Không ít quỹ đầu tư ngoại có quy mô tài sản từ vài trăm triệu USD cho đến cả nghìn tỷ USD đang tìm đến Việt Nam để cân nhắc cơ hội giải ngân năm 2019.

Các động thái tích cực

Trong lúc nhiều nhà đầu tư nội có tâm lý hụt hẫng khi chỉ số VN-Index năm 2018 không tăng trưởng như kỳ vọng, thì các nhà đầu tư ngoại lại coi đây là cơ hội tốt để đến với Việt Nam.

ca map ngoai muon do von vao viet nam

Một lãnh đạo cấp cao của Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital đã đưa ra đánh giá triển vọng rất tích cực về thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo đó, với mức định giá chung thị trường hiện nay cùng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp, khi loại bỏ tác động của một số mã chứng khoán vốn hóa lớn có P/E cao, thì P/E bình quân của thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở mức rất hấp dẫn.

Quan điểm này của Dragon Capital cũng là quan điểm của nhiều quỹ đầu tư lớn trên thế giới.

Lần đầu tiên trong lịch sử, đại diện quỹ thuộc Top 5 các công ty quản lý quỹ lớn nhất thế giới, với quy mô tổng tài sản quản lý lên tới hàng nghìn tỷ USD, đã có sự hiện diện trực tiếp trên lãnh thổ Việt Nam để xúc tiến đầu tư, thay vì nghiên cứu thụ động từ bên ngoài.

Giám đốc đầu tư của một công ty quản lý quỹ nước ngoài đang quản lý tiền từ quỹ đầu tư của tỷ phú Soros đầu tư vào Việt Nam cho biết: “Thị trường chứng khoán Việt Nam đã đạt được thành tựu rất lớn trong năm 2017. Năm 2018, thị trường không đạt kỳ vọng, nhưng quỹ vẫn nhận được sự ủng hộ lớn từ nhà đầu tư ngoại, coi đây là cơ hội để đầu tư dài hạn vào Việt Nam. Các nhà đầu tư lớn đang cân nhắc giải ngân thêm, quan trọng là công ty quản lý quỹ phải chứng minh được cơ hội thực sự và đủ lớn về quy mô”.

Trong khu vực, chứng khoán Việt Nam cũng ghi nhận những đánh giá tích cực của nhà đầu tư ngoại. Một quỹ đầu tư đặt trụ sở tại Malaysia, có quy mô tài sản 500 triệu USD cho hay, quỹ đang cân nhắc phân bổ danh mục qua thị trường chứng khoán Việt Nam.

Lãnh đạo một công ty chứng khoán chia sẻ, trong cuộc làm việc với quỹ tại Malaysia trên, quỹ đã hỏi rất sâu về các vấn đề liên quan đến chuyển tiền, chính sách ngoại hối, thủ tục đầu tư và các trường hợp đầu tư cụ thể, thậm chí cả vấn đề nhân sự đầu tư người Việt Nam.

“Những động thái này cho thấy, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang hào hứng, chuẩn bị cho một khởi đầu mới tại Việt Nam. Chúng tôi sẽ nỗ lực để có thể thu hút thành công đối tượng khách hàng ngoại”, vị lãnh đạo công ty chứng khoán nói.

Tại Singapore, nơi thị trường tài chính sôi động bậc nhất châu Á, mối quan tâm về thị trường tài chính Việt Nam được đánh giá thuộc nhóm lớn nhất khu vực.

Trong cuộc xúc tiến đầu tư với các nhà đầu tư lớn, một chuyên gia tài chính cho biết, ông ngạc nhiên khi có một lượng không nhỏ người Việt Nam làm việc cho các tổ chức tài chính lớn tại Singapore.

Chia sẻ của nhiều cá nhân cho thấy, Việt Nam đang được xem là một điểm đến ưu tiên trong chiến lược đầu tư của các quỹ ở đảo quốc Sư tử, với nhiều lợi thế từ tốc độ tăng trưởng cao và ổn định của GDP, định giá thị trường chứng khoán hấp dẫn và quan trọng là kỳ vọng nâng mức định giá mặt bằng chung sau khi được đưa vào thị trường mới nổi.

3 nhóm vấn đề cần cải thiện

Thời gian gần đây, mức độ quan tâm của các nhà đầu tư lớn trên thế giới tăng mạnh, nhưng dòng vốn đầu tư gián tiếp vào thị trường Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng.

Có ba nhóm vấn đề mà các nhà đầu tư ngoại quan tâm, bao gồm: giới hạn sở hữu tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài; minh bạch thông tin quản trị doanh nghiệp và ngôn ngữ; thủ tục hành chính và dòng tiền ngoại vào – ra Việt Nam.

Về vấn đề sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài, lãnh đạo một công ty chứng khoán cho hay, sau cuộc gặp các nhà đầu tư, ông rút ra được 3 ngành mà nhà đầu tư ngoại đặc biệt quan tâm là ngân hàng, bất động sản và bán lẻ.

Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng đang bị hạn chế vốn ngoại ở mức 30% vốn điều lệ, được cho là tác động lên khả năng giải ngân của nhà đầu tư nước ngoài. Thêm vào đó, nhà đầu tư ngoại hiện vẫn có những cách hiểu chưa đúng về hướng sửa Luật Chứng khoán của Việt Nam, nên còn tâm lý e dè.

Về vấn được quan tâm nhiều thứ hai là minh bạch quản trị thông tin và ngôn ngữ (chủ yếu là tiếng Anh), giám đốc dịch vụ khách hàng tổ chức của một công ty chứng khoán lớn trong nước cho biết, khi làm việc với nhân sự trong nước, ngôn ngữ là vấn đề rất khó khăn.

Nhiều nhân sự được lãnh đạo doanh nghiệp trong nước đánh giá cao, nhưng không sử dụng tốt tiếng Anh, dẫn đến khó khăn khi làm việc với đối tác ngoại, thậm chí đôi khi hiểu sai lệch. Chính hạn chế về ngoại ngữ dẫn đến việc công bố thông tin bằng tiếng Anh của các doanh nghiệp hầu như trống vắng, hoặc ở mức tối thiểu, khiến nhà đầu tư ngoại không tiếp cận được đầy đủ thông tin, không hiểu sâu doanh nghiệp ở các góc độ khác ngoài những con số tài chính.

Trong khi đó, quản trị doanh nghiệp của Việt Nam hiện vẫn bị đánh giá là chưa theo chuẩn quốc tế, cần thay đổi nhiều để hướng đến sự phát triển chung. Các vấn đề liên quan đến bảo vệ cổ đông thiểu số, phát triển bền vững, minh bạch thông tin chưa thực sự được chú trọng tại đa số doanh nghiệp.

Về vấn đề thủ tục hành chính và quản lý dòng vốn ngoại vào – ra tại Việt Nam, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cho biết, họ cần những nhà tư vấn trong nước nắm chắc các quy định này và đưa ra dự báo về chính sách tỷ giá một cách tương đối chuẩn mực và tin cậy, để họ có thể tự tin hơn khi ra quyết định đầu tư.

Theo Tin nhanh Chứng khoán

Theo Congthuong.vn

BÌNH LUẬN