Dự án khởi nghiệp được lựa chọn triển vọng tạo ra công nghệ có hàm lượng nghiên cứu, tính sáng tạo, khả năng thương mại hóa cao.
Quỹ tài trợ nghiên cứu ứng dụng VinTech (VinTech Fund) thuộc VinTech City, Tập đoàn Vingroup vừa khởi động chương trình tài trợ cho các dự án nghiên cứu năm 2019. Bà Trương Lý Hoàng Phi, Tổng Giám đốc VinTech City cho biết, mức tài trợ cho mỗi đề tài nghiên cứu nếu được duyệt sẽ được cấp số tiền lên đến 10 tỷ đồng (500.000 USD).
Tiêu chí lựa chọn dựa trên các dự án có triển vọng tạo ra công nghệ với hàm lượng nghiên cứu, tính sáng tạo; có khả năng thương mại hóa; uy tín, năng lực thực thi của nhóm nghiên cứu. Các đề tài, dự án đã tạo ra được sản phẩm ở dạng phiên bản mẫu đầu tiên sẽ được ưu tiên.
Bà Trương Lý Hoàng Phi cho biết, ngoài ưu tiên cho các đề tài nghiên cứu đến từ 54 trường đại học, các viện nghiên cứu tại Việt Nam, chương trình cũng khuyến khích hợp tác, liên kết, chia sẻ nguồn lực của các nhà khoa học, nhà sáng chế, chuyên gia công nghệ, startup công nghệ người Việt trên toàn cầu với các trường đại học tại Việt Nam để cùng tham gia.
Trong năm 2019, Quỹ dự kiến tài trợ cho 10 – 15 đề tài nghiên cứu (giai đoạn 1: tiếp nhận hồ sơ và vòng thẩm định từ ngày 15/5 – 15/6, giai đoạn 2: vòng xét duyệt từ 15/6 – 15/7). Căn cứ trên hồ sơ gửi về, Hội đồng chuyên gia thực hiện phỏng vấn trong trường hợp cần thiết. Qua vòng thẩm định, các nhóm nghiên cứu sẽ trình bày và phản biện trực tiếp với Hội đồng chuyên gia cho vòng xét duyệt. Kết quả của Hội đồng chuyên gia tại vòng xét duyệt là căn cứ quan trọng cho các quyết định tài trợ cuối cùng.
Hội đồng sẽ theo xuyên suốt quá trình tuyển chọn, xét duyệt, thử nghiệm và kết nối thử nghiệm tại các doanh nghiệp đến tới người dùng. Trong trường hợp cần thiết, Hội đồng sẽ hỗ trợ, cố vấn cho dự án cho đến lúc nghiệm thu kết quả, việc này nhằm đảm bảo tính liên tục và tăng khả năng thành công cho dự án.
Bà Trương Lý Hoàng Phi cho biết, ràng buộc lớn nhất với Vingroup là các nhóm nghiên cứu cam kết theo đuổi đến cùng và tạo ra kết quả tốt nhất cho đề tài của họ. Trong các trường hợp không mong muốn, VinTech Fund sẽ đề xuất các nguồn lực chuyên gia tầm quốc tế hiện đang làm việc, cộng tác cùng với Vingroup hỗ trợ thực hiện.
Với các dự án có kết quả sẽ được kết nối các đầu mối để ứng dụng nghiên cứu vào giai đoạn kiểm nghiệm và thương mại hóa. Căn cứ vào thực tế, VinTech Fund cũng hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ, hợp tác thương mại hóa các dự án ở các giai đoạn hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp.
Bà Phi kỳ vọng VinTech Fund sẽ góp phần giúp nền kinh tế khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam có thêm nhiều startup khoa học công nghệ thành công. “Nếu xây dựng được hệ sinh thái hỗ trợ như “Silicon Valley” cho startup được xem là kỳ tích thì chúng tôi muốn được đóng góp, dù là rất nhỏ, dù là những viên gạch đầu tiên vào khát vọng ấy”, bà Trương Lý Hoàng Phi nói và cho rằng tận gốc bài toán hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam là vấn đề nguồn nhân lực khoa học, công nghệ, tinh thần khởi nghiệp và những nền tảng hỗ trợ. Việc hỗ trợ này cũng góp phần tạo ra chất xúc tác cho các sản phẩm khoa học công nghệ “Make in Vietnam”.