Nam giới Nhật vốn được biết đến là kiểu người làm hết sức, chơi hết mình. Tuy nhiên thế hệ trẻ hiện nay dường như không muốn đi theo truyền thống của cha ông mình.
Họ ngừng mua đồng hồ – biểu tượng của người coi trọng công việc, của người đàn ông trưởng thành ở Nhật, những người đã hồi sinh nước Nhật sau sự tàn phá của chiến tranh.
Không mua ô tô, giảm uống rượu
Thay vì đồng hồ, giới trẻ ngày nay thay thế bằng điện thoại di động. Giới trẻ Nhật cũng ngừng mua xe ô tô.
Chủ tịch hãng xe Toyota, ông Akio Toyoda từng nhấn mạnh về sự thay đổi của người trẻ Nhật trong bài phát biểu của ông năm 2013. Ông tự hỏi làm thế nào để nam giới ngày nay mời bạn gái đi chơi, bởi thời của ông, đàn ông không thể hẹn hò nếu không có một chiếc xe hơi.
Người trẻ Nhật sẵn sàng nói “không” với sếp khi bị điều chuyển công việc trong khi cha ông mình chưa từng nghĩ đến từ đó trong đầu. |
Công sở Nhật cũng đang gặp khủng hoảng khi nam giới trẻ không thực sự thiết tha với công việc. Gần đây, nhiều lao động trẻ Nhật ở các tập đoàn lớn đã từ chối chuyển đến các văn phòng khu vực làm việc.
Việc từ chối quyết định điều động của công ty trước đây chưa ai dám nghĩ, nhưng nghiên cứu mới đây của Đại học Chuo chỉ ra rằng nam giới trẻ ngày nay dám làm mọi thứ, từ từ chối việc điều động của công ty, cho đến xin nghỉ việc.
Không dừng lại ở đó, một nghiên cứu khác cho thấy người trẻ Nhật không còn nối gót cha ông.
Một trang web về rượu đã tiến hành khảo sát 6,638 người Nhật cả nam lẫn nữ tuổi từ 20 đến 70 về thói quen uống rượu của họ.
Chiếc đồng hồ, biểu trưng của người coi trọng công việc là thứ không thể thiếu với nam giới Nhật trước đây. Nhưng ngày nay giới trẻ thay đồng hồ bằng điện thoại di động. |
Kết quả thật bất ngờ, có đến 40% nam giới ở độ tuổi 20-29 cho biết họ không uống rượu. Trong khi nam giới trên 60 tuổi không uống rượu chỉ chiếm 25%, nhiều người trong số này không động đến rượu vì phải kiêng theo chỉ định của bác sĩ.
“Tôi có uống. Nhưng tôi không thích đi uống cùng sếp hoặc đồng nghiệp, tôi thích uống cùng bạn bè hơn”, Sho Hosomura, 29 tuổi, phân trần về thói quen uống rượu của mình.
“Tôi uống khoảng một hoặc hai lần mỗi tháng. Mỗi lần hai hoặc ba ly “chu-hai” (rượu sô chu pha với nước trái cây). Thường là hai, thỉnh thoảng mới ba ly”, anh Sho nói.
Lượng tiêu thụ bia, rượu giảm tới 89% so với đỉnh điểm tiêu thụ năm 1996. |
Từ những năm 1980, các quán rượu ở Nhật mở cửa đến tận lúc bình minh, bởi việc uống rượu là một phần không chính thức của công việc.
Các chủ quán rượu và các cô gái phục vụ ngày đó ai cũng giàu có, các công ty giải khát cũng ăn nên làm ra. Nhưng ngày nay, lượng tiêu thụ rượu đã giảm tới 89% so với đỉnh điểm tiêu thụ năm 1996.
“Tôi không thấy có người bạn nào uống nhiều như thời trước. Tôi nghĩ những người trẻ không thích bị ép đi uống rượu cùng sếp như trước. Và giờ kể cả sếp có rủ thì họ biết câu trả lời sẽ là gì”, anh Sho tiết lộ.
Hướng về gia đình thay vì ‘làm việc đến chết’
Công ty của anh Sho rất khác với công ty nơi cha anh làm việc – một công ty nhập khẩu rượu từ Nam Mỹ.
“Tôi nghĩ thời nay không còn tồn tại kiểu công nhân đặt công việc lên trên hết mọi thứ như trước nữa. Sau chiến tranh, Nhật phải tập trung xây dựng lại đất nước nên ai cũng phải làm việc cật lực.
Nhưng đó là thời của ông tôi và tiếp nối đến thời cha tôi. Nhưng cách nghĩ đó không còn tồn tại ở giới trẻ nữa”, anh Sho nói.
Anh cũng đề cập đến hiện tượng tử vong do làm việc quá sức ở Nhật Bản và cho biết những công ty bắt nhân viên làm việc điên cuồng như vậy sẽ bị cho vào “danh sách đen”.
Nam giới Nhật trước đây đặt công việc trên cả gia đình, họ làm việc cật lực, thậm chí không có thời gian để ngủ. |
Giáo sư Stephen Nagy, trường Đại học Quốc tế Christian Tokyo, nhận định rằng, nền công nghiệp đồ uống cho thế hệ trẻ sẽ ngày càng ảm đạm.
“Văn hoá uống không còn tồn tại nữa, đã có một sự thay đổi mạnh mẽ trong văn hoá uống rượu của người Nhật. Việc trở về nhà ngay sau khi tan sở đã trở nên phổ biến.
Đàn ông trẻ tuổi giúp đỡ vợ chăm sóc con cái nhiều hơn cha ông mình. Bởi thời niên thiếu họ thiếu vắng sự chăm sóc của cha vì cha quá bận rộn nên giờ họ không muốn gia đình mình rơi vào cảnh tương tự”, Giáo sư Stephen phân tích.
Một nghiên cứu về cân bằng cuộc sống của người Nhật chỉ ra rằng lương của người trẻ đang trì trệ trong 2 thập kỷ qua. Vì vậy họ cũng phải giới hạn chi tiêu, khi cân nhắc đến ưu tiên tài chính cho chi tiêu gia đình, họ sẽ về thẳng nhà sau khi tan sở thay vì đi uống rượu.
Ngoài ra, theo Giáo sư Stephen, bình đẳng giới cũng tác động mạnh đến việc này. Phụ nữ đòi hỏi chồng mình về nhà sau khi tan sở và dành thời gian cho gia đình nhiều hơn.
“Phụ nữ không còn chấp nhận chuyện chồng mình coi công việc là số một, tan sở là đi uống rượu với đồng nghiệp”, giáo sư Stephen nói.
Kim Minh(Theo SCMP)