Màu đỏ tượng trưng cho may mắn, sắc vàng biểu tượng sự an khang, thịnh vượng, màu xanh mang ý nghĩa sum họp.
Mâm ngũ quả ngày Tết tượng trưng cho ước muốn của gia chủ trong năm mới. Theo thời gian, dù có nhiều thay đổi về văn hoá nhưng tập tục này vẫn lưu truyền trong gia đình Việt bởi ý nghĩa nhân văn của nó.
Mâm ngũ quả sẽ có 5 loại quả với 5 màu sắc khác nhau, tượng trưng cho quy luật đất trời theo ngũ hành Kim (màu trắng), Mộc (màu xanh), Thủy (màu đen), Hỏa (màu đỏ), Thổ (màu vàng). Bên cạnh đó, “ngũ” còn tượng trưng những ước nguyện của gia chủ về một cuộc sống sung túc, viên mãn: Phúc (may mắn); Quý (Giàu có, sang trọng), Thọ (sống lâu), Khang (khỏe mạnh), Ninh (bình yên).
Từ Bắc vào Nam, các loại trái cây dùng để bày trên mâm ngũ quả đa dạng, với biểu tượng về điều ước của gia đình, mang những màu sắc chung như xanh lá (cân bằng, bình yên), đỏ, cam (may mắn), vàng (phát tài lộc). Mâm ngũ quả truyền thống có các loại quả như: Chuối xanh – Tượng trưng cho gia đình sum vầy, quây quần, đầm ấm, bao bọc và chở che; Phật thủ xanh – bàn tay phật che chở cho cả gia đình; Bưởi vàng – Cầu ước sự an khang, thịnh vượng; Thanh long đỏ – Rồng mây hội tụ, thể hiện sự phát tài phát lộc; Đu đủ vàng- Thịnh vượng, đủ đầy.
Ở mỗi vùng, người dân lại có phong tục chọn các loại quả, bài trí mâm khác nhau tuỳ thuộc vào khí hậu, sản vật, quan niệm từng địa phương.
Đặc trưng mâm ngũ quả từng vùng miền
Chị Trần Ngân, 40 tuổi, Hà Nội là người tỉ mỉ trong việc bày biện mâm ngũ quả ngày Tết. Giống như đa phần người miền Bắc, chị coi trọng sự hòa hợp về âm dương ngũ hành.
Bởi vậy, chị thường lựa chọn những loại quả mang màu sắc theo nguyên tắc ngũ hành, dễ thấy là: kim – trắng (lê), mộc – xanh (chuối, dừa), thủy – đen (măng cụt, hồng xiêm), hỏa – đỏ (hồng, táo), thổ – vàng (đu đủ, cam, xoài).
Trước hết, nải chuối đặt ở dưới cùng đỡ lấy toàn bộ loại quả khác. Chính giữa nải chuối xanh thẫm có thể là trái bưởi tròn căng mọng, phật thủ có màu vàng tươi. Những quả nhỏ hơn như cam, quất, hồng màu đỏ, cam… sẽ xếp xen kẽ xung quanh. Gia chủ bài trí tinh tế, chi tiết giữa màu sắc, kích thước loại quả sẽ mang lại sự hài hòa, giống như lời mong ước bình an, suôn sẻ, phát lộc, may mắn trong năm mới.
Người miền Nam bày mâm ngũ quả theo mong muốn “Cầu sung vừa đủ xài” với ước mong năm mới đủ đầy, sung túc, tương ứng với 5 loại quả: mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài. Mâm ngũ quả miền Nam chủ yếu mang sắc xanh, tránh những loại quả như chuối vì cách phát âm gần giống “chúi nhủi”, không phất lên được; hay cam, quýt sẽ dễ liên tưởng tới “quýt làm cam chịu”.
Bên cạnh đó, nhiều gia đình còn bày thêm quả thơm (dứa) màu vàng để cầu ước cho một năm con cháu đầy nhà, cầu ước nhiều may mắn với một cặp dưa hấu xanh vỏ, đỏ lòng. Về cách bài trí, mâm ngũ quả người miền Nam thể hiện rõ tính bình dị, dân dã.
Nếu mâm ngũ quả 2 miền Nam Bắc có sự khác biệt thì mâm ngũ quả miền Trung lại có sự giao thoa của 2 vùng này. Các loại quả thường dùng: chuối, bưởi, xoài, dưa hấu, cam, táo, nho, sung, dứa, mãng cầu… Cách bày đơn giản theo hình thức quả to, nặng đặt ở dưới làm đế, tiếp đó là những quả có trọng lượng nhỏ chèn bên trên hoặc xen kẽ vào chỗ trống.
Với nhịp sống hiện đại, mâm ngũ quả có biến tấu bên cạnh bày biện những loại quả truyền thống. Chủ nhà thêm một số loại trái cây mới, gắn thêm hoa, bày theo lon nước trái cây với bao bì màu đẹp, bắt mắt.
Chị Nguyễn Thu Hà, 38 tuổi, Hà Nội cho biết, năm nay chị sẽ chọn chanh leo bày biện trong mâm ngũ quả. Màu vàng của quả tượng trưng cho tài lộc, lành tính, không kỵ với tuổi nào. Vỏ màu hồng của sản phẩm tượng trưng cho sung túc, no đủ. Bên cạnh hình thức đẹp, đây là trái cây có giá trị dinh dưỡng cao với sức khỏe.
Mùa xuân không phải mùa chanh leo, người tiêu dùng có thể chọn sản phẩm nước ép từ loại quả này để thay thế.
Lê Nguyễn
theo vnexpress.net