Để sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu khắt khe của các thị trường khó tính trên thế giới, ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp (DN), rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan, ban, ngành.

Thời gian qua, do thiếu tiêu chuẩn nên nhiều nông sản, thực phẩm Việt Nam dù có chất lượng tốt vẫn không được thị trường thế giới chấp nhận. Ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) – đánh giá, rất nhiều sản phẩm trong nước chưa đạt yêu cầu về chất lượng đối với người tiêu dùng trên thế giới, đặc biệt là các thị trường khó tính. DN Việt cần sản xuất sản phẩm theo chuẩn quốc tế để dễ dàng hội nhập hơn.

Liên quan vấn đề này, bà Nguyễn Phi Vân – Chủ tịch Công ty Retail & Franchise Asia – cho rằng, chúng ta cần thoát khỏi khái niệm hàng nội, phải xem hàng Việt cũng là hàng quốc tế thì mới dễ dàng cạnh tranh trong thời buổi hội nhập. Điều này có nghĩa, ngoài đặc tính, mẫu mã, bao bì…, đòi hỏi chất lượng sản phẩm phải áp dụng theo chuẩn quốc tế.

dua tieu chuan quoc te vao san xuat doanh nghiep can tro luc
Trái thanh long của Việt Nam đạt chất lượng xuất khẩu vào Đức

Thực tế đã cho thấy, khi sản phẩm nông sản, hàng hóa của Việt Nam đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế đã dễ dàng tiếp cận với những nước nhập khẩu dù là khó tính nhất. Đơn cử, mới đây, trái xoài của Việt Nam chính thức được cấp giấy thông hành vào thị trường Mỹ.

Bà Nguyễn Kim Thanh – Chuyên gia chuỗi an toàn thực phẩm – chia sẻ: Việc trái xoài vào được thị trường Mỹ là tin vui của ngành nông nghiệp nói chung vì để có thể “đặt chân” ở thị trường khó tính, cần một quá trình rất dài (khoảng 10 năm) theo đuổi thực hiện. Dù sao, kết quả này cũng ghi nhận làm theo chuẩn và đúng. Tuy nhiên, bà Thanh cũng thừa nhận rằng, nông dân cùng DN Việt Nam hiện mới chỉ đi được khoảng 30% của đoạn đường áp dụng theo các chuẩn quốc tế. Nguyên nhân là do, khi áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế, nông dân gặp nhiều khó khăn.

Liên quan đến quá trình áp dụng tiêu chuẩn quốc tế vào sản xuất, đa phần DN và nông dân kêu khó do luôn trong tình trạng tự túc, trừ trường hợp có sự hỗ trợ của tổ chức quốc tế. Ngoài ra, nhằm thúc đẩy việc thực hiện tốt chuẩn quốc tế, một số đơn vị hỗ trợ DN trong thương mại và hợp tác trên phạm vi toàn cầu. Từ khó khăn này, cộng đồng DN mong muốn nhà nước cùng tham gia, hỗ trợ DN.

Ông Nguyễn Công Luận – Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Rau, quả thực phẩm Antesco – dẫn thực tế: Chúng tôi từng tìm đất để trồng đậu nành, rau và bắp non theo chuẩn quốc tế. Thế nhưng, gần đến ngày có đoàn đến đánh giá chuẩn, đầu nguồn bỗng dưng xuất hiện chuồng bò ngay cạnh. Lập tức, công ty phải tiến hành đàm phán tháo dỡ chuồng bò, nếu không, việc xây dựng bấy lâu thành công cốc…

Xoay quanh vấn đề hỗ trợ sản xuất áp dụng tiêu chuẩn quốc tế, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thông tin, có hơn 1 triệu tiêu chuẩn được xây dựng và áp dụng trên thế giới. Thời gian qua, Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; đồng thời, tham gia 14 tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế. Ông Nguyễn Hoàng Linh nhận định, tiêu chuẩn quốc tế đang từng bước khẳng định lòng tin trên thị trường tiêu dùng, mang lại lợi ích cho khách hàng, nông dân, DN, nhà nước. Chắc chắn, nhà nước sẽ đồng hành cùng DN áp dụng tốt chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, nhà nước chỉ mang tính dẫn dắt, phần quyết định vẫn thuộc về DN.

Theo thống kê, những năm gần đây, có 84% tổ chức thương mại sử dụng tiêu chuẩn trong hoạt động xuất khẩu, 80% lượng giao dịch thương mại quốc tế chịu sự tác động của tiêu chuẩn. Chính vì thế, hàng hóa đạt tiêu chuẩn quốc tế chắc chắn sẽ có chỗ đứng trên thị trường.

Mai Ca

Theo Congthuong.vn

BÌNH LUẬN