PGS.TS Đào Đăng Phượng.
* Chúng ta sẽ gặp khó khăn nào trong đáp ứng điều kiện đội ngũ GV Âm nhạc, Mỹ thuật khi triển khai Chương trình GDPT mới?
-Nhiều người lo ngại đội ngũ GV nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) hiện tại khó có đủ khả năng đáp ứng đảm nhận Chương trình GDPT mới theo kế hoạch đề ra. Do đó, chuẩn hóa, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách mà toàn ngành Giáo dục đã và đang nỗ lực thực hiện nhằm nâng cao chất lượng, vai trò của đội ngũ GV, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, SGK.
Thực hiện đổi mới chương trình, nhất là chương trình GDPT không phải dễ dàng và luôn gặp khó khăn ban đầu. Đổi mới dạy học môn Nghệ thuật trong nhà trường phổ thông, trước hết khó khăn sẽ tập trung ở vấn đề đội ngũ GV và cơ sở vật chất. Do đó, yêu cầu cấp thiết đặt ra là cần xúc tiến xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, kết hợp với sự chủ động nghiên cứu, tìm hiểu của bản thân GV để có thể đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới.
Giáo dục nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) trong danh mục các môn học ở các cấp học trong Chương trình GDPT mới có vị trí quan trọng và được định hướng về nội dung giáo dục rõ ràng. Để đạt được mục tiêu đó, năng lực đội ngũ GV dạy học nghệ thuật đóng vai trò quyết định. Đội ngũ này cần phải được đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, mở rộng, phát triển kỹ năng nghề nghiệp.
Mỗi địa phương, vùng miền có những điều kiện và hoàn cảnh khác nhau trong đào tạo, sử dụng đội ngũ GV nghệ thuật. Việc chuẩn hóa, phổ cập đội ngũ GV này trước đây chủ yếu tập trung ở các trung tâm, thành phố; hầu hết các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn vẫn còn thiếu, trình độ của đội ngũ GV nghệ thuật không đồng đều. Đây cũng là bất cập cho triển khai Chương trình GDPT mới và cũng cho thấy sự cần thiết phải đẩy nhanh đào tạo, bồi dưỡng và chuẩn hóa đội ngũ GV nghệ thuật của các trường phổ thông.
* Nội dung giáo dục nghệ thuật ở phổ thông hướng tới định hướng nghề nghiệp cho học sinh, được thể hiện chuyên sâu trong các chuyên đề học tập. Do đó, cần nhanh chóng đổi mới đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ GV nghệ thuật trong trường phổ thông qua vai trò của các trường sư phạm. Là người trong cuộc, ông nghĩ sao?
– Có thể nói, các cơ sở đào tạo GV nghệ thuật phải là nơi tiên phong trong rà soát, điều chỉnh, thiết kế lại chương trình đào tạo, bồi dưỡng GV theo mục tiêu phát triển năng lực nghề và tương thích với sự thay đổi của chương trình, SGK theo Chương trình GDPT mới.
Đối chiếu với yêu cầu của Chương trình giáo dục mới, các trường sư phạm nghệ thuật sẽ thấy rõ cái đang cần và đang thiếu của GV, từ đó xác định nội dung cần đào tạo, bồi dưỡng cho GV và xây dựng chương trình cho sát với nhu cầu thực tiễn.
Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, GV nghệ thuật cho các trường phổ thông, giảng viên các trường ĐH sư phạm nghệ thuật phải thực sự là lực lượng nòng cốt, chủ yếu để bảo đảm chất lượng của đội ngũ GV dạy học Âm nhạc, Mỹ thuật. Các cơ sở đào tạo giáo viên được giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng sẽ là người chịu trách nhiệm tổ chức, chủ động phối hợp với các địa phương trong các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và các nhiệm vụ khác được giao theo lộ trình và yêu cầu của Chương trình GDPT mới.
Đối với Trường ĐHSP Nghệ thuật TW, được ghi nhận là cơ sở đào tạo GV nghệ thuật chính quy lớn nhất cả nước cả về số lượng và chất lượng, đang theo sát lộ trình triển khai Chương trình GDPT mới. Trường đã và đang đẩy mạnh các hoạt động nhằm hỗ trợ, chuẩn bị, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội nghệ thuật.
*Theo ông, cần làm gì để chúng ta có thể tự tin về đội ngũ khi triển khai chương trình mới với môn nghệ thuật?
– Tôi cho rằng, trước hết cần có sự thống nhất cao về quan điểm, mục tiêu; ổn định nội dung, chương trình; cải tiến đồng bộ phương pháp đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ GV dạy học bộ môn nghệ thuật trong trường phổ thông.
Bộ GD&ĐT cùng các trường sư phạm nghệ thuật có khảo sát, điều tra, thống kê, tổng kết về số lượng, chất lượng; đánh giá lại năng lực một cách chính xác, khách quan của đội ngũ GV nghệ thuật để có căn cứ khoa học cho một chiến lược xây dựng, phát triển đội ngũ này ở tầm vĩ mô. Đồng thời ban hành chuẩn GV, chuẩn chương trình đào tạo, bồi dưỡng GV nghệ thuật theo Chương trình GDPT.
Tổ chức biên soạn các tài liệu đào tạo, bồi dưỡng GV nghệ thuật theo từng nội dung hoặc chủ đề, trên cơ sở đó, thiết kế một số giáo án mẫu, các tiết dạy minh họa thể hiện cách thức dạy học theo hướng đổi mới của Chương trình GDPT để GV có thể tự học, tự bồi dưỡng, vận dụng.
Đối với các cơ sở được giao đào tạo, bồi dưỡng GV nghệ thuật cần xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị (đặc biệt xây dựng phòng dạy trực tuyến) để giảng dạy qua mạng, online. Xác định rõ mình là lực lượng nòng cốt trong tổ chức các đợt tập huấn, bồi dưỡng. Đây là khâu then chốt để bảo đảm chất lượng trong công tác bồi dưỡng đội ngũ GV nghệ thuật cho các trường phổ thông. Cần thiết mở rộng chỉ tiêu đào tạo liên kết, hình thức vừa học vừa làm cho ngành sư phạm Âm nhạc, Mỹ thuật thay thế cho việc bồi dưỡng đội ngũ GV nghệ thuật.
Đối với các Sở GD&ĐT, trường phổ thông, bố trí, sắp xếp thời gian hợp lý cho GV nghệ thuật được tham gia các khóa, lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn từ xa hoặc trực tiếp theo chương trình mới.
GV trực tiếp giảng dạy Âm nhạc, Mỹ thuật ở các cơ sở GDPT chủ động, tích cực hoàn thành tốt các khóa đào tạo, bồi dưỡng ở địa phương hoặc ở các trường sư phạm nghệ thuật phù hợp với thời điểm áp dụng chương trình, SGK theo lộ trình, thực hiện tốt các nhiệm vụ đổi mới mà Bộ, ngành, sở triển khai.
Các cơ quan, bộ phận liên quan xây dựng quy trình thường xuyên đánh giá tiến độ, mức độ thực hiện kế hoạch và biện pháp triển khai, lấy ý kiến phản hồi của GV nghệ thuật trong trường phổ thông về các điều kiện và biện pháp hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, phát triển học thuật, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
* Xin cảm ơn ông!