Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định chưa bằng chứng nào cho thấy Covid-19 có thể lây lan qua thực phẩm hoặc bao bì đóng gói.
WHO cũng kêu gọi người dân thôi lo lắng về việc virus xâm nhập vào các dây chuyền sản xuất thức ăn. Phát biểu đưa ra ngày 13/8, sau khi hai thành phố tại Trung Quốc phát hiện nCoV trong cánh gà nhập khẩu từ Brazil và bao bì tôm đông lạnh của Ecuador, dấy lên lo ngại các lô hàng nhiễm bẩn có thể gây ra đợt bùng phát mới.
“Mọi người không nên e sợ thực phẩm, các bao gói, công đoạn chế biến hoặc giao thương (có thể làm bùng phát Covid-19). Không có bằng chứng cho thấy thức ăn đóng vai trò trong quá trình truyền virus. Người dân nên cảm thấy thoải mái và an toàn”, tiến sĩ Mike Ryan, giám đốc chương trình khẩn cấp của WHO, phát biểu trong cuộc họp báo tại Geneva, Thuỵ Sĩ.
Chuyên gia dịch tễ Maria Van Kerkhove cho biết Trung Quốc đã kiểm tra hàng trăm nghìn lô hàng và “tìm thấy rất, rất ít, cụ thể là dưới 10” sản phẩm dương tính virus.
Bộ Nông nghiệp Brazil cho biết họ đang tìm cách điều tra thông tin liên quan đến đợt hàng gửi tới Trung Quốc. Bộ trưởng Sản xuất của Ecuador, Ivan Ontaneda, cũng phát biểu nước này đã duy trì các tiêu chuẩn nghiêm ngặt trong đóng gói và chế biến. Họ không chịu trách nhiệm cho những gì xảy ra với hàng hoá sau khi rời khỏi đất nước.
Trong cùng buổi họp, WHO kêu gọi các quốc gia khi thực hiện thỏa thuận song phương về vaccine không từ bỏ các nỗ lực toàn cầu, bởi hành động trục lợi sẽ khiến toàn cả thế giới chịu tổn hại.
Trước đó, hôm 11/8, Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga trở thành quốc gia đầu tiên cấp phép vaccine ngừa Covid-19. Thời gian thử nghiệm lâm sàng chưa đầy hai tháng. Động thái của Moskva được ví như cuộc chạy đua vào không gian thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Quyết định này cũng làm dấy lên lo ngại về độ an toàn và hiệu quả. Thông thường, tỷ lệ thành công của các thử nghiệm lâm sàng chỉ khoảng 10%. Nhiều chuyên gia lo ngại Moskva đang đặt vị thế quốc gia lên trên sự an toàn y tế.