đến đất canh tác.

Hơn nữa, việc phát triển điện gió cần một lực lượng lao động là các kỹ sư kỹ thuật vận hành và giám sát lớn hơn các loại hình khác, vì vậy giúp tạo thêm nhiều việc làm với kỹ năng cao.

Cuối cùng, điện gió giúp Việt Nam đảm bảo tốt vấn đề an ninh năng lượng thông qua việc giảm phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch phải nhập khẩu và những biến động trên thị trường than đá, khí đốt….

* Những dự án điện gió ở Việt Nam

Theo số liệu của Bộ Công Thương, cho tới thời điểm hiện tại, có khoảng 50 dự án điện gió đăng ký đầu tư ở Việt Nam, nhưng mới có 4 dự án với tổng công suất 159,2 MW đã đi vào vận hành thương mại.

Dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu có công suất lớn nhất trong số 4 dự án điện gió đang hoạt động tại Việt Nam. Dự án nằm ở ngoài khơi, thuộc địa phận tỉnh Bạc Liêu, có quy mô 62 tua bin gió với tổng công suất 99,2 MW, điện năng sản xuất khoảng 320 triệu kWh/năm. Sau khi đưa vào vận hành giai đoạn I, với quy mô 16 MW và hòa lưới điện từ tháng 5-2013; đến tháng 1-2016, Dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu đã hoàn thành việc đầu tư toàn bộ 62 tua bin gió.

Dự án điện gió lớn thứ hai nằm ở Tuy Phong (tỉnh Bình Thuận) của Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo (REVN) đã hoàn thiện việc lắp đặt 20 trụ tua bin gió với tổng công suất 30 MW vào năm 7-2012.

Cũng tại tỉnh Bình Thuận, dự án điện gió trên đảo Phú Quý với giá trị đầu tư khoảng 17 triệu USD (387 tỷ đồng) có quy mô 3 tua bin gió với công suất 6 MW cũng đã được đưa vào vận hành từ năm 2012.

Dự án điện gió Phú Lạc của Công ty cổ phần điện gió Thuận Bình (tỉnh Bình Thuận) với công suất 24 MW, vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng đã bắt đầu vận hành vào tháng 9-2016.

Để phát triển điện gió ở Việt Nam, trong Quy hoạch điện quốc gia điều chỉnh giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 18-3-2016) đặt ra mục tiêu phát triển điện gió của Việt Nam với tổng công suất nguồn điện gió sẽ tăng lên mức 800 MW vào năm 2020, đạt 2.000 MW năm 2025 và đạt khoảng 6.000 MW vào năm 2030. Theo đó, điện năng sản xuất từ nguồn điện gió sẽ chiếm tỷ trọng khoảng 0,8% vào năm 2020, khoảng 1% vào năm 2025 và khoảng 2,1% vào năm 2030./.

Lan Khanh/TTXVN (tổng hợp)

BÌNH LUẬN