Nhiều dòng xe nhập khẩu mới bán đã ghi nhận doanh số tốt, trong khi đó một số mẫu vẫn loay hoay với câu chuyện tìm khách tại Việt Nam.
Từ quý III, thị trường đón nhận thêm nhiều dòng xe mới, trong số đó phần nhiều là xe nhập khẩu nguyên chiếc. Những tân binh mang đến hy vọng cho các hãng xe và thêm lựa chọn cho người dùng. Tuy nhiên, không phải dòng xe nào cũng dễ dàng nhận được cái gật đầu của người dùng.
Những xe doanh số tốt
Tháng 10, Toyota Wigo có doanh số khả quan, phần nào thể hiện tiềm năng cạnh tranh khi chen chân vào nhóm xe bán chạy nhất, thậm chí vượt qua những tên tuổi có thâm niên nằm top.
Tháng 9 Wigo bán trong 5 ngày cuối cùng, doanh số đạt 238 xe. Số xe bán trong tháng 10 tăng gấp 7 lần, đạt 1.529 xe. Tháng 10 doanh số Grand i10 đạt 1.491 xe (i10 thường xuyên đứng đầu phân khúc, doanh số trung bình hơn 1.900 xe/tháng), trong khi Kia Morning tiêu thụ 1.043 xe.
Dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng số lượng xe bán trong những tháng đầu chưa khẳng định nhiều điều, bởi Wigo nhận đặt hàng của khách từ khá sớm nhưng không có xe giao.
Honda HR-V tại đại lý. |
Tương tự là trường hợp Honda HR-V, mẫu SUV cỡ B Nhật Bản được nhận định giá bán cao hơn so với các dòng xe khác trong phân khúc. Tuy nhiên doanh số tháng đầu đã vượt qua các đối thủ có truyền thống như Ford EcoSport. Chuyên gia trong ngành cho rằng doanh số HR-V cao hơn 2 đối thủ một phần do trả những đơn hàng khách đã đặt từ trước. Crossover của Honda công bố giá từ tháng 9, nhưng bắt đầu nhận đặt hàng từ cuối tháng 7. HR-V tháng 10 giao khách 740 xe, trong khi EcoSport đạt 444 xe.
Ở phân khúc B, không chỉ HR-V, Hyundai Kona cũng là nhân tố mới, bán từ tháng 9, doanh số tăng trưởng ngay trong tháng 10. Doanh số tháng 9 xấp xỉ Ford EcoSport, nhưng tháng 10 đã vượt (đạt 650 xe) và được thông báo ở tình trạng khan hàng tại một số đại lý. Nhà máy của Hyundai có công suất tổng khoảng 5.000 xe/tháng và hiện đang hoạt động hết khả năng.
Mitsubishi Xpander trong một hành trình trải nghiệm. |
Tuy ghi nhận lượng đơn hàng doanh số tốt nhưng con số thực tế giao lại thấp là trường hợp của Mitsubishi Xpander. Ra mắt hồi tháng 8, sau hai tháng, có 310 xe tới tay khách hàng. Hãng cho biết, lượng đặt hàng thực tế đã lên tới hàng nghìn xe, vượt qua mốc kỳ vọng 500 xe/tháng, nhưng nhà máy ở Indonesia đáp ứng không kịp nên thị trường Việt phải xếp hàng chờ đợi, sau thị trường nội địa và các nước khác như Thái Lan, Philippines.
Những xe chưa tạo cú hích lớn
Bán cùng thời điểm với Toyota Wigo, nhưng doanh số của hai anh em trong nhà Rush và Avanza chỉ ở mức tròn vai. Rush bán 336 xe trong tháng đầu tiên, vượt kỳ vọng 300 xe/tháng mà liên doanh Nhật Bản đặt ra. Ở đại lý, khách hàng muốn nhận sớm Rush cần mua thêm phụ kiện khoảng 70-100 triệu.
Avanza có doanh số 190 chiếc. Không tạo ra nhiều đột biến, nhưng vẫn khả quan hơn nhiều so với mẫu xe cùng phân khúc Suzuki Ertiga (doanh số chưa đến 30 xe, từ đầu năm). Suzuki Việt Nam cho biết chưa nhập được nhiều xe về bán nên doanh số thấp, kế hoạch lô hàng tiếp theo về nước phải sang tháng 3/2019.
Ở chiều ngược lại, Suzuki Celerio cùng phân khúc A với Toyota Wigo, mở bán từ tháng 1, thêm bản số sàn hồi tháng 8, nhưng doanh số hiện tại không cao, đạt 390 xe từ đầu năm. Dòng xe cỡ nhỏ của Suzuki nhập khẩu nguyên chiếc, nhưng không cạnh tranh lại với các đối thủ xe Hàn như Hyundai Grand i10 hay Kia Morning và mới nhất là Wigo.
Suzuki Celerio tại triển lãm VMS 2017. Ảnh: Phạm Trung. |
Dòng bán tải Hilux mới của Toyota bán từ tháng 7 đến hết tháng 10 doanh số đạt 681 chiếc, Ranger mới bắt đầu bán từ tháng 9, cộng sang tháng 10 đạt 1.773 xe. Phiên bản mới Hilux có tín hiệu tích cực, tuy nhiên so với Ford Ranger vẫn kém hơn về doanh. Bán tải Mỹ tiếp tục duy trì vị thế của ông vua phân khúc, khi nguồn hàng nhập trở lại đều đặn.
Gần hết năm 2018, câu chuyện nguồn cung vẫn là vấn đề chính đối với các dòng xe nhập khẩu. Tháng 10 lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc tăng, doanh số chung của xe nhập khẩu tăng, nhưng không phải tin vui chia đều cho các mẫu xe, các hãng.
Ngọc Tuấn
Theo VNExpress