Sau hai năm với những thành tựu chưa từng có, HLV Park Hang-seo sẽ đối diện rất nhiều sóng gió vì mục tiêu giữ đà thăng tiến cho bóng đá Việt Nam.
Những ngày này, cách đây hai năm, lời từ chối của chuyên gia Nhật Bản Sekizuka Takashi đã mở ra cánh cửa để bóng đá Việt Nam tiếp cận Park Hang-seo. Đó có thể xem là một cơ duyên. Lúc đó, bóng đá Việt Nam đang khó khăn về tài chính và nhân sự, còn bầu Đức đã tuyên bố xin từ chức ở VFF. Chuyến đi sang Hàn Quốc ký hợp đồng với ông Park là công việc cuối cùng mà bầu Đức xuất hiện với vai trò lãnh đạo VFF.
Nhưng có lẽ bầu Đức không tận tụy đến như vậy, nếu không xuất phát từ một cơ duyên khác – chính là “những đứa trẻ của ông”, tức lứa cầu thủ U19 của HAGL. Bầu Đức khao khát được thấy Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh… thành công. Ông không tiếc thời gian thuyết phục Nutifood rồi VP Milk đổ tiền để đầu tư cho lứa cầu thủ này. Bầu Đức cũng từng công khai chê tài năng của HLV Hoàng Anh Tuấn, vì ông tin rằng lứa U19 dự World Cup cũng là những tài năng chưa được đặt vào tay của người thích hợp. Sau thất bại của HLV Nguyễn Hữu Thắng, bầu Đức càng nôn nóng hơn. Bằng cảm quan của một ông chủ tập đoàn, bầu Đức biết chỉ có HLV ngoại mới đủ tầm để thăng hoa những tinh hoa “trăm năm có một” mà bóng đá Việt Nam phải mất 10 năm mới sản sinh được. Đó là lứa cầu thủ được gieo mầm từ thời cực thịnh nhất của bóng đá Việt Nam những năm 2007-2010 với hàng loạt ông bầu, lò đào tạo tư nhân, và hàng trăm tỷ đồng đầu tư.
Không có sự vĩ đại nào lại khởi đầu từ may mắn cả. Bóng đá Việt Nam gặp được Park Hang-seo, người đã kiên định với triết lý bóng đá của ông bất chấp sự lận đận của sự nghiệp cầm quân. Từ chỗ chuẩn bị bước vào sự vô danh của tuổi già, Park Hang-seo như con phượng hoàng tái sinh những ngọn lửa tinh anh vốn bị che khuất bên dưới lớp tro dầy.
Kể từ sau thế hệ vàng đầu tiên với chiếc HC bạc SEA Games 1995, bóng đá Việt Nam khao khát một thế hệ vàng kế tiếp đến mức thường xuyên gắn cụm từ hoa mỹ này vào đội tuyển ở một vài thời điểm. Lứa cầu thủ trẻ 2003 với nòng cốt SLNA đã bị tan hoang sau scandal bán độ SEA Games 2005. Đội tuyển vô địch AFF Cup 2008 thực ra không phải là một thế hệ được sinh ra cùng thời, mà là sự kết nối giữa nhóm cầu thủ 2003 và những người được rèn luyện nhờ V-League bùng nổ lúc đó. Nhưng tập thể trong tay HLV Park Hang-seo thực sự là vàng ròng. Đa số họ đến từ ba đội bóng Hà Nội, SLNA và HAGL – những “thánh địa” của trẻ và bóng đá chuyên nghiệp. Nhờ vậy, họ có tư duy, kỹ thuật cơ bản và đặc biệt là ý thức chuyên nghiệp vượt xa so với cái thời “quân anh- quân tôi” kèn cựa nhau trước đây.
Nếu không tính “lão tướng” Anh Đức, độ tuổi trung bình đội tuyển chỉ là chừng 24-25. Họ là những người đã đá quốc tế ở đẳng cấp châu Á và World Cup từ năm 18 tuổi, đã trải nghiệm V-League từ 19 tuổi và từ năm 2017 đến nay, đã cùng chơi bóng trong màu áo đội tuyển quốc gia. Nghĩa là, họ có thể thi đấu mà không cần phải ngước mắt nhìn nhau trên sân ít nhất thêm năm năm nữa.
