Giới quan sát đánh giá cao vai trò của Việt Nam khi có thông tin Mỹ và Triều Tiên chọn địa điểm họp thượng đỉnh.
Tổng thống Mỹ Trump, phải, và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp ở Singapore năm ngoái. Ảnh: Reuters. |
Truyền thông Hàn Quốc hôm 7/1 đưa tin quan chức Mỹ đã gặp quan chức Triều Tiên tại Hà Nội để bàn về lịch trình cho hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa Trump và Kim Jong-un. Suy đoán này được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho thăm Hà Nội từ 29/11 đến 2/12/2018. Trước đó, ông Mark Lambert, quan chức cấp cao chuyên phụ trách vấn đề Triều Tiên của Bộ Ngoại giao Mỹ, được cho là đến Việt Nam vào tháng 12/2018. Chưa rõ liệu Lambert có ở Việt Nam cùng thời điểm với Ngoại trưởng Triều Tiên hay không.
Sau khi Tổng thống Mỹ Trump hôm 6/1 cho biết các bước thảo luận về địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh tiếp theo với lãnh đạo Triều Tiên đang được thực hiện, CNN dẫn nguồn tin am hiểu vấn đề tiết lộ các nhóm tiền trạm của Mỹ đã tới thăm Hà Nội, Bangkok và Hawaii để tìm địa điểm thuận lợi nhất.
“Tôi không ngạc nhiên khi thấy Việt Nam nằm trong danh sách các ứng viên tổ chức cuộc gặp tiếp theo của Tổng thống Mỹ Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Việt Nam có thể mang lại một không gian trung lập cho cuộc họp”, Eric Gomez, nhà nghiên cứu tại Viện Cato, Mỹ, đánh giá khi trao đổi với VnExpress.
Gomez phân tích Việt Nam có thể đóng vai trò điều phối viên trung gian vì đã cải thiện đáng kể quan hệ với Mỹ trong những năm gần đây, nhưng không phải là đồng minh của Mỹ. Bên cạnh đó, với những thành tựu kinh tế ấn tượng, Hà Nội thể hiện một mô hình thú vị với Bình Nhưỡng khi Kim Jong-un đang chuyển đổi ưu tiên sang phát triển kinh tế của đất nước.
Giáo sư Heungkyu Kim, Đại học Michigan, Mỹ miêu tả Việt Nam là một “địa điểm quyến rũ” đối với cả Mỹ và Triều Tiên trong việc xem xét tổ chức thượng đỉnh lần hai. “Việt Nam có thể là một ứng viên nặng ký”, Heungkyu nói.
Ông đánh giá Việt Nam sẽ một trong những hình mẫu phát triển hấp dẫn nhất mà Triều Tiên muốn học hỏi. Hà Nội đã thể hiện sự cởi mở với thế giới và có mối quan hệ ngoại giao thành công với Washington.
Tiến sĩ Stephen Nagy, Đại học Thiên chúa giáo quốc tế, Nhật Bản, nhận định Việt Nam có đủ năng lực để tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh giữa Mỹ và Triều Tiên.
Theo David Maxwell, Tổ chức Quốc phòng dân chủ, Mỹ, Việt Nam được cân nhắc chọn làm địa điểm cho thượng đỉnh Trump – Kim lần hai vì có quan hệ tốt với cả Mỹ và Triều Tiên. “Đó là một lựa chọn hợp lý”, Maxwell nói nhưng thừa nhận khó để đoán điều đó có trở thành hiện thực hay không, do Mỹ và Triều Tiên còn cân nhắc nhiều yếu tố.
Lincoln Bloomfield, Jr, chuyên gia của Trung tâm Stimson, Mỹ, cho hay đến nay ông không biết Việt Nam có là địa điểm của hội nghị hay không.
“Nếu được chọn, tôi tin Việt Nam sẽ đảm nhận tốt vai trò của mình, tổ chức thành công thượng đỉnh Mỹ – Triều”, ông Bloomfield, Jr, nhấn mạnh.
Các chuyên gia có kỳ vọng khác nhau về kết quả cuộc họp Trump – Kim lần hai.
Stephen Nagy tin rằng cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ và lãnh đạo Triều Tiên sẽ diễn ra, nhưng chưa có tiến triển về phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên vì bất cứ tiến triển nào cũng mất thời gian đến hàng năm. Điều đó cũng đúng với việc bảo đảm an ninh và điều chỉnh nền kinh tế Triều Tiên. Ông dự đoán Trump và Kim sẽ có thoả thuận phi chính thức về ngừng thử tên lửa và phát triển hạt nhân. Tiến sĩ Stephen Nagy cho rằng cả Trump và Kim đều muốn chuyển tải hình ảnh rằng họ là các chính khách quyết đoán, có uy tín và quan hệ hai bên đang có tiến triển.
