Từ những quan sát trong cuộc sống, anh Vương Hùng Nam đã cải tiến máy phục vụ sản xuất nông nghiệp được bà con nông dân đón nhận.

Anh Vương Hùng Nam (41 tuổi, xóm Thin Thượng, xã Ngọc Động, Thông Nông, Cao Bằng) dù chỉ học hết lớp 5 nhưng đã tự mày mò, làm ra máy tách lạc có tay quay giúp gia đình và nhiều bà con nông dân thoát nghèo.

Sinh ra trong gia đình hoàn cảnh khó khăn lại đông con nên anh Nam chỉ được học đến lớp 5 rồi đi tìm công việc khắp nơi để mưu sinh. Năm 1998, xa quê, anh vào miền Nam tìm việc, thấy người dân nơi đây làm nông nghiệp nhưng có nhiều máy móc tiện lợi. Trong số này có máy bóc lạc rất tiện ích, anh chụp ảnh lưu lại và nghĩ cách thử làm.

Trở về quê hương, anh tìm từng dụng cụ, tận dụng các loại gỗ tạp, mài cắt rồi ghép lại với nhau như một chiếc lu và thiết kế thêm tay quay để ép củ lạc.

Anh Vương Hùng Nam bên chiếc máy bóc lạc quay tay bằng gỗ. Ảnh 

Anh Vương Hùng Nam bên chiếc máy bóc lạc quay tay bằng gỗ. Ảnh: Báo Cao Bằng.

Nhìn hình thức bên ngoài, chiếc máy giống như hình anh đã chụp, nhưng khâu vận hành khó. Sau nhiều lần thất bại, anh vẫn kiên trì thử, cuối cùng đã tìm ra chế độ vận hành phù hợp nhất. Máy chạy trơn tru, tốc độ vận hành tối đa một giờ có thể tách được khoảng 10 kg lạc, trong khi nếu bóc thủ công một ngày, hàng chục công lao động mới tách được 10 kg. Hạt lạc tách bằng máy không bị bẹp, chạm xước vỏ.

Xã Ngọc Động, huyện Thông Nông là đất trồng lạc nên sản phẩm máy tách lạc của anh nhanh chóng được bà con tìm mua. Anh kể, mỗi năm anh cung cấp ra thị trường khoảng 80 chiếc, với giá thành từ 800.000 – 1.000.000 đồng/chiếc.

Bà con quê anh không còn phải tốn nhiều công hàng đêm bóc lạc cho kịp ngày chợ. Nhiều gia đình nhờ vậy mà có thêm thời gian làm các công việc khác tăng thu nhập.

Không chỉ làm máy bóc lạc, anh còn nghiên cứu và cải tiến máy thái thức ăn gia súc của Trung Quốc. Máy sử dụng tiện lợi và không bị rò điện nên được nhân dân trong huyện và một số huyện khác tìm mua. Hàng năm anh cung cấp cho khách hàng 100 chiếc với giá bán từ 800 – 1,3  triệu đồng/chiếc.

Hiện anh mở xưởng sản xuất nhỏ ngay tại nhà và chuyên mua bán vật tư nông nghiệp, sửa chữa, sản xuất máy móc. Bên cạnh đó, anh còn làm thêm cả bàn ghế, giường, tủ… để bán.

Xưởng sản xuất của anh Nam hiện có 8 lao động thường xuyên với mức thu nhập 7 triệu đồng/tháng. Anh cũng dạy nghề cho những thanh niên trong huyện. Sau khi trừ chi phí, thu nhập bình quân hàng năm của gia đình đạt 200 – 250 triệu đồng.

Với những sáng tạo và đóng góp vào phát triển kinh tế địa phương, anh Nam là một trong 63 nhân vật được vinh danh Nông dân Việt Nam xuất sắc 2018.

Anh Nguyễn Hùng Nam (thứ hai từ trái qua) trong Lễ tôn vinh nông dân Việt Nam xuất sắc 2018 tối 14/10 tại Hà Nội. Ảnh: Giang Huy.

Anh Nguyễn Hùng Nam (thứ hai từ trái qua) trong Lễ tôn vinh nông dân Việt Nam xuất sắc 2018 tối 14/10 tại Hà Nội. Ảnh: Giang Huy.

Năm 2015 anh cũng được trao Huân chương lao động Hạng III của Chủ tịch nước. Năm 2017 anh được trao danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh.

Anh tâm sự, sẽ tiếp tục tìm hiểu trong sản xuất của bà con địa phương để tạo ra những phương tiện lao động tiện ích giúp bà con bỏ ra ít thời gian nhưng được nhiều việc hơn, cải thiện kinh tế gia đình.

Bích Ngọc

Theo VNExpress

BÌNH LUẬN