Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại phiên họp với Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực, góp ý cho Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi)
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại phiên họp với Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực, góp ý cho Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi)
Tiếp tục lấy ý kiến, góp ý cho các vấn đề của Luật Giáo dục (sửa đổi), chọn đề tài nghiên cứu xây dựng Khung chiến lược phát triển GD&ĐT Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, tìm giải pháp nâng cao hiệu lực hiệu quả chi Ngân sách nhà nước cho giáo dục,…là các hoạt động Giáo dục đáng chú ý tuần qua.

Tiếp thu ý kiến cho Luật Giáo dục (sửa đổi)

Tuần qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ và Thứ trưởng Lê Hải An dự tọa đàm khoa học về tài chính cho giáo dục trong Luật Giáo dục sửa đổi. Cùng với đó là chuỗi các hoạt động lấy ý kiến nhân dân nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) của Bộ GD&ĐT.

Trong những góp ý về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), đáng chú ý có ý kiến lo ngại về cuộc chạy đua bằng cấp khi dự thảo trình độ chuẩn mới đối với giáo viên tiểu học và THCS.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã lắng nghe và tiếp thu ý kiến các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học góp ý cho Dự thảo Luật GD (sửa đổi) về tất cả các vấn đề được quy định trong Luật.

Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các thành viên trong Hiệp hội các trường ĐHCĐ Việt Nam cơ bản đồng ý với các nội dung Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Bên cạnh đó, Hiệp hội có thêm một số ý kiến đóng góp, trong đó đề xuất nên coi trình độ đào tạo là điều kiện tuyển dụng giáo viên. Khi Luật Giáo dục có hiệu lực, việc chọn người mới vào ngành giáo dục phải thông qua thi tuyển…

Nhiều địa phương, nhiều trường ĐH tiếp tục tổ chức Hội thảo, lấy ý kiến góp ý cho các nội dung của Dự thảo Luật GD (sửa đổi).

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho nhóm nghiên cứu đề tài xây dựng Khung chiến lược phát triển GD&ĐT Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 

Xây dựng Khung chiến lược phát triển GD&ĐT Việt Nam

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì cuộc họp với Hội đồng tuyển chọn đề tài nghiên cứu xây dựng Khung chiến lược phát triển GD&ĐT Việt Namgiai đoạn 2021 – 2030.

Theo đó, chiến lược phải đáp ứng nguyên tắc, phản ánh định hướng, mục tiêu, hoạt động giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân trong đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; phù hợp với xu hướng quốc tế, đồng thời xây dựng chỉ số phát triển con người Việt Nam phải có những điểm chung với chỉ số phát triển con người của thế giới và mang đầy đủ những đặc thù, bản sắc dân tộc Việt.

Bộ trưởng nêu rõ tiến độ xây dựng đề tài: đến năm 2020 phải xây dựng hoàn thiện chiến lược phát triển GD&ĐT Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành trong năm 2021.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu nhóm nghiên cứu trình bày ý tưởng, đề xuất dự thảo khung chiến lược để các thành viên hội đồng, các chuyên gia phản biện độc lập, các Cục, Vụ chức năng của Bộ GD&ĐT, Bộ Khoa học – Công nghệ cho ý kiến để hoàn thiện khung chiến lược.

Trong đó có cấu trúc, nội dung, mục tiêu chiến lược… đảm bảo cho quá trình xây dựng chỉ số, mục tiêu đề ra của chiến lược giáo dục quốc gia trong giai đoạn phát triển 10 năm tới và tầm nhìn xa 25 năm.

Theo Bộ trưởng, đề tài NCKH này đã tích hợp nhiều nội dung của các đề tài lớn mà ngành đang thực hiện; nhất là đề tài về triết lý giáo dục, chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam phải thể hiện được tầm nhìn, sứ mạng, triết lý giáo dục Việt Nam trong giai đoạn phát triển.

Nhóm nghiên cứu cần đề xuất dự thảo khung chiến lược, mục tiêu, nội dung đảm bảo sự tin cậy trong việc khảo sát, chỉ số đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bộ GD&ĐT làm đầu mối nhằm quy tụ các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục trong và ngoài nước để xây dựng khung chiến lược phát triển GD&ĐT Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 một cách có lộ trình, bước đi rõ ràng, phản ánh đúng tầm của chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam 10 năm tới, tầm nhìn 25 năm đến 2045.

