Trong Tam quốc diễn nghĩa Trương Phi là một hổ tướng tính tình nóng nảy, hữu dũng vô mưu, hành xử lỗ mãng. Nhưng có lẽ đây chính là sự hiểu lầm thiên cổ. Thực tế đã chứng minh, Trương Phi chính là bậc tướng tài, văn võ kiêm song, mưu tài trí lược, ra trận dùng mưu, đấu người dùng sức.
Trong Tam quốc diễn nghĩa, khi nói đến trí tuệ thông minh, tài trí, người ta thường nghĩ ngay đến Gia Cát Khổng Minh diệu cơ như Thần, nói về anh hùng chiến tướng, văn tài võ giỏi, người ta lại thường nhắc Chu Du, Quan Vũ hay Khương Duy. Còn Trương Phi lại để lại ấn tượng sâu sắc là một hổ tướng tính tình nóng nảy, hữu dũng vô mưu, hành xử lỗ mãng. Nhưng có lẽ đây chính là sự hiểu lầm thiên cổ. Trên thực tế Trương Phi chính là bậc anh hùng văn võ toàn tài, khó người sánh kịp.
Điển trai, văn võ song toàn
Trương Phi (166 – 221), tự Ích Đức, thường gọi Dực Đức, là một trong ngũ hổ tướng nhà Thục Hán. Trương Phi dược đánh giá có sức mạnh ngang Lữ Bố, Mã Siêu, Quan Vũ, Điển Vi.
Theo các tài liệu lịch sử ghi chép, Trương Phi không chỉ giỏi võ mà còn viết chữ rất đẹp, vẽ tranh rất tài. Tính khí của Phi ngay từ nhỏ đã nóng nảy, các thầy trong làng đều không ai dạy nổi.
Cậu của Trương Phi giới thiệu người thầy tên Vương Dưỡng Niên đến dạy, ông thầy vừa dạy văn vừa luyện võ, được Phi hết sức nể trọng.
Mới 13 tuổi, Trương Phi đã tinh thông võ nghệ và thuộc làu sử sách. Thầy Vương muốn rèn giũa tính tình Phi, liền nghĩ ra cách dạy Phi hội họa và thư pháp. Phi vốn tư chất thông minh nên chỉ 3 năm sau, thư, hoạ đều tinh thông, nổi tiếng cả vùng.
Trong khi đó, La Quán Trung mô tả trong Tam quốc diễn nghĩa về Trương Phi: “Tiếng vang như sấm, chạy nhanh như ngựa, râu cọp hàm én, đầu beo mắt lồi, lấy thủ cấp tướng giặc trong muôn quân như lấy đồ trong túi…”.
Trên thực tế, Trương Phi không hề có diện mạo xấu xí. Học giả Bùi Tùng Chi đời nhà Tấn, từng viết, “Trương Phi cao 8 thước”. Theo thước đo thời xưa, Phi cao 1,85m, chiều cao đáng nể ngay cả trong thời đại ngày nay.
Năm 2004, ở núi Trương Phi Doanh huyện Giàn Dương tỉnh Tứ Xuyên, các nhà khảo cổ Trung Quốc đã phát hiện tượng đầu người khổng lồ, được xác định là tượng Trương Phi.
Tượng cao 4,5m, bề ngang gần 3m, có cặp mắt to, dáng vẻ hiền từ, và chỉ có hai hàng ria mép. Viện Khảo cổ tỉnh Tứ Xuyên xác định, tượng đá được tạc vào đời nhà Đường (618-907). Đây là nơi năm xưa Trương Phi từng đóng quân nơi đây, người dân địa phương rất có thể đã tạc tượng tưởng nhớ ông.
Một giả thuyết khác là vào năm 221, Lưu Bị xưng đế, đưa con gái lớn của Trương Phi làm phi của thái tử Lưu Thiền. Khi Lưu Thiền lên ngôi, con gái Trương Phi trở thành hoàng hậu.
15 năm sau, Trương hậu qua đời, hậu chủ Lưu Thiền lấy tiếp con gái thứ của Trương Phi, lập làm hoàng hậu.
Nếu không có nhan sắc hơn người, hai chị em họ Trương khó lòng được phong hậu. Từ đó, Trương Phi không thể có diện mạo xấu xí, chí ít phải điển trai, hào hoa, phong lưu mới sinh được hai con gái cùng làm hoàng hậu như vậy.