Chuyên gia David Maxwell cho rằng nếu Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân, Washington sẽ dỡ lệnh trừng phạt và hỗ trợ phát triển kinh tế.
Theo Heungkyu Kim, Mỹ và Triều Tiên vẫn phải đối diện với “hố sâu” khác biệt về quan điểm, vì thế hai bên có thể đạt được kết quả trong thượng đỉnh lần hai nhưng ông “không lạc quan nhiều”. “Kiểm soát cuộc đàm phán để hai người có tâm trạng tốt có thể là một kết quả của hội nghị”, Heungkyu nói.
Tỏ ra thận trọng, ông Lincoln Bloomfield, Jr. dự đoán Mỹ và Triều Tiên có thể đạt được tiến triển nhưng chưa rõ đến mức nào. Trump có thể thể hiện thiện chí trong việc xem xét các điều khoản cụ thể và kế hoạch thực hiện tuyên bố chung đạt được trong thượng đỉnh lần một ở Singapore. Nhưng rất khó để biết Kim Jong-un có chuẩn bị để xúc tiến những việc mà hai bên nhất trí hay không.
“Tôi quan ngại là cơ hội của Mỹ và Triều Tiên sẽ trôi qua đi trong một đến hai năm tới, nếu hai bên không nắm lấy thời điểm mà họ đã tạo ra”, Bloomfield, Jr. cảnh báo.
Sau cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Trump và Kim ở Singapore năm ngoái, Mỹ và Triều Tiên không đạt được nhiều tiến triển trong vấn đề phi hạt nhân. Sau chuyến thăm Trung Quốc trong tuần này, Kim Jong-un khẳng định không thay đổi lập trường với các thỏa thuận đạt được với Trump, nhưng bày tỏ “quan ngại” trước sự bế tắc trong đàm phán phi hạt nhân hóa giữa hai bên.
Trong khi đó, Eric Gomez lạc quan về cuộc họp lần hai này, cho rằng việc gặp mặt trực tiếp của lãnh đạo Mỹ – Triều là cách tốt nhất để phá thế bế tắc trong đàm phán.
“Con đường duy nhất để hiện thực hoá việc phi hạt nhân là sự chuyển đổi lớn trong quan hệ hai nước. Các cuộc gặp thượng đỉnh là cơ hội lớn để Mỹ thảo luận với Triều Tiên, có thể khiến Kim Jong-un thực hiện những bước đi mà ông không tính đến”, Gomez nói. Ông nhận định Mỹ có thể đang thực hiện cách tiếp cận mới, bằng việc tổ chức thường xuyên các cuộc gặp thượng đỉnh, do các cuộc họp trong quá khứ không giúp đạt được kết quả.
Theo tính toán của Heungkyu Kim, việc chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh Mỹ – Triều cần có 6 tuần. Trở ngại lớn nhất với hội nghị là tranh luận trong nội bộ nước Mỹ gia tăng, gây ảnh hưởng đến các nguồn lực để chuẩn bị. Chính quyền Mỹ đang phải đối diện với hai sự kiện, đó là nhóm của công tố viên đặc biệt Muller sắp công bố kết quả điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016 và Hạ viện Mỹ đang nêu vấn đề về phong cách lãnh đạo của Trump.
Về việc chính phủ Mỹ đóng cửa, ông Lincoln Bloomfield, Jr. cho biết các quan chức ngoại giao và an ninh quốc gia Mỹ vẫn làm việc. Có thể có một số thay đổi về nhân sự nhưng về cơ bản việc đóng cửa chính phủ không ảnh hưởng đến năng lực chuẩn bị và tổ chức cuộc gặp của Mỹ.
Gomez cũng đánh giá việc chính phủ Mỹ đóng cửa không ngăn cuộc gặp Trump – Kim diễn ra vì đây là vấn đề quan trọng của Washington. Tổng thống Mỹ có thể sẽ mất thêm thời gian để chuẩn bị cho cuộc họp.
“Vì Mỹ chưa tuyên bố thời điểm tổ chức thượng đỉnh với Triều Tiên, có thể Trump sẽ đợi đến khi giải quyết xong việc đóng cửa chính phủ, mới tiến hành”, Gomez dự đoán.
Khánh Lynh
Theo Vnexpress