Theo Đông y, bệnh viêm loét dạ dày – hành tá tràng được gọi là vị thống, vị quản thống, phân làm 3 thể với các nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị khác nhau. Điều khá thú vị là với mỗi thể bệnh, có những món ăn hữu ích cho người bị bệnh này.
Thể can khí phạm vị (khí trệ)
Những người có tính tình thường khó chịu, không thoải mái, hay cáu gắt, nóng giận, những người bị căng thẳng thần kinh hay tâm lý, do chấn thương về tình cảm, lo nghĩ, buồn phiền, những người làm việc căng thẳng, mỏi mệt quá độ, stress, sẽ ảnh hưởng đến chức năng sơ tiết của tạng can, làm cho can khí uất kết, xâm phạm tới hoạt động của vị (dạ dày), dẫn tới can vị bất hòa, hoặc vị khí nghịch lên, ảnh hưởng đến công năng vận hóa của tỳ vị. Người bệnh có các triệu chứng chủ yếu như: đau và đầy tức vùng thượng vị, đau lan ra hai bên hông sườn, ợ hơi, ợ chua, lưỡi đỏ nhạt, rêu lưỡi mỏng. Cách trị là làm điều hòa can vị, làm thông khí để giảm đau, làm hết đau.
Những món ăn thường dùng cho thể can khí phạm vị
- Canh thịt nạc heo nấu bông cúc trắng
Nguyên liệu: Thịt nạc heo 250g, bông cúc trắng 12g, táo tàu 4 trái, gia vị các loại.
Cách làm: Thịt heo rửa sạch, xắt nhỏ, các vị thuốc rửa sạch, tất cả bỏ vào nồi, đổ nước hầm trong 1 tiếng rưỡi. Nêm nếm gia vị vừa ăn.
Dùng ăn nóng trong bữa ăn hoặc ăn vào lúc đói bụng.
- Gà hầm đảng sâm
Nguyên liệu: Thịt gà 150g, đảng sâm (hoặc rễ cây đinh lăng) 10 – 20g, hoài sơn (củ khoai mài) 20 – 30g, gừng tươi 2 lát mỏng, gia vị các loại.
Cách làm: Thịt gà bỏ mỡ, cắt nhỏ. Đảng sâm, gừng, hoài sơn rửa sạch. Cho tất cả vào nồi, hầm khoảng 90 phút, nêm nếm gia vị vừa ăn.
Dùng ăn nóng vào lúc đói bụng.
- Canh đậu rồng
Nguyên liệu: Đậu rồng 500g, tôm thẻ 100g, thịt ba chỉ 50g, rau ngò, hành tím băm, gia vị các loại.
Cách làm: Đậu rồng lựa trái vừa ăn, màu xanh nhạt (hạt còn non), cắt xéo thành miếng mỏng. Tôm thẻ lột vỏ, thịt ba chỉ rửa sạch, xắt lát mỏng. Cho tôm, thịt vào tô ướp gia vị, trộn đều. Phi ít hành băm, cho tôm, thịt vào xào qua rồi thêm lượng nước vừa đủ để nấu canh. Canh sôi thì cho đậu rồng vào, nêm nếm gia vị vừa ăn, múc ra tô. Rắc vài cọng rau ngò lên trên.
Dùng ăn nóng trong bữa cơm.
Thể tỳ vị hư hàn
Nguyên nhân do ngoại cảm hàn tà phạm vào tỳ vị, do ăn uống không điều độ, no đói thất thường, ăn nhiều thức ăn sống, lạnh, nhiều dầu mỡ khó tiêu, ăn uống thiếu dinh dưỡng lâu ngày, do tỳ vị vốn hư hàn lại bị hàn tà xâm nhập, gây trở ngại chức năng hoạt động, gây đau.
Có các triệu chứng chủ yếu như:
Đau âm ỉ vùng thượng vị, đau nhiều về đêm hoặc khi trời lạnh (nếu xoa ấm hoặc chườm nóng sẽ giảm đau). Trường hợp đói bụng càng đau, ăn cơm xong có phần dịu lại, trường hợp bị lạnh hoặc làm việc mệt quá rất dễ tái phát, ăn quá lượng cảm thấy đầy bụng. Người mệt yếu, tay chân mát lạnh, sắc mặt tái xanh, có khi nôn nước, đi cầu phân lỏng, lưỡi nhợt, mềm bệu, rêu lưỡi trắng, mạch chìm, không có lực.
Cách trị là làm ấm tỳ vị, làm mạnh tỳ vị và trừ hàn.
Những món ăn thường dùng thường dùng cho thể tỳ vị hư hàn
- Bột nghệ – riềng
Nguyên liệu: Bột nghệ 3-5g (hoặc 20-30g củ nghệ xắt lát mỏng), bột củ riềng 5g (hoặc 15g củ riềng tươi xắt lát mỏng), đường phèn 2g, nước đun sôi 50ml.
Cách làm: Hòa tất cả trong ly, quấy đều, dùng uống ấm trước và sau lúc ăn.
- Bao tử heo nấu sa nhân (mua ở các tiệm thuốc Nam)
Nguyên liệu: Bao tử heo 300g, sa nhân 10g, tiêu bột, hành, gừng.
