Đã rớt giá lại còn nấm bệnh
Được xác định là cây chủ lực tại các xã trung du và miền núi Đại Lộc (Bắc Quảng Nam), hơn 10 năm qua, cây dứa (thơm) đã giúp nhiều gia đình tại các xã Đại Hồng, Đại Sơn…thoát nghèo. Nhưng hiện tại, cây chủ lực đang “khó chồng khó” bởi giao thương trắc trở, điệp khúc “được mùa, mất giá” và thêm vào đó, 3 năm trở lại đây “vựa dứa” của miền Trung còn phải đối mặt với bệnh nấm khiến dứa chết hàng loạt, năng suất, chất lượng ảnh hưởng.
Đại Sơn là một xã đặc biệt của huyện Đại Lộc khi địa giới hành chính của xã được chia làm 2 phần tách biệt bởi sông Vu Gia. Bên này sông giáp với xã Đại Lãnh, Đại Hưng, bên kia sông giáp với Đại Hồng. Từ xưa đến nay, người dân xã Đại Sơn chủ yếu ở và canh tác phía bên này sông. Bởi 2 bên xã nằm tách biệt do không có cây cầu nào kết nối nên bên kia sông người dân Đại Sơn chỉ canh tác nông nghiệp 1 phần, một phần là người dân xã Đại Hồng.
Chỉ tay sang phía bên kia sông, bà Nguyễn Thị Nghĩa (60 tuổi) thôn Bãi Quả cho biết, muốn canh tác bên kia sông hàng ngày người dân phải đi đò qua, tối thì xuống đò về lại, đi lại rất bất tiện. “Cô trồng thơm hơn 30 năm rồi. Bây giờ đến lượt con trai trồng. Trước thì làm nhiều, giờ có có hơn 2 ha thôi. Vì trồng được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa. Trước đây thơm được 5.000 – 7.000 đồng/trái lớn bây giờ giỏi lắm mới được 40.000 – 50.000 đồng/chục (12 trái). Còn trái nhỏ, trái vừa thì mua ngang chỉ 1.200 – 1.500 đồng/trái.”, bà Nghĩa nói.
“Đầu tư, trồng cả năm, mỗi mùa thơm thu hoạch được chừng 20 triệu, nhiều lúc không đủ bù lại tiền phân bón, chưa nói đến công. Đã vậy nhiều lúc thơm ế không có người thu mua đem chất đống đổ đi. Muốn bán được giá thì phải mang sang bên kia sông ra lộ (đường lớn), từ trên núi mà đưa xuống đó không đủ sức để làm. ”, anh Nguyễn Thanh Hùng (33 tuổi), con trai bà Nghĩa tiếp lời.
Chị Tường Vân – Bí thư thôn Bãi Quả cho biết, nhiều hộ gia đình hiện đã không còn trồng dứa bởi cứ được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa, thương lái thì ép giá. Nhiều người giờ chịu không được đi làm công nhân dưới xuôi chứ không trồng dứa nữa. “Đã mất mùa, rớt giá, lại thêm bệnh nấm hoành hành. Đã 3 năm nay rồi, không trị dứt được, nên người dân không mấy mặn mà với việc trồng cây chủ lực này nữa”, chị Vân chia sẻ.
Tại bến đò Thơm, vừa bốc xong chuyến hàng cuối cùng, thương lái Nguyễn Thị Lệ (60 tuổi, Đại Hồng, Đại Lộc) cho biết, bà đã đi buôn dứa hơn 20 năm. Hàng ngày bà lên trên thượng nguồn thu mua dứa và mang xuống bến đò Thơm để bỏ sỉ lại. “Giá thơm thì tùy, mua theo chục thì 50.000 – 60.000 đồng/ chục, mua theo giỏ thì 700.000 – 800.000 đồng/giỏ, mỗi giỏ thơm tầm 400 – 500 trái lớn nhỏ, tùy kinh nghiệm mình mua ngang về phân loại ra để bán”, bà Lệ cho biết, thời điểm hiện tại, giá dứa không cao do dứa phía Bắc (Thanh Hóa, Nghệ An) tải vào nhiều nên cạnh tranh khó bán, thêm chi phí vận chuyển nên phải mua giá thấp.
Ước mơ về chuỗi sản phẩm liên kết và cây cầu để thông thương
Trao đổi với Báo Công Thương, Phó Chủ tịch xã Đại Sơn – ông Nguyễn Văn Trung cho biết, thổ nhưỡng tại Đại Sơn rất phù hợp với cây dứa. Dứa trồng tại đây chín có màu váng óng, rất ngọt. “Ở Đại Sơn, hầu như hộ gia đình nào cũng trồng dứa. Xây nhà, mua xe, cho con ăn học cũng từ cây dứa mà ra. Tuy nhiên, việc tìm đầu ra cho dứa vẫn do người dân tự tìm, tự bán nên rất bấp bênh, giá cả thất thường”, ông Chung chia sẻ và cho biết thêm, chính việc người dân trồng ồ ạt, tự phát nên có những thời điểm cung vượt cầu nên dễ bị thương lái ép giá. Khoảng 3 năm trở lại đây, cây dứa lại xuất hiện thêm bệnh nấm, dù chưa phải là nhiều nhưng cũng ảnh hưởng đến chất lượng và năng suất của dứa. “Xã ý thức được sự cần thiết phải xây dựng được chuỗi sản phẩm để tạo đầu ra ổn định cho cây dứa, tuy nhiên, đã kêu gọi đầu tư, kêu gọi doanh nghiệp tham gia nhưng chưa được”.
Còn ông Dương Văn Chương – Bộ phận một cửa, Văn phòng UBND xã Đại Sơn thì lại mơ về một cây cầu nối 2 bên bờ Vu Gia. Trồng đã vất vả, cả năm mới thu hoạch 1 lần mà giá bán lại thấp hơn bên kia sông, không chỉ do bị tiểu thương ép giá mà còn vì chi phí vận chuyển quá lớn. Vì không có cây cầu nào bắc qua sông nên mỗi lần người dân Đại Sơn bên này sông thu hoạch dứa trên núi, nếu muốn bán được giá thì phải kéo chở xuống bến đò chở qua sông, sau đó bốc từ bến đò bốc lên đường lớn (quốc lộ 14B). “Thậm chí ráng chở qua bên kia sông rồi mà chưa đưa lên đường lớn thì giá vẫn thấp hơn dứa thu hoạch ngay tại gần đường. Sức đâu mà làm cho lại, nên bà con chấp nhập bán tại rẫy thì phải chấp nhập giá thấp. Đó là một thiệt thòi rất lớn cho bà con Đại Sơn”, ông Chương nói và cho biết tỉnh Quảng Nam vừa có chủ trương sẽ xây dựng một cây cầu bắc qua sông với tổng mức đầu tư dự kiến là 140 tỷ đồng. “Bà con biết tin ai cũng phấn khởi và trông ngóng, đến bọn trẻ con thì cũng mừng vì từ giờ đi học không còn phải đi đò. Nhưng tôi thì trước mắt vẫn hi vọng cây cầu xây xong sẽ thông thương, kết nối 2 bờ để giao thương thuận lợi, bà con có thể thoát nghèo”, ông Chương chia sẻ.