Ấn tượng buổi đầu gặp mặt khá quan trọng, và hiệu quả đến đâu phụ thuộc ở bạn hết.
Chúng ta luôn muốn gây ấn tượng tốt đẹp với người khác bằng cách cố tình ăn mặc đẹp, chải chuốt, nói chuyện một cách khéo léo và hài hước để mong người đối diện có cái nhìn tốt về mình. Thế nhưng đôi khi ta đang làm sai cách mà không biết.
Hãy cùng nhau điểm qua những lỗi sai cơ bản mà một người có thể mắc phải trong công cuộc lấy lòng đối phương nhé!
1. Nói xạo…
Nói dối vốn không được xem là việc nên làm trong bất kì trường hợp nào. Dù vẫn luôn tâm niệm rằng nói dối là không tốt, nhưng đôi lúc chúng ta vẫn vi phạm nguyên tắc vàng này.
Giả dụ như khi đi phỏng vấn xin việc, bạn có xu hướng thể hiện, khoe khoang về những thành tựu chẳng biết ở đâu ra, hoặc tô vẽ thêm cho câu chuyện có phần hư cấu. Những việc này chỉ tổ làm hại mình mà thôi.
Khi tỏ ra thành thật một cách tích cực nhất hoặc thừa nhận lỗi lầm và những lỗ hổng trong kiến thức, bạn đang tỏ ra cực kì cởi mở khiến người đối diện bắt đầu đặt niềm tin vào bạn.
Hãy nhớ rằng, các mối quan hệ bắt đầu trên nền tảng là sự chân thật luôn bền vững hơn những gì có được từ sự lừa dối.
2. Cố quá thành quá cố
Dù tương lai bạn có phụ thuộc vào một buổi thuyết trình, dù bạn có đang phỏng vấn cho một công việc trong mơ, dù cho bạn có đang ra mắt ba mẹ gấu… thì hãy luôn nhớ lấy một điều: đừng cố quá sức.
Nếu cố tỏ ra quá thông minh hoặc cool ngầu, người đối diện có thể quy rằng bạn đang cố khoác lác và không muốn nói chuyện với bạn nữa.
Nên nhớ rằng, hãy tỏ ra cởi mở với mọi người cho đến khi họ sẵn sàng chấp nhận con người bạn.
3. Quá cởi mở
Biết là ta nên cởi mở, nhưng không phải gặp ai cũng ôm hôn thắm thiết như anh em chia cách mấy chục năm được đoàn tụ.
Có những khi bạn muốn tỏ ra thật thành thật với những người mới gặp lần đầu. Bạn muốn kể với họ câu chuyện cuộc đời mình, chia sẻ những nguyện vọng và bí mật thầm kín. Có điều, làm vậy khi mới gặp người ta lần đầu rõ ràng không phải là một ý hay.
Thứ nhất, bạn chẳng biết gì về họ cả, nên khi bạn cứ kể về bản thân như vậy, họ sẽ thấy khó xử.
Thứ hai, nếu bạn tiết lộ những gì không nên nói, người đối diện sẽ nhìn bạn như đang nhìn một đứa trẻ chưa trưởng thành, thiếu sự nghiêm túc với sự việc.
4. Bạn nói quá nhiều
Việc 2 người không có gì nói thêm trong một cuộc hội thoại là điều hết sức bình thường. Dù biết rằng những khoảng im lặng như vậy rất khó xử, nhưng một cuộc nói chuyện kéo dài mãi còn khó xử hơn.
Chúng ta đều đồng ý rằng, việc đối mặt với một người không ngừng nói và đòi hỏi mình phải hoàn toàn tập trung vào họ là một việc rất mệt mỏi.
Do đó nếu như cuộc nói chuyện có dấu hiệu trầm xuống, hãy chờ một lát, và sau đó bạn có thể đổi chủ đề hoặc rời đi.
Đừng bao giờ ngay lập tức đưa ra lời đề nghị hay yêu cầu bất cứ thứ gì. Nếu người đối diện chào tạm biệt, đừng nài nỉ họ phải tiếp tục cuộc hội thoại với bạn.
5. Quá tọc mạch
Biết lắng nghe và quan tâm đến những điều người khác nói là một điểm tốt, nhưng đừng biến cuộc trò chuyện thành một buổi tra khảo.
Đừng hỏi quá nhiều câu hỏi một cách dồn dập, và đừng quên rằng phần lớn mọi người không thích nói về chính trị, tôn giáo, tiền bạc hoặc đời tư với những người họ không quen biết.