Theo chuyên gia, các phụ huynh cần chủ động hơn trong việc chăm sóc, sớm nhận ra những điểm bất thường trong hành vi của trẻ để tìm ra vấn đề mà con mình đang thực sự phải đối mặt.
Trước vụ việc hiệu trưởng Phú Thọ dâm ô hàng loạt nam sinh xảy ra ở trường Phổ thông dân tộc nội trú Thanh Sơn (Phú Thọ), TS. Vũ Thu Hương (ĐH Sư phạm Hà Nội) chia sẻ với báo Sức khỏe & Đời sống: “Thủ phạm dâm ô, xâm hại trẻ em chắc chắn không phải chỉ đến từ người lạ. Có đến 60-70% thủ phạm các vụ xâm hại là đến từ người thân quen như: thầy (cô) giáo, ông, bố, bác, đặc biệt là hàng xóm – những người bạn của bố thì rất nhiều”.
Chính vì thế, cha mẹ cần dạy trẻ tạo khoảng cách đề phòng với cả những người thân quen. Cha mẹ cần dạy con kỹ năng phòng chống xâm hại lặp đi lặp lại nhiều lần để tạo phản xạ.
Theo Zing.vn, TS. Vũ Thu Hương chia sẻ, cha mẹ cần dạy con cách phòng chống xâm hại tình dục theo khả năng tiếp nhận của trẻ.
Các nội dung cần dạy là con muốn ra khỏi nhà cần xin phép người lớn. Cha mẹ nhờ ai đón hộ nên có “mật mã” để trao đổi với trẻ, tránh bắt cóc.
Bố mẹ dặn trẻ tuyệt đối không nhận quà của người lạ. Nếu ai ngỏ ý nhờ giúp đỡ, trẻ phải chạy đi báo người lớn, công an, cảnh sát vì bản thân không đủ khả năng làm việc này.
Phụ huynh cũng lưu ý các con học thuộc số điện thoại của người thân; không nên tò mò tụ tập tại những nơi công cộng; đi chơi cùng nhóm bạn 3-4 người; không đi một mình khi trời tối…
Bố mẹ luôn nhắc con tuyệt đối không cho ai động vào phần kín của mình. Khi thấy ai đó khả nghi đi theo, các con lập tức đi về phía chú công an (nếu có) nhờ đưa về nhà. Nếu không có chú công an, con chọn một bác phụ nữ già nhất, trông dáng vẻ đang đi chợ để đến gần hỏi han. Kẻ xấu sẽ tưởng trẻ gặp người nhà và bỏ đi.
Trẻ bị ai đó bắt thì không nên hét “cứu con với” mà hét “cháy nhà” sau đó vùng bỏ chạy.
Bố mẹ cần tập luyện cho con dưới tình huống giả thiết các con sẽ làm gì khi gặp kẻ xấu, thay vì dọa dẫm trẻ về nguy cơ xâm hại, với tinh thần để học sinh vui vẻ tập luyện với tâm lý thoải mái.
Trên thực tế, người Việt Nam có thói quen xấu khi coi trẻ em như đồ chơi. Họ thường khoe, trêu ghẹo, cấu véo cơ thể của trẻ và coi đó là hành động bình thường. Tuy nhiên, ở góc độ nào đó, đây chính là xâm hại. Hành động này thường xuyên khiến trẻ không thể phân biệt tốt – xấu, nhầm lẫn là biểu hiện của tình yêu thương. Để bảo vệ con tốt hơn, phụ huynh cần thay đổi thói quen này.
Những hành vi bất thường ở trẻ cha mẹ cần chú ý:
Gặp ác mộng hay các vấn đề về giấc ngủ không rõ nguyên nhân.
Xao lãng, mất tập trung hoặc trở nên tách biệt.
Thay đổi đột ngột thói quen ăn uống: Chán ăn, mất hoặc tăng sự thèm ăn, khó nuốt.
Tâm trạng thay đổi đột ngột: Giận dữ, sợ hãi, thiếu tự tin hoặc tách biệt.
Dễ bị kích động khi tranh luận về chủ đề tình dục.
Viết, vẽ, chơi hoặc mơ về các hình ảnh tình dục hay bạo lực.
Có nỗi sợ bất thường với một người hoặc địa điểm nhất định.
Từ chối kể bí mật của mình với người lớn hoặc anh chị lớn hơn.
Kể hoặc nhắc đến về một người bạn mới lớn tuổi.
Đột nhiên có tiền, đồ chơi và nhiều quà tặng mà không rõ lý do,
Có suy nghĩ tiêu cực về bản thân (bao gồm cả cơ thể) như nghĩ mình ghê tởm, bẩn thỉu, xấu xí.
Thể hiện những hành vi, ngôn ngữ và kiến thức về tình dục như người lớn.
Không muốn cởi quần áo cho những sinh hoạt thích hợp như khi đi tắm, đi ngủ, đi vệ sinh.
Rủ những đứa trẻ khác hành xử hay chơi các trò chơi có yếu tố tình dục.
Bắt chước các hành vi tình dục của người lớn khi chơi với đồ chơi, vật nuôi.
Đi vệ sinh vô thức không giống như cách đã được cha mẹ hướng dẫn.
Tự làm tổn thương bản thân (rạch, cắt, đốt… các bộ phận trên cơ thể)
Vệ sinh cá nhân không đầy đủ
Lạm dụng rượu bia và các chất kích thích
Quan hệ tình dục bừa bãi
Bỏ nhà
Chán nản, mệt mỏi
Tìm cách tự tử
Sợ thân mật, gần gũi
Ám ảnh về việc ăn uống hoặc ăn kiêng
>>>Xem thêm: Loãng xương vì ăn kiêng, sợ nắng biến thành ninja khi ra đường
Phong Linh (tổng hợp)
Theo nguoiduatin.vn