Rời hẳn smartphone, bớt sống ảo để chia sẻ, trải lòng nhiều hơn với gia đình, bạn bè… giúp tận hưởng cái Tết ấm áp, sum vầy.
Những gợi ý dưới đây giúp mọi người đón cái Tết ý nghĩa.
Với bạn bè, đặt smartphone xuống, ngẩng mặt nhìn nhau
Theo nghiên cứu từ Hiệp hội Tâm lý Mỹ, sử dụng smartphone trong các cuộc gặp mặt, dù với tần suất nhỏ, cũng gây mất tập trung, khiến con người xa rời dần cuộc hội thoại và ảnh hưởng đến các mối quan hệ.
Kỷ niệm bạn bè cũ với thầy giáo Nguyễn Đức (quận Bình Thạnh, TP HCM) gần 60 tuổi là những lúc gặp gỡ bên chén trà xuân, kể cho nhau nghe một năm ngược xuôi vất vả; hiểu rồi thương bạn hơn, có những mối quan hệ bạn bè cả chục năm vẫn vẹn nguyên. Ông nói, bây giờ thấy nhiều học trò mình của mình gặp nhau khác thời ông quá.
Ngồi chung bàn, nhưng thay vì hàn huyên ôn chuyện cũ, những bạn trẻ cúi mặt vào điện thoại, tay thoăn thoắt lướt lên lướt xuống, thi thoảng mới lại ngước nhìn nhau chỉ để chụp một tấm hình chung. “Gặp nhau nói chẳng bao nhiêu, chủ yếu có hình up status, ngồi đếm like và… than ‘Tết nhạt’. Có cảm giác màn điện thoại vô tri dường như chiến thắng những tương tác, kết nối đời thường”, ông giáo ngậm ngùi.
Bạn chọn gì, tương tác ảo qua chiếc smartphone hay trải nghiệm những khoảnh khắc thực đầy vui vẻ cùng bạn bè? |
Anh Ngọc Thưởng (Phan Thiết) thử nghiệm và tìm thấy bí quyết “Tết thật đã” khi họp mặt bạn bè. Cách của anh rất đơn giản, điện thoại của mọi người cho vào cái hộp đặt trước mặt, ai động vào phải trả toàn bộ chầu cà phê. Kết quả không ngờ, cuộc gặp mặt cuối năm ấm áp, ý nghĩa khi những thăng trầm, nỗ lực trong năm cũ được trực tiếp chia sẻ với nhau, thay cho những status “sống ảo” thường chỉ khoe thành tích, chưa đủ để bạn bè hiểu nhau. Anh chia sẻ, chọn tương tác ảo, điều nhận lại là “Tết nhạt”; chọn kết nối thật Tết sẽ đậm đà hơn.
Với lứa đôi, gặp mặt đúng nghĩa, thôi hẹn hò online
Không chỉ họp mặt bạn bè, những hẹn hò mùa Tết của đôi lứa cũng khó tránh khỏi sự chi phối của mạng ảo.
Chị Tú Anh (Củ Chi, TP HCM) năm ngoái suýt chút nữa đánh mất tình yêu cũng chỉ vì thói quen “sống ảo”. Người yêu làm ở trung tâm thành phố, chị sống ngoại ô, cả năm hối hả ít có thời gian dành cho nhau. Những ngày Tết thảnh thơi, cả hai gặp nhau nhưng chị cũng chỉ biết lướt smartphone, bình luận ảnh du xuân của bạn bè. Chị kể: “Anh giận đòi chia tay ngay mùng ba, trách mình thiếu quan tâm, ngồi bên nhau mà nhạt nhẽo”. Năm nay, chị cương quyết tách mình khỏi điện thoại, đưa anh đi viếng chùa, chúc Tết người thân…
San sẻ, trò chuyện chuyện cùng nhau, thể hiện tình yêu bằng những quan tâm thật lòng ngoài đời thực mới chính là cách những người yêu nhau tận hưởng một cái Tết đậm đà. |
Với gia đình, sum họp để sẻ chia
Tết là thời khắc hiếm hoi trong năm, mọi người trong gia đình đông đủ, quây quần. Thế nhưng, có nhiều người lại đi “trốn” Tết, hay thậm chí, có trở về quây quần cùng gia đình cũng tự đóng khung trong thế giới ảo của riêng mình.
Suốt kỳ nghỉ Tết, không ít bạn trẻ chọn ở trong nhà, ôm máy tính, điện thoại, cập nhật tình hình đón Tết khắp mọi nơi. Cần gì đi đâu xa, ở nhà là có thể gửi lời chúc tới tất cả bạn bè trên mạng. Cần gì ai chuyện trò, với cái điện thoại có thể “bắt sóng” cả thế giới.
Cô Thu Vân (Gò Vấp, TP HCM) càng gần Tết càng cảm thấy cô đơn. Những bữa cơm gia đình càng ít đi do con cái bận liên hoan tổng kết cuối năm, bận những kế hoạch gặp gỡ riêng với đối tác, bạn bè. Cô hồi tưởng về Tết xưa ấm áp cảnh gia đình quây quần bên mâm cơm giao thừa, cùng xem Táo quân, gói bánh chưng, xếp lì xì… Tết nay, vẫn đoàn viên sum họp, nhưng mâm cơm gia đình đã không còn đầy đủ các thành viên, nếu có ngồi cùng nhau cũng chỉ đơn giản đổi chỗ online, tâm trí mỗi người dành cho các mối bận tâm khác.
Chủ động trò chuyện, kết nối với nhau, gia đình mới có cái Tết đoàn viên đậm đà. |
Cô Thùy Dung (quận 3, TP HCM) nhận định, Tết bớt vui vì chính chúng ta sống nhạt, vô tình đánh mất kết nối với người thân, bạn bè. Muốn Tết “đậm”, chính mình hãy chọn sống “đậm”. Cũng là người thường xuyên sử dụng mạng xã hội, Thùy Dung muốn gia đình mình thực sự có những giây phút sum họp đầm ấm nên những khi Tết đến, cô cương quyết bỏ điện thoại xuống, thuyết phục anh chị em trong nhà tạm dừng sống ảo để trò chuyện cùng nhau. Không khí Tết của gia đình tìm lại sự đậm đà như những ngày xưa.
Gần đây trên mạng xã hội, nhiều người chia sẻ đoạn video với chủ đề “Làm thế nào để Tết đỡ nhạt hơn?”. Bên cạnh những ý kiến quen thuộc cho rằng “Tết nhạt”, không ít bạn trẻ nói lên một quan điểm khác, những lời động viên hỏi han nhau cũng đủ làm Tết đậm đà hơn rất là nhiều rồi; thật ra Tết chẳng bao giờ nhạt bởi vì chỉ cần ở bên gia đình bạn bè, gặp nhau là vui rồi.
“Tết nhạt” hay “Tết đậm đà”, lựa chọn chính ở mỗi người, chỉ cần chủ động trò chuyện, sẻ chia, cùng nhau sống trọn một cái Tết đậm đà, gắn kết. Đây cũng chính là thông điệp mà chiến dịch “Mở Pepsi, Mở Tết đậm đà” muốn truyền tải đến cộng đồng mùa Tết này. Một gợi ý dành cho mỗi chúng ta, đừng chần chờ tắt wifi, gặp gỡ trò chuyện với bạn bè, người thân để đón Tết.
Gia Nguyên
Theo Vnexpress