Shi Chun – chủ một cửa hàng bán đồ cho trẻ em tại Bắc Kinh (Trung Quốc) luôn bọc đồ bằng vài lớp băng dính trước khi gửi chuyển phát nhanh.
Cô muốn khi nhận xét về sản phẩm của mình trên Taobao (website thương mại điện tử của Alibaba), khách hàng sẽ tích vào ô “gói hàng chắc và đẹp”. Cô chưa bao giờ bận tâm đến việc liệu mình có đang dùng quá nhiều giấy gói hay không.
Mua hàng, nhận hàng và vứt giấy gói – đó là những gì người mua hàng trực tuyến ở Trung Quốc phải làm. “Tôi chưa từng nghĩ xem đống giấy gói và băng dính này liệu có được tái chế hay không”, Shi chia sẻ trên Xinhua. Mỗi tháng cô dùng khoảng 20.000m băng dính để gói đồ.
Nhân viên đang lọc đồ tại một trung tâm chuyển phát ở Giang Tô. Ảnh: AP |
Giới phân tích ước tính khoảng 760 triệu gói đồ đã được chuyển đi trong Lễ Độc thân nước này (11/11). Trung Quốc là quốc gia có số hàng phải vận chuyển nhiều nhất thế giới. Năm 2014, 14 tỷ gói hàng được giao, và hầu hết số bao bì gồm bìa carton, nhựa xốp, túi nilon…. đều bị vứt vào thùng rác. Từ đó, khoảng 2,8 triệu tấn rác thải từ bao bì được sản sinh, có diện tích bằng 200.000 sân bóng đá. Chỉ riêng băng dính đã có thể quấn được 300 vòng quanh Trái Đất.
“Trên thực tế, rất ít nguyên liệu dùng để đóng gói được tái chế”, Chen Jian, chuyên gia tái chế tại Tây An, (Thiểm Tây, Trung Quốc) cho biết. Ở Tây An, chỉ 60% bìa carton được tái chế mỗi năm. Túi nilon và miếng lót gần như không bao giờ được tái chế, mà sẽ bị mang đổ tại các bãi chôn lấp.
Một tấn bột giấy có thể tạo ra 0,8 tấn giấy mới, tương đương với việc tiết kiệm 17 cái cây, 1,2 tấn than và 600 kilowatt điện, Tang Yanju – người phụ trách mảng giấy thải tại Hiệp hội Tái chế Tài nguyên Trung Quốc cho biết.
Giấy gói đôi khi sẽ được một vài công ty chuyển phát nhanh gom lại, nhưng số lượng rất hạn chế do không đủ nhân lực. Mỗi ngày, Zhang – một nhân viên vệ sinh phải nhặt hàng tá hộp carton tại khu vực cô làm việc ở phía nam Tây An. Bìa carton được bán lại với giá 30 cent một kg. “Giá thì thấp mà tôi còn phải mất công xé đống băng dính bám trên đó nữa”, cô than thở.
Các trạm tái chế cũng phải gồng mình để xử lý lượng rác thải khổng lồ từ những thành phố lớn của Trung Quốc. Trong 6 năm qua, số trạm tái chế tại Tây An giảm từ hơn 1.000 xuống còn 600. Số nhân công giảm từ 12.000 xuống còn 4.000.
Các chuyên gia đang ra sức kêu gọi sự hợp tác và ý thức cộng đồng từ phía người dân. “Các chính sách mới về thuế phí cần được ban hành nhằm cải thiện ngành công nghiệp tái chế, Đồng thời, quy định rõ ràng về kiểm soát chất thải từ bao bì cũng nên được bổ sung”, Jin Li – giám đốc bộ phận lưu thông thuộc Sở Thương mại Thiểm Tây kết luận.
Hà Tường