Tiền thường dễ có hơn là địa vị trong xã hội, cái cách hợm hĩnh thi thoảng mang tới cho họ cảm giác thấy tự tin đôi chút dù rẻ rúng, tổn thương và yếu văn hoá cho người đối diện.
Dạo ông con còn nhỏ, tôi thỉnh thoảng đưa cháu đến trường bằng chiếc xe ba bánh sản xuất năm 1972. Ông con rất tự hào bởi sự khác lạ này, đám trẻ con cùng lớp gọi là “xe siêu nhân”. Sau hơn 40 năm, chiếc xe được chăm chút vô cùng cẩn thận, nó luôn sạch sẽ bóng loáng chở hai bố con đi học, lang thang những ngày Hà Nội có nắng đẹp đẽ.
Có lần chở anh bạn đến cửa hàng một đại gia buôn đồ điện tử chơi xe máy trên phố Hai Bà Trưng. Ông chủ ra cửa nhìn chiếc xe ba bánh khinh khỉnh, lấy chân đạp đạp lên chắn bùn trước bảo: “Bây giờ chúng mày vẫn đi cái loại của nợ này à?” Vết giày lám nhám lên lớp sơn đen. Tai tôi nóng ran, vô cùng tức giận.
Ai cũng vậy, sẽ có một khoảng thời gian trong đời không mấy ai để tâm lắm những việc chúng ta làm. Chúng ta bắt đầu biết nói bậy, ợ thành tiếng sau khi ăn, hợm hĩnh với chiếc áo đẹp hơn ai đó chả hạn… Xung quanh sẽ không mấy bận tâm về điều này và thường cư xử khoan dung bởi họ là người thân.
Ảnh minh họa. |
Thật tiếc quãng đời yên bình đó không dài cho lắm khi chúng ta bước chân ra ngoài cuộc sống yên ấm cũ và bắt đầu gặp gỡ những người xa lạ. Và cái cách thay đổi trạng thái hợm hĩnh khi lớn thật không mấy dễ chịu, ví dụ như câu chuyện cái chân đạp đạp vào chiếc xe của tôi là một ví dụ.
Tiền thường dễ có hơn là địa vị trong xã hội, cái cách hợm hĩnh thi thoảng mang tới cho họ cảm giác thấy tự tin đôi chút dù rẻ rúng, tổn thương và yếu văn hoá cho người đối diện.
Mấy năm nay các siêu thị lớn đè bẹp hầu hết các cửa hàng điện tử nhỏ lẻ như của “anh đạp đạp”, nó vắng vẻ đìu hiu với dăm ba nhân viên ngồi chơi điện tử. Bộ sưu tập xe máy anh bán hết, duy nhất còn sót 1 cái dựng trước cửa.
Sáng nọ ăn phở gặp lại anh, quần áo luộm thuộm cắm cúi ăn. Ra trả tiền gặp nhau tôi chào anh. Anh chỉ mặt bảo “Mày mua cái đồng hồ kia bao tiền?”. Định nói gì đó nhưng rồi lại thôi!.
CU TRÍ
Theo nguoiduatin