Lấy “Lễ” phục người
Sau bại chiến tại Hán Trung, dũng tướng Tây Lương là Mã Siêu đào tẩu tới Thục Quốc, gặp Lưu Bị như gặp cố nhân. Lưu Bị là người yêu mến nhân tài, còn Mã Siêu lại dùng thân phận chư hầu đến quy thuận cho nên Lưu Bị vô cùng kính trọng. Lập tức phong Mã Siêu làm Bình Tây tướng quân, thuộc hàng ngũ hổ tướng dưới trướng Lưu Bị. Sự việc sau đó, Lưu Bị thường nói với mọi người: “Mạnh Khởi (tên tự của Mã Siêu) vừa đến, quân ta không còn gì phải suy lo nữa”.
Vừa đến đầu quân Thục Hán đã được đối đãi lễ nghĩa long trọng như vậy khiến cho Mã Siêu cao ngạo, tự mãn. Cũng có thể Mã Siêu một đời là kiêu tướng, phụ thân lại là đại tướng Tây Lương, xuất thân từ danh gia vọng tộc, lại cộng thêm với sự kính trọng, tôn vinh tột đỉnh của Lưu Bị nên dần dần quên đi địa vị quân thần của mình với Lưu Bị. Khi nói chuyện với Lưu Bị không còn sự cung kính khiêm nhường nữa, cũng không coi Lưu Bị là chủ công nữa.
Lưu Bị là người yêu mến nhân tài, còn Mã Siêu lại dùng thân phận chư hầu đến quy thuận cho nên Lưu Bị vô cùng kính trọng.
Một hôm trong quân Thục Hán tiến hành bàn chuyện quân sư, các chư tướng tranh luận rất kịch liệt. Ý kiến xuất binh của Mã Siêu và Quan Vũ bất đồng, nhưng Lưu Bị lại muốn dùng kiến nghị của Quan Vũ. Mã Siêu biết được, nhất thời nóng giận, chạy đến trước mặt Lưu Bị và các chư tướng lớn tiếng nói: “Huyền Đức, ông rút cuộc là dùng ý của ta hay là ý kiến hiền đệ của ông? Ông phải lập tức đưa ra quyết định cho ta!”.
Các tướng sĩ bên cạnh thấy Mã Siêu có thái độ vô lễ, không còn để ai trong mắt mình nữa thì đều giật mình thất kinh. Ngược lại, Mã Siêu lại thể hiện như đó là lẽ đương nhiên, không gì phải bàn cãi. Mặc dù bị Mã Siêu vô lễ với mình, nhưng Lưu Bị vẫn bình tâm thản ý, không chút tỏ vẻ tức giận, chỉ nhẹ nhàng nói: “Việc này tạm thời không nhắc nữa, ta quay về suy nghĩ thêm một chút, ngày mai tiếp tục thương lượng”.
Quan Vũ đứng bên cạnh thấy thái độ của Mã Siêu như vậy liền nói với Lưu Bị để mình đi giết chết nhưng Lưu Bị không đồng ý. Ngược lại Trương Phi đứng bên cạnh nói: “Không giết hắn cũng phải để hắn biết phải đối đãi với đại ca như thế nào, việc này cứ giao cho đệ”.
Lưu Bị sợ Trương Phi hành xử lỗ mãng nên nói: “Tam đệ đừng lỗ mãng mà hỏng đại cục”.
Trương Phi nghe vậy lớn tiếng đáp: “Đại ca yên tâm, đệ tự biết cân nhắc nặng nhẹ ra sao”.
Sang ngày hôm sau, doanh trại Thục Hán lại triệu tập chư tướng hội ý. Mã Siêu bước vào nhưng lại chẳng thấy ai, chỉ có Trương Phi và Quan Vũ đang đứng phía sau Lưu Bị. Mã Siêu thất kinh hỏi: “Hai vị tướng quân cớ sao không ngồi?”.
Trương Phi liền nghiêm nghị đáp: “Chủ công ở đây, làm sao có chỗ cho chúng ta ngồi cơ chứ? Làm bậc bề tôi nên hiểu rõ đạo lý này”, ai nghe xong cũng gật đầu tán thành.
Mã Siêu nhận được sự giáo huấn khôn khéo, tự biết mình có chỗ không phải, mặt đỏ, tai hồng tạ tội với chủ công. Cũng kể từ đó, Mã Siêu đối với Lưu Bị luôn dùng lễ quân thần đối đãi với Lưu Bị, không khi nào tái phạm nữa.
Không hề vô mưu
Tuy tính tình nóng nảy, bản chất thật thà, suy nghĩ đơn giản, nhưng Trương Phi trên thực tế còn là dũng tướng biết dùng mưu. Những câu chuyện liên quan đến Trương Phi như Roi quất quan đốc bưu, đơn độc chống quân Tào ở cầu Trường Bản, dùng mưu lấy ải Ngõa Khẩu, bắt Nghiêm Nhan đã chứng minh điều này.
