Miệt mài đưa chữ lên non
Từ TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) chúng tôi vượt chặng đường hơn 100km để tìm về Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân – nơi vùng sâu, vùng xa của xã Cư San (huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk) để tìm hiểu về cuộc sống của giáo viên và HS nơi đây.
Cô Quản Thị Thanh Liễu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân, với “thâm niên” gần 10 năm gắn bó với trường nên có dịp chứng kiến từng bước thay đổi của nơi đây. Cô nhớ, những ngày đầu tiên về công tác, tất cả mọi thứ ở đây vẫn còn hoang sơ, hẻo lánh, cây cỏ um tùm.
Thời điểm ấy nước sạch còn chưa có các thầy cô phải leo lên tận những khe suối cao, vắt vẻo trên núi chặt ống tre dẫn nước xuống trường sử dụng. Tối đến khi không có điện những giáo viên bám bản phải chong đen dầu soạn giáo án cho ngày mai. Những hôm mưa to, gió lớn căn nhà nội trú tạm bợ của giáo viên bị tạt tứ phía, người thì thu gom sách vở, giáo án, người thì lấy thau hứng nước để căn phòng không bị ngập.
Không chỉ thời gian trước mà ngay cả hiện tại khó khăn nhất đối với những giáo viên nơi đây là con đường đi lại mỗi khi mưa xuống. Khi đó, các khe suối thường ngày hiền hòa bỗng trở nên hung dữ, nước chảy cuồn cuộn và cuốn theo bao cây cối, làm sạt lở, đứt đoạn cả tuyến đường. Ngôi trường cách trung tâm huyện gần 40 km, vào mùa mưa xe máy chỉ đi được một đoạn, chặng đường còn lại các thầy cô phải gửi xe đi bộ hoặc phải băng hàng chục cây số đường rừng hay chèo bè tạm qua sông.
Cô Phạm Thị Dung – giáo viên lớp 3B, cho biết, khi mưa xuống con đường nào vào trường đối với các thầy cô cũng như cái “bẫy tử thần”. Nhớ mùa mưa cách đây vài năm, nước dâng cao khiến ngôi trường cô lập với trung tâm huyện nên giáo viên hẹn nhau đi bè vượt sông. Lúc bấy giờ nước chảy siết, tay lái các thầy cô không vững nên một vài giáo viên bị té xuống dòng nước dữ, may mắn, mọi người ứng cứu kịp nên không có tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Hạnh phúc giản đơn
Dù dạy học trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn, các thầy cô giáo vẫn biết chắc lọc niềm vui cho mình. Thầy Khúc Thừa Tú (giáo viên lớp 5C) cho hay, so với thời gian trước đây người dân trong khu vực bãi 3 (xã Cư San, huyện M’Đrắk) đã có nhiều đổi mới. Tuy nhiên, điều kiện sống vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, vào những ngày đầu năm hay vụ mùa các em HS thường ở nhà phụ giúp bố mẹ làm nương rẫy.
“Những ngày đầu năm học, để các em HS đến trường đầy đủ là điều rất khó khăn. Do đó, các thầy cô phải xuống trường trước vài hôm, đến tận gia đình hoặc cất công lên nương rẫy để vận động các em đến lớp”, thầy Tú bộc bạch.
Hoàn cảnh em Trọ A Sàng (SN 2006) cũng là một trong những trường hợp đặc biệt khiến thầy Tú nhớ. Thầy kể, hạnh phúc nhất khi kéo được em từ nương rẫy về với con chữ. Sàng là con thứ 3 trong gia đình có 10 anh chị em đang tuổi đến trường. Tuy nhiên, do nhà nghèo, mỗi khi đến mùa thu hoạch nông sản thì Sàng phải lên nương rẫy cùng bố mẹ. Tuy nhiên, thầy Tú không nỡ chứng kiến HS mình phải thất học nên một mình lại lặn lội lên rẫy của nhà học trò để động viên Sàng đến trường. Sau nhiều lần kiên trì thuyết phục, cuối cùng Sàng cũng quay trở lại trường và giờ đã học đến lớp 5.
Vận động các em đến trường đã khó, nhiều gia đình HS nghèo khổ không có quần áo, sách vở cho các em đến trường thì thầy cô lại tiếp tục đứng ra kêu gọi các mạnh thường quân giúp đỡ. Cô Lưu Thị Phương (giáo viên lớp 3C) chia sẻ cảm giác không thể quên về những ngày giá rét, các em HS co ro trong cái lạnh tê tái, tay không cầm nỗi bút viết. Khi đó, thầy cô chỉ biết đưa áo của mình cho các em mặc tạm để qua cơn rét mướt. Sau khi về nhà các thầy cô lại huy động gia đình, người thân, bạn bè và các mạnh thường quân giúp đỡ các em bằng những bộ quần áo ấm, đồ dùng học tập…
Những em HS nơi đây dường như cảm nhận được tình thương của giáo viên dành cho mình nên những dịp Tết đến xuân về những món quà cây nhà, lá vườn như: khúc mía, quả cam, chuối hay mấy bông hoa dại ven đường đều được các em đem tặng cho các thầy cô.
“Các em tuy nghèo, thiếu thốn nhưng sống tình cảm lắm. Những món quà tuy không giàu vật chất nhưng nó lại chứa đựng một tình cảm sâu sắc, dạt dào của các em. Giáo viên chúng tôi chỉ cần những điều nhỏ nhặt như vậy đã cảm thấy ấm lòng rồi. Không chỉ có vậy, đây cũng là động lực to lớn để những giáo viên cắm bản như chúng tôi gắn bó hơn với ngôi trường thân yêu này”, cô Phương xúc động nói.