“Đừng khóc”, “Để mẹ yên”, “Nhanh lên” là những câu nói cha mẹ thường dùng nhưng nó thực sự không tốt cho con.
Nếu muốn con không bị tổn thương và thực sự nghe lời, hãy loại bỏ những câu nói hay cụm từ mà tạp chí Parenting liệt kê dưới đây trong các cuộc trò chuyện.
1. “Để mẹ yên”
Một phụ huynh đầu tắt mặt tối, quá bận rộn với công việc ở cơ quan và việc nhà sẽ dễ rơi vào trạng thái bực bội. Đây là điều bình thường. Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên nói với con những câu như “Đừng làm phiền mẹ” hoặc “Bố đang bận”, chúng sẽ bị nội tâm hóa.
“Những đứa trẻ bắt đầu nghĩ không có lý do gì để nói chuyện với bạn vì chúng luôn bị gạt ra. Nếu hình thành suy nghĩ này từ khi còn nhỏ thì khi lớn lên, chúng có thể không nói chuyện với bạn về mọi thứ”, TS Suzette Haden Elgin, nhà sáng lập trung tâm nghiên cứu ngôn ngữ ở Huntsville, bang Arkansas (Mỹ) nói.
Vì vậy, bố mẹ dành thời gian cho con ngay từ khi chúng còn nhỏ. Vào những lúc bạn thật sự bận, hãy nói nhẹ nhàng với con: “Mẹ phải hoàn thành việc này, con hãy đợi mẹ vài phút nhé. Mẹ hứa sẽ đi chơi với con khi làm xong”.
2. “Tại sao con…”, “Con rất là…”
Bạn thường đặt những câu hỏi trực tiếp với con như “Tại sao con làm vậy với Katie”, “Tại sao con lại ngốc đến vậy”? Hay đôi khi bạn nhận xét con với người khác là “Con bé rất nhút nhát”. Nếu tụi nhỏ nghe thấy những câu đó, chúng sẽ tin những gì đã nghe được mà không chút nghi ngờ.
Thực tế, những câu nói dạng “Tại sao con…”, “Con rất là…” có ảnh hưởng tiêu cực khiến con không tự tin phát triển bản thân. Bạn mắng con ngốc, con sẽ bắt đầu nghĩ về bản thân theo hướng đó và không dám thể hiện bản thân nữa. Ngay cả những từ mang tính chất tích cực như “Con tôi rất thông minh” cũng vô tình đặt kỳ vọng không cần thiết và không phù hợp lên con.
Cách tiếp cận tốt hơn với con là đưa ra cách cư xử khéo léo và bỏ dần những tính từ khi nói về tính cách của con bạn.
Ảnh: Shutterstock |
3. “Đừng khóc”, “Đừng buồn”, “Đừng trẻ con như vậy”
Bạn thường nói với con như vậy nhưng điều đó sẽ không tốt cho chúng bởi đứa trẻ cũng có lúc buồn bã đến mức phải bật khóc, đặc biệt là trẻ đang tuổi tập đi. Không phải lúc nào chúng cũng có thể diễn đạt cảm xúc bằng lời nói.
“Việc bạn muốn bảo vệ đứa trẻ trước những cảm giác buồn bã hay sợ hãi là rất tự nhiên, nhưng nói Đừng khóc, Đừng buồn sẽ không khiến trẻ cảm thấy tốt hơn. Ngược lại, câu nói đó gửi một thông điệp rằng con không được phép có cảm xúc như vậy”, TS Debbie Glasser (Đại học Nova Southeastern ở Fort Lauderdale, bang Florida) nhận định.
Thay vì phủ nhận cảm xúc của con, hãy giúp chúng diễn tả cảm xúc bằng lời. Chúng sẽ bớt khóc hơn và dần biết mô tả cảm xúc, đồng thời cũng cho con thấy sự đồng cảm của bạn.
4. “Tại sao con không thể giống như chị con”?
Theo các chuyên gia, nhiều phụ huynh có thói quen so sánh những đứa con mình như một cách đặt ra tấm gương để những đứa khác noi theo, tuy nhiên đừng để con nghe hay biết về điều đó.
Những so sánh này tưởng chừng hữu ích nhưng hầu như luôn phản tác dụng bởi con là chính con với tốc độ phát triển, tính cách và năng lực riêng. Sự so sánh với những anh chị hay đứa trẻ khác đồng nghĩa với việc bạn đang mong muốn con biến thành người khác.
