Xác định các giá trị thuộc về nguồn lực gia đình
Theo thầy Lý Hoàng Luân (giáo viên chủ nhiệm khối THPT, Phó Bí thư Đoàn Trường THPT Võ Văn Kiệt tỉnh Kiên Giang), đầu tư vào học hành của con em là khoản đầu tư lâu dài và tốn kém. Thời gian một chương trình ĐH trung bình kéo dài từ 4 – 5 năm, cao đẳng cũng từ 2 – 2,5 năm.
Cho nên việc xem xét lại kế hoạch tài chính gia đình là điều không thể bỏ qua. Trong giai đoạn 2009 – 2010, có rất nhiều sinh viên du học Australia phải bỏ dở chương trình do gia đình gặp khó khăn về kinh tế tại Việt Nam và tỉ giá quy đổi đồng AUD quá cao. Đây là ví dụ đáng tham khảo cho các gia đình có ý định đưa con em đi du học.
ThS Vũ Tuấn Anh, chuyên gia về tư vấn hướng nghiệp, cho rằng đầu tư vào học tập yêu cầu dòng tiền đều đặn. Các khoản tiền như học phí, chi phí hàng tháng, chi phí học thêm cần đóng theo lịch yêu cầu. Nếu phụ huynh làm kinh tế bên ngoài với dòng tiền đầu tư quá mức hoặc thu nhập hạn chế thì khó có thể xoay xở kịp. Học tập ở bậc ĐH cần rất nhiều khoản chi ngoài học phí như chi phí sinh hoạt, học ngoại ngữ, trang thiết bị, chi phí thực tập, các khóa đào tạo khác.
“Thời gian học tập ĐH là khoảng thời gian quan trọng cho học sinh tích lũy tri thức và kinh nghiệm. Sẽ rất nghịch lý nếu như nhiều cha mẹ và học sinh đặt hết kỳ vọng vào việc làm thêm để kiếm tiền trang trải học phí và các nhu cầu khác. Đây là suy nghĩ thiếu căn cơ. Thay vì vậy, chúng ta nên xác định rõ phần đầu tư cho con em là bao nhiêu. Riêng các em học sinh cũng phải xem tri thức và kinh nghiệm gia đình là một nguồn lực quan trọng ảnh hưởng đến quyết định nghề nghiệp của mình”, ThS Vũ Tuấn Anh nói.
Năng lực và tính cách cá nhân đóng vai trò quan trọng
ThS Nguyễn Văn Oanh, giảng viên luật thỉnh giảng tại Trường Trung cấp Luật Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang), cho rằng: Việc biết rõ năng lực và điểm vượt trội của mình giúp cho học sinh hướng nghiệp bản thân một cách hiệu quả. Các năng lực cá nhân có thể là khả năng nói, khả năng viết, khả năng tư duy trừu tượng, sự khéo léo, tính tập trung, năng khiếu mỹ thuật… Các năng lực này có thể được phát hiện từ cha mẹ, thầy cô và bạn bè, nhưng quan trọng hơn vẫn là thông qua quan sát, đánh giá của chính cá nhân về bản thân khi tham gia các hoạt động xã hội.
Nhóm năng lực về kiến thức giúp các em học sinh phát triển khả năng tư duy logic, sắp đặt và xử lý số liệu, là chỉ dấu của các ngành kinh tế, luật học, nghệ thuật. Nhóm năng lực về kỹ năng phản ánh qua việc các em học sinh giải quyết công việc bằng phương pháp hoàn hảo hơn các bạn khác, cho thấy sự tinh tế, khéo léo. Sở trường về kỹ năng giúp các em tiến nhanh trong môi trường bán hàng, tư vấn tâm lý, kỹ thuật, ngoại giao.
Nhóm năng lực về thái độ thể hiện những phản ứng tâm lý đặc trưng của cá nhân trước một sự việc, hiện tượng. Từ đó, giả sử em nào có thái độ cạnh tranh cao thường sẽ phù hợp với các công việc đòi hỏi tính tương tác với môi trường bên ngoài, chịu nhiều áp lực. Ngược lại, các em có thái độ hòa nhã, trầm tĩnh dễ làm tốt các công việc mang tính hỗ trợ, cố vấn, dàn dựng.
Tìm hiểu rõ xu hướng nghề nghiệp và bản chất ngành nghề
Theo ThS Vũ Tuấn Anh, thời gian học ĐH kéo dài từ 4 – 5 năm trong khi những ngành hot sẽ có xu hướng thay đổi trong 2 – 4 năm. Năm 2008 – 2009, ngành ngân hàng và xây dựng là những ngành hot lúc bấy giờ. Tuy nhiên, vào giai đoạn 2014 – 2015, hai ngành này bắt đầu đảo chiều khi các ngân hàng thu hẹp số lượng nhân viên và các công ty xây dựng “chết lâm sàng”. Xác định rõ các xu hướng nghề nghiệp tương lai là yếu tố quan trọng trong hướng nghiệp THPT, nhằm đảm bảo kết quả đầu ra sau khi học ĐH và các cấp học khác.
“Sau khi xác định rõ năng lực, tính cách bản thân và xu hướng nghề nghiệp trong những năm tới, các bạn học sinh phải hiểu bản chất ngành nghề. Ví dụ, một bạn phù hợp với nghề xây dựng nhưng trong nghề này có rất nhiều ngành học khác nhau như kỹ sư xây dựng, quy hoạch xây dựng, thủy công, xây dựng cầu và các công trình hạ tầng… Chưa nói đến việc xác định ngành học chính xác phải song song với việc lựa chọn cấp độ trường cho phù hợp”, ThS Vũ Tuấn Anh nói.