Vấn đề ngân sách nhà nước cho Giáo dục

Cũng trong tuần qua, Bộ trưởng và Thứ trưởng Lê Hải An cũng tham dự và phát biểu tại tọa đàm về Giải pháp nâng cao hiệu lực hiệu quả chi Ngân sách nhà nước cho giáo dục.

Theo báo cáo đánh giá tác động chính sách của nhóm nghiên cứu, “quy định tỷ lệ chi NSNN cho giáo dục đảm bảo 20% tổng chi NSNN hằng năm” được ghi trong Nghị quyết số 37/2004/NQ-QH11.

Tuy nhiên, qua tổng kết thực hiện quy định này thời gian qua cho thấy, việc phân bổ NSNN cho GD&ĐT ở nhiều địa phương khác nhau vẫn chưa được đảm bảo. Chưa có quy định mang tính bắt buộc và các biện pháp đảm bảo thực hiện quy định về tỷ lệ chi NSNN cho giáo dục đảm bảo 20% tổng chi NSNN hằng năm. Vì vậy, quá trình sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục lần này, cần có chính sách cụ thể về vấn đề này.

Cũng theo báo cáo tác động, do quy mô GDP của Việt Nam còn thấp nên dù tỷ lệ chi cho GD&ĐT trên GDP cao nhưng nguồn lực tài chính huy động được vẫn chưa đáp ứng được các nhu cầu cho phát triển của GD&ĐT. So sánh trong cùng nhóm nước đang phát triển có thu nhập thấp thì tỷ lệ chi tiêu cho GD&ĐT của Việt Nam không phải quá cao.

Ngoài ra, quyết toán chi NSNN cho GD&ĐT nếu loại trừ học phí trong giai đoạn 2012 – 2016, chưa khi nào NSNN đáp ứng được 20% tổng chi NSNN như quy định trong Nghị quyết. Tỷ trọng chi NSNN cho GDĐT còn rất khác nhau giữa các địa phương.

Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất các phương án chi ngân sách giáo dục. Xem chi tiết TẠI ĐÂY.

Hội thảo lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) tại ĐH Vinh

Thi giáo viên gỏi, thi học sinh giỏi…

Về tình trạng “diễn” khi thi giáo viên dạy giỏi đang được dư luận quan tâm, Bộ GD & ĐT đã chỉ đạo các địa phương lập tức rà soát và chấn chỉnh.

Tuần qua, Bộ GD&ĐT cũng đã phát đi thông tin sau khi nhận được phản ánh từ báo chí xung quanh việc tổ chức Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm 2019. Trong đó cho biết, Bộ đã chỉ đạo Cục Quản lý chất lượng, đơn vị được giao chủ trì tổ chức Kỳ thi tiến hành kiểm tra, rà soát các nội dung được phản ánh.

Theo Bộ GD&ĐT, thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia nhằm động viên, khuyến khích người dạy và người học phát huy năng lực sáng tạo, dạy giỏi, học giỏi; góp phần thúc đẩy việc cải tiến, nâng cao chất lượng dạy và học, chất lượng công tác quản lý, chỉ đạo của các cấp quản lý giáo dục; đồng thời phát hiện người học có năng khiếu về môn học để tạo nguồn bồi dưỡng, thực hiện mục tiêu đào tạo nhân tài cho đất nước.

Công tác đề thi cho Kỳ thi đáp ứng mục đích tổ chức thi nêu trên được thực hiện với quy trình chặt chẽ, nghiêm ngặt với nhiều yêu cầu cao.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang triển khai các công đoạn của quy trình chấm thi theo quy định của Quy chế. Bộ GD&ĐT sẽ mời các chuyên gia, nhà giáo giỏi có kinh nghiệm và trách nhiệm tham gia chấm thi để đảm bảo công bằng, khách quan.

Đồng thời, Bộ đang triển khai nghiên cứu, xem xét toàn diện các khía cạnh của công tác thi chọn học sinh giỏi để tiếp tục đổi mới công tác thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, tập huấn các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế từ sau năm 2020 theo hướng tăng cường phân cấp và phát huy tự chủ của các cơ sở giáo dục, đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Kim Thoa

Theo Giaoducthoidai.vn

BÌNH LUẬN