Hơn nữa, sự so sánh của bạn cũng không thể giúp trẻ thay đổi hành vi. Việc bị buộc làm điều chưa sẵn sàng (hoặc không thích làm) có thể khiến trẻ mất tự tin vào năng lực bản thân. Thậm chí một số bé phẫn nộ và quyết tâm không làm theo những gì bạn muốn. Vì vậy, thay vì so sánh, hãy khuyến khích thành tích hiện tại của con.
5. “Đáng lẽ con phải làm tốt hơn chứ”
Sự nhạo báng, chế giễu có thể gây hậu quả mà bạn không thể tưởng tượng được. Trong lĩnh vực này, đứa trẻ có thể không giỏi nhưng có thể chứng minh năng lực ở lĩnh vực khác. Học tập là cả quá trình cố gắng, bố mẹ cần cho con thời gian.
Thay vì chê bai, hãy động viên con bằng câu nói kiểu như “Mẹ nghĩ sẽ tốt hơn nếu con làm theo cách này”.
6. “Nếu còn làm điều đó một lần nữa, mẹ sẽ đánh con”
Đe dọa chỉ khiến việc dạy con trở nên tồi tệ, đáng thất vọng hơn chứ hiếm khi có hiệu quả về lâu dài. Những sự đánh đập, trừng phạt sẽ xảy ra và điều này đã được chứng minh là không thể khiến trẻ thay đổi hành vi.
TS Murray Straus, nhà xã hội học tại Phòng nghiên cứu gia đình ở Đại học New Hampshire, cho biết các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tỷ lệ trẻ hai tuổi lặp lại một hành vi sai trái trong cùng một ngày là 80% dù cho bạn có sử dụng bất kỳ hình thức kỷ luật nào. Ngay cả với những đứa trẻ lớn hơn, không một kiểu trừng phạt nào mang lại kết quả chắc chắn ngay lập tức.
7. “Hãy chờ cho đến khi bố về nhà”
Khi con mắc lỗi, nhiều ông bố, bà mẹ thường nói câu này để dọa con và nó hoàn toàn không mang lại hiệu quả.
Để nuôi dạy con hiệu quả hơn, bạn cần giải quyết các tình huống ngay lập tức. Việc trì hoãn kỷ luật sẽ không kết nối các hậu quả với hành động của trẻ. Trước khi bố về, có thể bé đã thực sự quên đi chúng đã làm sai điều gì. Hơn nữa, chúng có thể nghĩ rằng bạn không có quyền hạn gì trong nhà nên tiếp tục cư xử sai trái khi bố không có nhà.
8. “Nhanh lên”
Chắc chắn trong cuộc sống, bạn sẽ gặp nhiều trường hợp phải hối thúc trẻ nhanh lên như mặc quần áo nhanh lên, đeo giày nhanh lên, tìm sách vở nhanh lên… Dù vậy, bạn hãy xem xét giọng điệu của mình khi yêu cầu con.
Nếu bạn rên rỉ hay thở dài, hai tay chống hông, ngón chân gõ nhẹ, gặng giọng yêu cầu con nhanh lên thì hãy cẩn thận bởi có xu hướng càng hối thúc trẻ càng cảm thấy có lỗi vì đã khiến bạn trở nên vội vã theo chúng. Cảm giác tội lỗi có thể khiến con thấy tồi tệ hơn và không thể làm nhanh như yêu cầu của bạn.
9. “Con làm tốt lắm”
Khen ngợi khi con làm tốt một việc gì đó là hành động không sai nhưng không nên có những lời khen mơ hồ và không rõ ràng như “Con làm tốt lắm” cho mọi việc chúng đã thực hiện. Bởi những lời khen như thế sẽ trở nên vô nghĩa.
Giữa những việc đòi hỏi sự cố gắng và những việc đơn giản, bạn cần dành cho con những lời khen khác nhau. Lưu ý:
– Chỉ khen ngợi những thành tựu đòi hỏi sự nỗ lực thật sự.
– Hãy cụ thể trong lời khen. Ví dụ khi con vẽ một bức tranh, thay vì khen “Con làm tốt lắm”, hãy nói “Con chọn màu để tô cho ngôi nhà rất tươi sáng và phù hợp”.
– Khen ngợi hành vi thay vì khen ngợi trẻ. Ví dụ: “Con đã giữ yên lặng như lời mẹ bảo trong lúc mẹ đang làm việc, tốt lắm”.