Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) mới đây đã lưu ý những rủi ro tiềm ẩn về sự thiếu hụt USD, đặc biệt tại các thị trường mới nổi, trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ trong năm nay.

Việc đồng bạc xanh khan hiếm hơn trên thị trường sẽ làm tăng chi phí đi vay, từng trở nên rẻ hơn rất nhiều bên ngoài nước Mỹ kể từ khi Fed tung lượng tiền không lồ ra thị trường thông qua các chương trình nới lỏng định (QE) nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

USD rẻ hơn cũng là nhân tố tích cực giúp thúc đẩy sự phát triển của các thị trường mới nổi, như các thị trường trái phiếu phát hành bằng USD ở châu Á. Châu Á cũng là nơi ghi nhận các hoạt động vay tiền đạt mức cao kỷ lục từ đầu năm tới nay.

Người đứng đầu bộ phận phân tích chiến lược vĩ mô của Ngân hàng Deutsche Bank, Sameer Goel cho rằng, châu Á có thể là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trước bất kỳ sự “thoái lui” nào của đồng USD.

Ước tính, trong mỗi 100 USD tăng lên của chương trình nới lỏng định lượng của Fed, thì có 15 USD chảy vào thị trường châu Á, đồng nghĩa khu vực này tích tụ được tổng cộng trên 500 tỷ USD từ dòng tiền mặt của chương trình QE của Mỹ. Mặt khác, dòng vốn chảy vào châu Á có quan hệ chặt chẽ với việc Mỹ nới lỏng chính sách tiền tệ, hơn là các chương trình QE tương tự của Eurozone hay Nhật Bản.

Ông Goel nói: “Nếu các đợt thắt chặt chính sách tiền tệ tiếp tục diễn ra tại Mỹ trong năm 2018 thì đây sẽ là lần đầu tiên trong nhiều năm qua, chúng ta chứng kiến sự co lại của các bảng quyết toán ngân sách. Trong kịch bản xấu nhất, điều này cũng sẽ tạo ra rất nhiều khó khăn cho các thị trường đang phát triển, vốn tận dụng rất tốt dòng tiền rẻ từ Mỹ để tạo động lực đầu tư và phát triển”. Bên cạnh đó, tình trạng “khan” đồng USD sẽ làm gia tăng chí phí mua đồng tiền này bên ngoài thị trường nước Mỹ.

Mai An (T/H)

BÌNH LUẬN