Cách làm: Lộn bao tử heo ra, rửa thật sạch; sa nhân rửa sạch, giã nát, gừng xắt mỏng. Cho sa nhân và gừng vào trong bao tử heo. Bắc chảo lên bếp, đổ dầu phi hành cho thơm, cho bao tử heo vào xào qua, rồi cho vào lượng nước vừa đủ, nấu các nguyên liệu đến khi bao tử chín mềm là được. Rắc tiêu, hành, rồi bắc chảo xuống, lấy bã sa nhân ra, bao tử heo xắt miếng nhỏ để dùng.
Ăn nóng trong bữa cơm hoặc ăn vào lúc đói bụng.
- Cá lóc chưng đinh hương, đậu khấu
Nguyên liệu: Cá lóc 1 con 500g, đậu khấu 20g, đinh hương 10g, rượu chát 10g, gừng 10g, hành 10g, muối 3g, bột nêm 3g, dầu ăn 30g, đường trắng 10g, nước tương 10g, tiêu bột 3g.
Cách làm: Đậu khấu, đinh hương tán bột, để sẵn. Cá làm sạch mổ bỏ nội tạng, vây, vi, gừng xắt sợi, hành cắt khúc. Sau đó cho bột đậu khấu, đinh hương, gừng, hành, rượu, bột nêm, muối, tiêu bột, tẩm 30 phút rồi lấy ra, để vào thố, đặt vào nồi chưng cách thủy với lửa mạnh khoảng 15 phút là được. Dùng ăn nóng vào lúc đói bụng. Theo phân tích, mỗi 100g thịt cá lóc có chứa: 19,8g protein, 1,4g lipid, nhiều acid amin, các chất khoáng vi lượng Ca, P, Fe và nhiều loại vitamin cấn thiết cho cơ thể. Theo sách Thần Nông bản thảo kinh thời Đông Hán, cá lóc được coi là thức ăn thượng phẩm, đại bổ khí huyết, có ích cho tỳ vị. Sách Y Lâm toản yếu viết: “Cá lóc có tác dụng bổ tâm dưỡng thần, bổ ích tỳ vị, thanh thận thủy, hành thủy thẩm thấp, giải độc khử nhiệt”. Sách Bản thảo cầu chân đời nhà Thanh cũng ghi nhận cá lóc có công hiệu “bổ tỳ lợi thủy.”
Thể ứ huyết
Đây là trường hợp vùng bụng trên đau nhói như bị đâm, đau tức trong thời gian dài, đau ở chỗ cố định, sợ bị ấn, ấn vào càng đau nhiều, cơn đau lan lên vùng ngực ra sau lưng, vã nhiều mồ hôi, có xuất huyết, nôn ra máu hoặc đi cầu ra phân đen. Lưỡi tím hoặc có ban, mạch căng như dây đàn, không trơn.
Cách trị là làm hoạt huyết, hóa ứ, lý khí, hòa vị.
Những món ăn thích hợp cho thể ứ huyết
- Canh cá chép, hoài sơn, sơn tra (hoặc táo mèo)
Nguyên liệu: Cá chép 1 con khoảng 300g, sơn tra 30g, hoài sơn 30g, gia vị các loại.
Cách làm: Rửa sạch cá chép, xắt thành miếng, sơn tra, hoài sơn rửa sạch. Phi thơm gừng tươi, cho sơn tra, hoài sơn và cá chép vào nồi, thêm lượng nước vừa phải, dùng lửa to đun sôi, đổi thành lửa nhỏ, nấu từ 1-2 giờ, nêm gia vị vừa ăn là được.
Uống canh ăn cá, dùng trong bữa ăn. Món ăn này có tác dụng dưỡng huyết bổ trung, cầm máu, phá ứ.
- Cao khoai tây, mật ong
Nguyên liệu: Khoai tây tươi 1000g, mật ong lượng vừa phải.
Cách làm: Khoai tây gọt vỏ, xắt sợi, giã nát, vắt lấy nước. Cho nước khoai tây vào nồi, đun sôi bằng lửa to, đổi thành lửa nhỏ nấu đến khi cô đặc thành dạng dính, thêm mật ong lượng gấp đôi, tiếp tục nấu thành dạng đặc thì tắt lửa, để nguội. Đựng trong bình sạch để dùng khi cần thiết.
Mỗi ngày 2-3 lần, mỗi lần 1 muỗng canh, vào lúc đói bụng.
Món ăn này có tác dụng hòa vị hòa trung, khử ứ.
- Nước cốt cải bắp tươi, kẹo mạch nha
Nguyên liệu: Cải bắp tươi, kẹo mạch nha lượng vừa phải.
Cách làm: Dùng nước sôi để nguội rửa sạch cải bắp, giã nát, bọc trong vải màn sạch để vắt lấy nước.
Mỗi ngày dùng 2 lần, mỗi lần uống một cốc nước cốt cải bắp tươi, với kẹo mạch nha, trước bữa ăn sáng và bữa tối. Một liệu trình chữa trị là 10 ngày.
Món ăn này có tác dụng thanh nhiệt giảm đau, giúp chóng lành vết thương.
Lưu ý: Nếu đau nhiều và xuất huyết nhiều nên kịp thời chuyển cấp cứu ngoại khoa, có thể là trường hợp bị thủng dạ dày. |
Lương y Đinh Công Bảy
Theo Tạp chí Sức Khỏe – khoe24h.vn