Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh công bố sẽ ra mắt đại học online dành cho tất cả đối tượng muốn học tại trường, trong đó có cả các học sinh lớp 12, dự kiến ra mắt vào tháng 3/2019. Đào tạo online là một xu thế, nhưng ở Việt Nam, để đáp ứng chuẩn và quản lý được chất lượng đầu ra, còn cần có những lưu ý nhất định.
Xu hướng đại học 4.0
GS.TS. Phạm Tất Dong nhận định: “Xu hướng học online là rất cơ bản, có thể thu hút đông đảo học viên, không hạn chế đầu vào, không xét trình độ đầu vào, không áp thời gian, chi cần hoàn thành đủ tín chỉ là được. Cách làm này không gây áp lực thi cử, học và thi theo chương trình online, là một chương trình tích cực dành cho những người không có thời gian”.
GS. TS. Phạm Tất Dong cũng bày tỏ: “Đây là phương án mở mà nhà nước cũng đang muốn khuyến khích hướng đến, cách mạng 4.0 đòi hỏi đại học 4.0 phải kết nối, nhưng chỉ e, trường chưa đủ sức làm cho hiệu quả. Vấn đề, các bài giảng ảo cung cấp cho học viên phải thực sự chất lượng, giảng viên giảng bài thực sự có chuyên môn, am hiểu chuyên sâu về lĩnh vực”.
Theo ông, việc thi và chấm bằng máy, đưa ra vấn đề, đáp án cần giải quyết đều làm trực tiếp trên máy nên không sợ vấn đề gian lận.
“Tuy nhiên, có một vấn đề, trường có được bộ GD&ĐT giao cho thực hiện chương trình đào tạo online hay không. Quan trọng nhất, là phải đảm bảo chất lượng bài giảng trực tuyến. Trước đây, đại học Mở TP.Hồ Chí Minh cũng đã có những bài giảng chất lượng, tổ chức những giờ học cầu nối khá thành công, nên ủng hộ.
Để thực hiện tốt chương trình đào tạo đại học online, trước tiên, trường phải có trách nhiệm với nội dung bài giảng. Mời giáo sư đầu ngành có điều kiện, có thể chỉ cần trình bày khoảng 2 tiếng, chỉ cần kết nối truy cập là nghe giảng được. Trường phải mở một kho tư liệu phong phú, đầy đủ nhất để phục vụ chương trình học, học viên có thể dễ dàng tiếp cận”, ông phân tích.
“Một yếu tố không kém quan trọng là đòi hỏi người học có sự kiên trì, ý thức tự tìm hiểu, nghiên cứu, tích lũy. Có thể học lớp 12 chưa giỏi các môn này nhưng lại có khả năng hơn về các môn kia. Có điều kiện để kết nối trên thiết bị của mình, thì rất thuận lợi. Không hạn chế phát triển tài năng”, ông đánh giá.
GS. Đinh Quang Báo cũng cho rằng: “Đây là một mô hình đào tạo tiên tiến, học viên nào vượt qua được thì năng lực sẽ tốt hơn. Ưu điểm nổi bật nhất là giúp học sinh chủ động về thời gian, học sinh rèn luyện được năng lực tự học”.
Ông lưu ý: “Cần phải tạo ra một môi trường mạng với thư viện tài liệu cho sinh viên dễ dàng tra cứu. Việc kiểm tra, đánh giá cũng cần lưu ý sao cho khách quan nhất, kết hợp bổ sung học bằng thực hành, cần có kế hoạch thế nào để đảm bảo kiến thức. Hình thức online chỉ thuận lợi cho học lý thuyết, còn học thực hành thì khó khăn, vì thế, các thí nghiệm ảo thì phải được thiết kế sao cho đáp ứng được lượng kiến thức. Nếu mô hình mang lại hiệu quả tích cực thì nên nhân rộng ra”.
Chưa đủ sức nhân rộng
Tuy nhiên, GS. TS. Phạm Tất Dong cũng xác định đây là một nhiệm vụ khó: “Trình độ công nghệ của Việt Nam chưa cao, điều kiện các cơ sở học online cũng chưa cao, để thực hiện thành công là điều không đơn giản. Việc truyền đạt trong trường có thể tốt, nhưng kết nối nhân rộng ra các địa phương khác nhau lại khó”.
GS. TS. Từ Sỹ Sùa nhận định: “Các cụ vẫn thường nói: “Trăm nghe không bằng một thấy”. Thực tế hiện nay, công nghệ 4.0 tạo điều kiện ứng dụng công nghệ trong giáo dục nhưng yếu tố con người vẫn quan trọng. Công nghệ 4.0 làm cho con người thực và con người đồ họa giảm khoảng cách, tuy nhiên, chất lượng khó đảm bảo ngang bằng hoàn toàn, vì sự truyền đạt thực tế thì sinh động hơn, chính xác hơn”.
“Đặc biệt, người Việt Nam vẫn quen “cầm tay chỉ việc”, nếu như không có ai rèn luyện, uốn nắn thì giống như một đội bóng chỉ nghe theo một huấn luyện viên online.
Đối với những kiến thức không quá yêu cầu chuyên sâu, mang tính chất nguyên lý chung thì đào tạo qua online cũng được, còn những kiến thức đòi hỏi thật chi tiết đường nét, màu sắc…, yêu cầu chuyên sâu, đỉnh cao, thì nên truyền đạt từ thực tế. Trước mắt, không thể nhân rộng mô hình này một cách đại trà, chỉ dùng hỗ trợ trong một số lĩnh vực, giúp một số trường hợp khi thiếu vắng nhân vật trực tiếp”.
Theo PGS.TS. Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh, điểm đặc biệt của chương trình này là cho phép học sinh đăng ký học trực tuyến chính thức môn học nhập môn kỹ sư ngành. Môn học này có trong chương trình đào tạo của trường với 2 tín chỉ, gồm nhiều nội dung giới thiệu tổng quát chương trình đại học, trang bị kiến thức, kỹ năng giúp người học biết được sẽ học các môn học nào, cần năng lực gì, định hướng nghề nghiệp…
Kết thúc môn học, học sinh sẽ thi hết môn nếu đậu sẽ được nhà trường công nhận điểm và sẽ được miễn môn học này khi chọn học tại trường.
Theo Nguoiduatin.vn