Số nợ bảo hiểm xã hội 1.400 tỷ được theo dõi trên sổ sách hơn 10 năm, hầu như không thể thu hồi khiến gần 194.000 lao động mất quyền lợi.

Tại tọa đàm “Gỡ vướng trong khởi kiện trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH)” chiều 8/5, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội Đào Việt Ánh thông tin hết tháng 3/2017, số nợ BHXH là hơn 10.000 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 1.400 tỷ nợ từ các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc chủ bỏ trốn.

194-nghin-lao-dong-bi-treo-1400-ty-bao-hiem-xa-hoi

Ông Đào Việt Ánh, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Ảnh: P.X.

“Số tiền này được theo dõi trên hệ thống sổ sách hơn 10 năm. Đây là dạng nợ treo hầu như không thể thu hồi, khiến cho quyền lợi của gần 194.000 lao động bị ảnh hưởng, tính đến hết năm 2015”, ông Ánh nói.

Theo luật, công đoàn cơ sở hoặc công đoàn cấp trên trực tiếp có trách nhiệm đại diện cho người lao động khởi kiện doanh nghiệp trốn đóng BHXH ra tòa. Bảo hiểm xã hội đã chuyển hơn 1.800 hồ sơ cho công đoàn nhưng liên đoàn lao động các tỉnh mới nộp 82 hồ sơ khởi kiện. Có những hồ sơ bị tòa trả lại vì thiếu giấy ủy quyền của người lao động hoặc giấy ủy quyền của tổ chức công đoàn cơ sở.

“Nhiều nơi, công đoàn cơ sở không dám đứng ra hoặc không dám ủy quyền cho công đoàn cấp trên khởi kiện vì nhận lương của doanh nghiệp. Người lao động lại càng không dám vì cần công ăn việc làm. Những nguyên nhân này mang tính hệ thống, không thể thay đổi một sớm một chiều”, ông Ánh cho hay.

Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Mai Đức Chính thừa nhận tình trạng trên và cho biết, công đoàn khó khởi kiện bởi theo quy định cần có giấy ủy quyền của người lao động. Trong số các vụ nợ BHXH mà công đoàn khởi kiện, 17 vụ tòa trả lại hồ sơ vì không có giấy ủy quyền của người lao động hoặc chưa đúng trình tự giải quyết tranh chấp lao động, chưa có quyết định xử phạt hành chính trước khi khởi kiện.

Theo ông Chính, việc ủy quyền khá phức tạp. Mỗi lao động muốn ủy quyền phải đi với người được ủy quyền ra ủy ban, phòng công chứng làm giấy tờ với lệ phí 130.000 đồng. Doanh nghiệp có hàng nghìn lao động thì đi ủy quyền rất mất thời gian. Chưa kể, nếu ủy quyền cá nhân thì khi xử, toà án sẽ xử lý từng vụ bởi là tranh chấp cá nhân.

Quy định chồng chéo và khoảng trống pháp lý cũng khiến việc khởi kiện đi vào bế tắc. Ông Bùi Sĩ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội phân tích, Bộ luật Hình sự 2015 quy định tội trốn đóng BHXH cho người lao động bị phạt tiền đến 3 tỷ, phạt tù tới 7 năm. Nhưng luật đang tạm dừng, chờ kỳ họp Quốc hội tới cho ý kiến nên chưa có sự răn đe.

Theo ông, trong khi đợi thống nhất quy định pháp luật thì nên cho phép công đoàn cấp trên được trực tiếp khởi kiện doanh nghiệp thay vì cần giấy ủy quyền.

Tổng cục Thuế thống kê, hiện có gần 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Có 235.000 doanh nghiệp đóng BHXH, chiếm 47%. Còn hơn 50% doanh nghiệp chưa tham gia đóng BHXH.

Hoàng Phương

BÌNH LUẬN