Tháng Giêng, sau kỳ nghỉ Tết, nhiều lễ hội được tổ chức, rộ lên, nhất là ở miền Bắc. Có nơi có hàng chục vạn lượt người đến cầu nguyện mỗi ngày. Đi lễ chùa, đình, miếu ngày Tết là nét đẹp trong nếp văn hóa của người Việt, cũng như ở các nước, vùng lãnh thổ láng giềng. Tuy nhiên, nét đẹp đó đang bị biến dạng bởi những hành vi lệch chuẩn của người đi lễ.
Nạn đốt nhang và cắm nhang bất cứ nơi nào có thể, nhét tiền cầu may mắn về tài lộc bất cứ nơi nào nhét được, giẫm đạp nhau để tranh cướp “ấn” cầu vinh hoa phú quý, bất chấp những bản khuyến cáo về việc nên và không nên ở những nơi này.
Việc lo lắng bởi sự mù quáng trong trong niềm tin về sao hạn chiếu mạng đã khiến nhiều người lũ lượt kéo đi giải hạn. Họ tranh chỗ ngồi, cả giữa đường, với mong muốn hoán đổi điều xấu thành điều tốt, dù bị lên án, được giải thích, nhưng vẫn diễn ra.
Trong bối cảnh văn hóa của các nước Á Đông, Việt Nam chúng ta qua giao lưu đã chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi tam giáo hòa quyện trong dân gian là Nho, Lão và Phật.
Có những sinh hoạt đã trở thành văn hóa, ăn sâu vào tiềm thức của dân tộc, trở nên chuẩn mực, đạo lý, niềm tin, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Phật giáo không cực đoan phủ nhận mà có sự tiếp thu và chuyển hóa, làm mới nội dung của các sinh hoạt tín ngưỡng phổ biến, đáp ứng nhu cầu tinh thần thực tế của người dân.
Phương tiện dựa trên căn bản của giáo lý duyên sinh, để theo đó, đưa người vào đạo, hiểu và sống đạo theo luật nhân quả, như: làm thiện được an lành, làm ác gặt quả xấu. Những hứa hẹn hoán đổi khác chỉ là để mê hoặc, đáp ứng lòng tham lam và ý muốn vĩnh hằng.
Trong Tương ưng bộ kinh IV, tiểu kinh Người đất phương Tây có ghi lại câu chuyện giữa Đức Phật và Bà-la-môn Asibandhakaputta. Khi Bà-la-môn này đặt vấn đề hỏi Đức Phật, rằng thông qua cầu nguyện có thể làm cho một người sau khi chết được tái sinh lên cõi thiện lành được không?
Đức Phật đã khẳng định rằng một người khi sống sát sinh, trộm cắp, nói dối, nhận thức sai lầm và làm nhiều điều ác, khi chết đi, dẫu được nhiều người tụ tập để cầu nguyện cho thì người đó cũng không thể tái sinh cõi thiện lành được.
Ngài lấy ví dụ sinh động và dễ hiểu: khi chúng ta thả một tảng đá nặng xuống hồ, dù cho có nhiều người ra sức cầu nguyện mong tảng đá đó nổi lên, nhưng kết quả nó vẫn chìm là điều hiển nhiên. Cầu nguyện không thôi sẽ không thể hoán đổi nghiệp xấu đã tạo.
Trước cuộc sống nhiều biến động, bất trắc, đi lễ cầu nguyện là nhu cầu chính đáng của con người. Nhưng nếu chỉ dừng ở đó và qua đó mà mong một kết quả tốt đẹp ở tương lai là điều không thể có được.
Thích Pháp Hỷ
Theo Giacngo.vn