Canh giữ ải Ngõa Khẩu là tướng Trương Cáp phe Tào Ngụy. Trương Cáp vốn coi thường Trương Phi, luôn tin rằng quân Thục do Phi chỉ huy không bao giờ qua được ải mình trấn giữ.
Trước trận đánh với Trương Cáp, Trương Phi uống mấy chục bình rượu, buông lời chửi bới tướng Tào Ngụy, khiến cho Lưu Bị lo lắng. Nhưng Gia Cát Lượng hiểu rõ năng lực Trương Phi nên ra dấu hiệu trấn an.
Trương Cáp xuất quân đánh Thục vì nghĩ Trương Phi đã mỏi mệt, nhưng không ngờ tình thế trên chiến trường lại hoàn toàn khác biệt. Đánh nhau 50 hiệp bất phân thắng bại, Trương Cáp phải bỏ chạy về thành và khiến Ngõa Khẩu thất thủ không lâu sau đó.
Năm 213, Lưu Bị mâu thuẫn với người anh em Lưu Chương, dẫn đến cuộc giao tranh ở Ích Châu. Trương Phi cùng nhiều tướng khác theo Gia Cát Lượng dẫn quân đến cứu viện.
Lưu Chương bày binh bố trận chặt chẽ ở Ích Châu nhưng lại để ngỏ Giang Châu, thủ phủ của Ba Quận. Lão tướng Nghiêm Nhan quyết cố thủ nhưng Ba Quận đã bị quân Thục tràn vào không lâu sau đó.
Cuốn Tam quốc chí của sử gia Trần Thọ đã ghi chép lại màn đấu khẩu giữa Trương Phi và Nghiêm Nhan.
“Đại tướng quân, vì sao không hàng mà dám kháng cự”, Trương Phi mắng. Nghiêm Nhan không chút sợ hãi, lớn tiếng đáp: “Các người cướp đất của ta, đất Giang Châu dù có tướng bị mất đầu, chứ quyết không có tướng đầu hàng giặc.”
Trương Phi nghe vậy, vô cùng bực tức, hạ lệnh đem Nghiêm Nhan đi chặt đầu trước dân chúng. Đứng trước cái chết, Nghiêm Nhan vẫn cười lớn: “Chém đầu thì chém đầu, việc gì mà phải tức giận như thế”.
Ngưỡng mộ trước khí khái phi phàm của Nghiêm Nhan, Trương Phi đổi giận thành vui, tự tay cởi trói và tiếp đãi đối phương như thượng khách.
Theo các học giả Trung Quốc, việc Trương Phi thu phục Nghiêm Nhan cho thấy, ông không thể là kẻ hữu dũng vô mưu như người đời sau lầm tưởng.
Trương Phi còn là một người quân tử, có tầm nhìn xa trông rộng khi biết trọng dụng tướng tài nhưng chọn lầm phe như Nghiêm Nhan.
Ngoài ra, Nghiêm Nhan có thế lực và sự ủng hộ của quân sĩ ở Ba Quận. Đối đãi tốt với Nghiêm Nhan cũng tranh thủ được sự ủng hộ và lòng tin của giới quý tộc đất Ích Châu. Lưu Bị vào Ích Châu cốt yếu là lấy lòng người. Về điểm này, Trương Phi thực sự đã làm đúng những gì mà huynh đệ kết nghĩa mong đợi.
Lão tướng Nghiêm Nhan cũng là người tính tình chất phác, thẳng thắn, một khi được đối đãi như thượng khách, ắt sẽ tận tâm tận lực hết mình, không bao giở có dã tâm làm phản.
Các học giả Trung Quốc nhận định, cách Trương Phi thu phục Nghiêm Nhan cũng hết sức khôn khéo.
Phi dọa dẫm để Nghiêm Nhan có cơ hội thể hiện dũng khí, sau đó bất ngờ thay đổi thái độ, chuyển sang đối đãi nồng hậu để Nghiêm Nhan không bị tổn thương, giữ được sĩ diện, tránh khỏi việc bị người đời chê trách.
Nhận thấy Nghiêm Nhan đúng là vị tướng anh dũng, thà chết chứ không chịu nhục, Trương Phi mới đồng ý tha chết. Điều này cho thấy Trương Phi đã có dự tính kỹ lưỡng từ trước, và con mắt nhìn người cẩn thận.
Có thể nói, ở một chừng mực nào đó, Trương Phi không hề thô lỗ, xấu xí, nông cạn như người đời sau vẫn hay lầm tưởng.
Quốc Tiệp
Theo Nguoiduatin