Rượu trái cây, rượu nếp cẩm (nếp than), cơm rượu dễ làm lại an toàn, tốt cho sức khỏe.

Theo cuốn Món ăn bài thuốc của bác sĩ Nguyễn Minh Ngọc, một số loại rượu như rượu trái cây, rượu nếp cẩm hay rượu nếp than, cơm rượu… vừa an toàn lại bổ dưỡng. Bữa cơm ngày Tết gia đình đoàn viên cùng nhau nhấm nháp một ít rượu tự làm này rất tốt cho tiêu hóa.

Làm rượu trái cây

Chọn khoảng một kg trái cây như chuối, mít, dâu, nho, cam; 300 g đường; 3 bánh men rượu, rượu nếp để ngon 100 ml.

Cách làm: trái cây rửa sạch, cắt nhỏ, lột vỏ nếu cần. Tán nhỏ men rượu rồi trộn với đường, xếp vào hũ một lớp trái cây, một lớp đường. Đậy kín, 5 ngày bắt đầu lên men. Thêm nước đường nếu cần đối với trái cây ít chất ngọt, 7 ngày sau thêm rượu đế. Khi nào trái cây đổi màu nước trong là được, để lắng, gạn lọc. Để lâu quá có thể lên men giấm.

Công dụng trị liệu của rượu trái cây tùy thuộc vào loại trái cây sử dụng. Rượu mít uống lâu say vì mít có tính giải rượu. Quả dâu tằm có tính an thần, bổ thận, uống rượu dâu tằm dễ ngủ.

Rượu trái cây rất tốt và bổ dưỡng. Ảnh: WordPress
Rượu trái cây rất tốt và bổ dưỡng. Ảnh: Wordpress

Rượu nếp cẩm hay rượu nếp than

Chuẩn bị 1 kg nếp cẩm, 2 viên men rượu, 0,5 lít rượu đế nếp ngon.

Cách làm: Nếp than hoặc nếp cẩm vo sạch, nấu cơm. Rắc men rượu tán nhỏ lên cơm, cho vào hũ, thêm rượu đế, đậy kín. Khoảng nửa tháng thì rượu lên men, đợi thêm nửa tháng nữa cho mùi rượu dịu và bớt nồng. Lắng, gạn, lọc lấy nước trong, bỏ bã (không chưng cất). Rượu có màu nâu đen, trong, ngọt dịu, độ rượu thấp.

Cây lúa nếp than hay nếp cẩm cao hơn lúa thường nên dễ bị gió bão làm đổ. Thời gian lúa chín khoảng 6 tháng, dài hơn lúa thường mà năng suất thấp nên giá nếp than cao hơn nếp trắng. Theo Đông y, sách thuốc xưa thời Lý Trần có viết: “Nếp cẩm có vị dịu và hơi ngọt, tác dụng tốt vào phế và tỳ vị, chữa được bệnh đái rắt, kiết lỵ, đổ mồ hôi trộm, giảm được viêm nhiễm vết thương hay mụn nhọt”.

Rượu nếp than làm bằng gạo nên có tính bổ dưỡng của thủy cốc. Chất ngọt và thủy cốc bổ dưỡng tạng phủ, rượu có tính dẫn thuốc nên rượu nếp than (nếp cẩm) dùng để dẫn thuốc vào tỳ vị và thần kinh.

Cơm rượu 

Cơm rượu ít men hơn rượu trắng. Nguyên liệu gồm gạo nếp, một muỗng nhỏ thạch cao, 3 viên men rượu, 300 g đường, 1 lít rượu đế.

Cách làm: Nấu cơm dàn ra mâm, để nguội, tán nhỏ một viên men rắc lên cơm, tán nhỏ 2 viên men rắc lên thạch cao. Rửa tay sạch, vo viên cơm, chấm men phía ngoài viên, xếp vào hũ, để hở 2 giờ rồi đậy nắp, 3-4 ngày sau có mùi rượu. Một tháng sau gạn nước ra, nấu nước đường, hòa rượu để đổ vào hũ bã, một tuần sau chắt nước. Nước cơm rượu trắng đục để dùng ngay, không chưng cất.

Theo Đông y, cơm rượu vị đậm, nước đục nên đi vào huyết phần, tính còn ngưng trệ nên sinh đờm thấp. Cơm rượu là thủy cốc, gốc từ gạo nên có giá trị vượt trội hơn hẳn các loại men từ cây khác. Cơm rượu được tăng cường chất đường nên có tính bổ dưỡng.

Thúy Quỳnh

theo vnexpress.net

BÌNH LUẬN