Khởi nghiệp xã hội có nhiều tiềm năng các quốc gia phát triển, còn ở Việt Nam, giới chuyên gia nhận định chưa được quan tâm đúng mức.

Theo một báo cáo của Global Social Entrepreneurship Network – Mạng lưới Khởi nghiệp Xã hội toàn cầu, 5 quốc gia Mỹ, Canada, Anh, Singapore, và Israel là những nước thành công trong việc kết hợp giải quyết các vấn đề xã hội gắn liền với mô hình kinh doanh của doanh nghiệp.

Các ý tưởng kinh doanh đến từ việc tận dụng nguồn rác thải để sản xuất phân bón tự nhiên, tạo cơ hội việc làm cho người nội trợ thất nghiệp hoặc những mô hình giáo dục sáng tạo để phát triển tiềm năng của trẻ em…

Những mô hình kinh doanh trên vừa tạo ra lợi nhuận vừa tạo ra tác động tích cực đến cộng đồng. Hơn 60% doanh nghiệp khởi nghiệp xã hội thu được lợi nhuận, đạt tốc độ phát triển 80%, nhận được sự ủng hộ tích cực từ phía chính phủ. Nhờ vào tốc độ tăng trưởng nhanh chóng và sự lan tỏa của các mô hình khởi nghiệp xã hội trên toàn cầu, xu hướng này phát triển mạnh mẽ ở các quốc gia phát triển.

Tại Việt Nam, dù có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khi tận dụng nguồn lực xã hội vào việc kinh doanh, số lượng những doanh nghiệp đi theo hướng tiếp cận này vẫn chỉ trên đầu ngón tay bởi không ít ý kiến cho rằng, các hoạt động trách nhiệm xã hội là thuộc về các tay chơi lớn, các tập đoàn nhiều tiền.

Một đội thi phát triển sản phẩm dành cho người khiếm thị trong cuộc thi khởi nghiệp xã hội dành cho giới trẻ. 

Một đội thi phát triển sản phẩm dành cho người khiếm thị trong cuộc thi khởi nghiệp xã hội dành cho giới trẻ.

“Mọi người thường nhầm lẫn giữa doanh nghiệp tạo tác động xã hội với các hoạt động thể hiện trách nhiệm xã hội, từ thiện của các tập đoàn lớn trong khi đây là hai hướng tiếp cận kinh doanh hoàn toàn khác nhau bởi bản chất mô hình của hầu hết các công ty đa quốc gia là đem lại lợi nhuận cao cho các các cổ đông. Trong khi đó, doanh nghiệp tạo tác động xã hội được xây dựng với một mục đích không chỉ đơn thuần phục vụ lợi ích kinh doanh mà còn phải song hành với sự bền vững và giá trị thực sự mang đến cho cộng đồng”, bà Hui Woon Tan, Nhà sáng lập của Alley 51 Ventures và The Purpose Group cho biết.

Một vài băn khoăn của những nhà sáng lập, doanh nhân khởi nghiệp và các nhà đầu tư nằm ở chính những hiểu biết chưa rõ ràng về các mô hình khởi nghiệp xã hội, tính hiệu quả cả về mô hình kinh doanh lẫn giải quyết các vấn đề xã hội. Trước đây, nhiều startup luôn đứng giữa luồng suy nghĩ về việc bền vững và duy trì hoạt động doanh thu. Sự bền vững thường mang đậm chất lý thuyết vì tâm lý nhà đầu tư luôn muốn kiếm tiền từ những doanh nghiệp có tốc độ phát triển càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên, những năm gần đây, cục diện đã thay đổi khi những doanh nghiệp có tư duy dài hạn sẽ có ưu thế hơn.

Theo các chuyên gia, một doanh nghiệp tạo tác động xã hội vẫn là một doanh nghiệp, dù bất kể quy mô như thế nào, dùng sự sáng tạo và mong muốn giải quyết một vấn đề xã hội một cách bền vững. Nếu mô hình kinh doanh đó thực sự giải quyết vấn đề tồn đọng quan trọng của xã hội, theo lẽ tự nhiên sẽ có khách hàng trả tiền.

Bà Phạm Kiều Oanh (trái) cho biết số lượng các startup chọn hướng đi khởi nghiệp xã hội ngày càng tăng lên nhưng vẫn cần thêm định hướng, nuôi dưỡng phong trào từ cộng đồng, các tổ chức đồng hành. 

Bà Phạm Kiều Oanh (trái) cho biết số lượng các startup chọn hướng đi khởi nghiệp xã hội ngày càng tăng lên nhưng vẫn cần thêm định hướng, nuôi dưỡng phong trào từ cộng đồng, các tổ chức đồng hành.

“Là nhà đầu tư, tôi đánh giá cao và luôn tìm kiếm những dự án tạo tác động xã hội của mô hình kinh doanh. Khi doanh nghiệp phát triển mở rộng, tác động sẽ được nhân rộng theo. Suy nghĩ các nhà đầu tư vào startup xã hội phải hy sinh tỷ suất sinh lời là một quan điểm không đúng”, bà Shuyin Tang, đối tác của quỹ đầu tư Patamar chia sẻ.

Việc hình thành và phát triển các doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam không còn mới nhưng những xu hướng khởi nghiệp xã hội trong nước lại đang có nhiều thay đổi theo sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, công nghệ…Các doanh nhân, nhà khởi nghiệp trẻ và nhà sáng lập startup ngày càng lựa chọn các hướng khởi nghiệp xã hội đi vào giải quyết những vấn đề khó như ô nhiễm môi trường, thực phẩm sạch, phân bón hữu cơ, phát triển bền vững.

“Trong tất cả chương trình khởi nghiệp cho người trẻ vài năm trở lại đây tôi từng có cơ hội được tham gia với tư cách ban giám khảo, cố vấn hay người truyền cảm hứng, luôn có ít nhất 20% số hồ sơ đăng ký đến từ các startup xã hội”, bà Phạm Kiều Oanh, Giám đốc điều hành Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP) nhận định.

Mới đây CSIP cũng vừa ra mắt dự án SOIN (Social Innovation – Đổi mới Sáng tạo vì Xã hội) – kênh ươm tạo sáng kiến xã hội trực tuyến. Kênh cung cấp các nguồn lực tài chính, nhân lực, cơ hội kết nối các cố vấn khởi nghiệp, nhà đầu tư nhằm hỗ trợ những cá nhân, tổ chức thực hiện các sáng kiến khởi nghiệp xã hội. Để nuôi dưỡng và phát triển mạnh mẽ hơn nữa làn sóng khởi nghiệp xã hội ở Việt Nam, học tập xu hướng các quốc gia phát triển, các nền tảng đào tạo, truyền cảm hứng, ươm mầm như SOIN được đánh giá là cần thiết cho sự phát triển của cộng đồng khởi nghiệp.

Hà My

Theo VNExpress

BÌNH LUẬN