Nhưng, nếu nói bóng đá Việt Nam ở đế chế Park Hang-seo khởi đầu bởi những cơ duyên, thì đằng sau những vinh quang, sẽ không còn là cơ duyên nào nữa. Thế giới bóng đá là những ngọn núi trùng điệp nối tiếp nhau. Bóng đá Việt Nam có đứng trên đỉnh của Đông Nam Á, thì ngay trước mắt là ngọn núi Á châu. Nếu chúng ta gọi nơi dừng chân đó là đỉnh, thì chúng ta chỉ có thể đi xuống. Nhưng nếu có tham vọng, chúng ta phải biết rằng đó chỉ là vị trí xuất phát cho cuộc chinh phục ngọn núi cao hơn.
Dù ông Park có một gia tài với thế hệ tài hoa trong tay, không có nghĩa mọi thứ đều đã là những thỏi vàng. V-League không đào tạo được một tay săn bàn nào. 10 năm trước, Anh Đức không có “cửa” lên đội tuyển khi cạnh tranh với Việt Thắng, Quang Hải, Công Vinh. Hàng tấn công của các đội tuyển Việt Nam hiện nay không thiếu những nghệ nhân, nhưng bói không ra một sát thủ vòng cấm. Đành rằng Việt Nam có thể giải quyết trận đấu bằng cách kiên trì tạo dựng cơ hội để ghi bàn, nhưng đôi khi, ở các cuộc đối đầu đỉnh cao, chiến thắng chỉ đơn giản là trừng phạt sai lầm của đối phương bằng một tiền đạo có khả năng tận dụng cơ hội nhỏ nhoi nhất.
Nên thay vì chờ đợi một nhân tố được sàng lọc từ 26 vòng đấu của V-League, HLV Park Hang-seo buộc phải mạo hiểm với những hòn đá thô như Nguyễn Tiến Linh hay Nguyễn Việt Phong. Chỉ có điều, để mài giũa họ, luôn cần có thời gian và kiên nhẫn.
Quá trình đàm phán hợp đồng của HLV Park Hang-seo và VFF dường như bị “tắc” ở điểm này. Ông Park biết rằng đã đến lúc tính bất ngờ không còn nữa, giờ là lúc làm việc cật lực, chấp nhận những thất bại ngắn hạn để bồi đắp đội ngũ hiện tại. Trong khi đó, có thể VFF lại đưa ra những yêu cầu về thành tích, những mục tiêu theo kiểu đã vô địch AFF Cup thì phải đoạt HC vàng SEA Games, đã là á quân U23 châu Á thì kỳ tới dứt khoát phải vô địch… Đại loại, mọi thứ chỉ có đi tới, phải tốt hơn…
Nếu nói về tham vọng, không ai hơn ông Park. Nhưng con đường leo lên ngọn núi Á châu hoàn toàn khác đỉnh cao Đông Nam Á mà thầy trò ông đá chinh phục. Nếu ở Đông Nam Á, chúng ta thường nằm trong nhóm 4 đội mạnh nhất, chuyện lên đỉnh chỉ là vấn đề thời điểm. Ngược lại, với ngọn núi châu lục, thì bóng đá Việt Nam cần phải thực tế: chúng ta bắt đầu bằng vị trí 15-16, nghĩa là xuất phát điểm kém nhất, hành trình thì dài vô tận. Đến lúc sẽ thất bại, đến lúc phải cần thêm nhân tài, đến lúc V-League phải thể hiện trách nhiệm của giải đấu hàng đầu quốc gia.
Bóng đá Việt Nam vẫn đang chinh phục đỉnh cao ấy, có thể bằng ngọn lửa được truyền bởi Park Hang-seo. Nhưng trên cao luôn có gió mạnh. Giữ cho ngọn lửa đó cháy tiếp trong tim là một chuyện, nhưng cũng phải giữ được đôi chân thật vững trên từng bước đi và hãy ngước nhìn đỉnh cao châu Á bằng một cái đầu lạnh.
Song Việt
Theo VNExpress.net