Trong khuôn khổ chung kết Startup Việt 2018, các doanh nghiệp có cơ hội trực tiếp trò chuyện, kêu gọi đầu tư hoặc tìm kiếm tư vấn từ hội đồng chuyên môn.
Sau hai tháng tổ chức, Startup Việt 2018 do Báo VnExpress tổ chức đã bước vào giai đoạn cuối cùng là sự kiện Gala chung kết ngày 15/11 tại TP HCM. Chương trình thu hút đông đảo cộng đồng startup cùng các hội đồng chuyên môn, nhà đầu tư, chuyên gia cố vấn… tham gia.
Một trong những điểm nhấn của sự kiện là buổi Speed Dating – nơi các nhóm startup, sinh viên có ý tưởng khởi nghiệp… gặp gỡ trực tiếp các nhà đầu tư để trình bày về ý tưởng, thuyết phục rót vốn hoặc tìm sự tư vấn cởi bỏ khúc mắc của doanh nghiệp đang gặp phải.
Buổi Speed Dating có sự góp mặt của nhiều chuyên gia và các đơn vị khởi nghiệp. Ảnh: Quỳnh Trần. |
Trong 45 phút của sự kiện, ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT – là một trong những chuyên gia được các startup tìm đến nhiều nhất. Với phong thái gần gũi, cởi mở nhưng không kém phần quyết đoán, ông đặt rất nhiều câu hỏi gợi mở nhằm nhanh chóng đào sâu vấn đề của các đơn vị khởi nghiệp, từ đó đưa ra lời khuyên và giải pháp cụ thể.
Đơn cử với ADV Design – công ty phát triển công nghệ dẫn sáng, sau 2 năm phát triển thì vẫn không tìm được nhà đầu tư. Ông Bình góp ý rằng: “Startup không chỉ là sản xuất sản phẩm mà còn phải là tạo ra những cái người ta chưa nhìn thấy và có quy mô tăng trưởng lớn”. Trước vấn đề của ADV, ông tư vấn doanh nghiệp nên thử tiến thêm một bước, phát triển dòng smart light với những tính năng khác biệt, hoàn toàn mới khi đó mới chinh phục được thị trường. Ngoài ra ông cũng giới thiệu một số quỹ đầu tư cụ thể mà ADV có thể tìm đến và thuyết phục các nhà đầu tư rót vốn.
Đại diện của ADV chưa kịp rời đi, đã có một hàng dài các startup khác đứng lắng nghe cuộc tư vấn của Chủ tịch FPT và chờ đến lượt của mình. Trong buổi trao đổi ngắn với người sáng lập New Pathway – trung tâm dạy tiếng Anh tại TP HCM, ông Bình liên tục đặt ra những câu hỏi để tìm hiểu kỹ về mô hình này. Sau khi phân tích về ưu điểm và nhược điểm của doanh nghiệp, ông Bình gợi ý New Pathway có thể tham khảo 2 phương án: đầu tiên là chuyển đổi mô hình, có thể bán một ít thị phần, cầm đầu điểm phát triển mạng lưới mô hình tương tự; thứ hai muốn thuần túy đầu thì hãy tiếp tục phát triển doanh nghiệp.
Các startup tìm đến buổi Speed Dating ở đa dạng các lĩnh vực khác nhau, ví dụ có một doanh nghiệp chuyên về chế biến nông sản đặt vấn đề, mong muốn ông Bình kết nối với các đơn vị hỗ trợ. Sau hàng loạt các câu hỏi để biết về thị trường, mặt hàng và khách hàng, ông Bình đã rút điện thoại để đại diện startup này ghi lại số liên lạc với những hiệp hội hỗ trợ cho ngành nông sản.
Ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Tập đoàn FPT – đặt nhiều câu hỏi cụ thể và có những tư vấn, hỗ trợ giá trị với startup. Ảnh: Hữu Khoa. |
Ngoài sự góp mặt của Chủ tịch FPT, buổi Speed Dating còn có nhiều chuyên gia khác. Một trong số đó là ông Phạm Xuân Đà – Cục trưởng cục công tác phía Nam – Bộ Khoa học và Công nghệ. Trao đổi cùng đại diện Lavita, ông Đà lắng nghe rất chi tiết về vấn đề mà doanh nghiệp này đang gặp phải như gặp thất bại khi sản xuất nước ép thanh long và đang có một khoản nợ chưa trả được. Công ty đang chuyển đổi sản xuất thanh long sấy để xuất khẩu Canada, Mỹ và muốn tìm sự hỗ trợ. Trước 2 đề bài này, ông Đà tư vấn Lavita cần phải giải quyết triệt để từng vấn đề. Nước ép thanh long không phải là không có thị trường, hiện nay ngành nước ép trái cây tươi rất rộng lớn, doanh nghiệp cần phải xem xét lại để cải tiến công nghệ, thương hiệu và cả nhân lực. Ngoài ra để có phương án hỗ trợ cụ thể, ông Đà chủ động hẹn vị đại diện này đến trụ sở để có thể trao đổi kỹ và có nhiều thời gian tư vấn hơn.
Ông Võ Trần Đình Hiếu – Giám đốc tài chính VIISA cũng nhận nhiều thắc mắc từ các doanh nghiệp. Đối với startup trình bày ý tưởng về dịch vụ tư vấn cho các công ty vừa và nhỏ, ông Hiếu đã đưa ra gợi ý hãy thử tham khảo các mô hình nước ngoài để tìm cho mình hướng đi hợp lý. Khi doanh nghiệp đặt vấn đề muốn nhận đầu tư, ông thẳng thắn góp ý rằng ở giai đoạn này chưa nên kêu gọi đầu tư vì khi mới hình thành ý tưởng, bạn cần phải hiện thực hóa trước, chứng minh nó có thể thực hiện được. Mục tiêu cần nhất ở giai đoạn này là phải tìm đối tác, đồng sáng lập để phát triển platform của doanh nghiệp rồi mới tiến hành các bước tiếp theo.
Kết thúc phiên trao đổi, ông Phạm Bảo Long – Quản lý chương trình VIISA nhận xét sau khi nói chuyện cùng 4 startup, ông có hứng thú với 2 đại diện về lĩnh vực tuyển dụng và dạy tiếng Anh. Lý do, tuyển dụng là bài toán tất cả công ty trên thế giới đều có nhu cầu, hiện nay thị trường chưa có công cụ đảm bảo chất lượng nhân sự, tìm được những người chất lượng cao. Về tiếng Anh, ông nói rằng bản thân cũng từng học và thấy vấn đề là quá trình học lâu dài nhưng hiệu quả thấp, còn startup này làm được chuyện là vài tháng giúp một người nói rất kém thành rất tốt, giúp thiếu nhi lớn lên nói giọng chuẩn Anh, chuẩn Mỹ.
Không chỉ thích thú với mô hình, ông Long nhận xét thật ra ý tưởng của các bạn không quá khác biệt. Điều khiến ông quan tâm và hẹn trao đổi thêm với các bạn sau buổi Speed Dating còn đến từ ấn tượng trong buổi trò chuyện. “Ở giai đoạn công ty chưa có gì cả, sản phẩm sơ khởi thì doanh số, tiền bạc không phải là điều mà chúng tôi quan tâm. Lúc này, tài sản lớn nhất của công ty chính là người làm ra nó”. Ông nhấn mạnh thêm, ông thường quan tâm đến những người hiểu ngành, biết mình đang làm gì và mang đến cảm giác không muốn bỏ lỡ cho các nhà đầu tư, chứ không phải những người nói rằng tôi cần tiền để làm cái này, cái kia.
Trong phần Speed Dating có rất nhiều bạn khởi nghiệp chưa tham gia cuộc thi cũng đã tìm đến, chia sẻ những mong muốn các bạn theo đuổi. Sau khi trò chuyện, ông Phạm Văn Tam – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn công nghệ Asanzo thể hiện sự hứng thú với giải pháp nén băng tần cho camera. Mặc dù dùng ít băng tần nhưng hình ảnh rất tốt và có thể nhận diện khuôn mặt của từng người trong gia đình.
“Khi đầu tư tôi sẽ đầu tư những dạng như vậy sẽ tốt cho người tiêu dùng, có thể thương mại hóa tốt hơn”, ông nhận xét chung.
Tuy chưa đưa ra con số cụ thể về mức đầu tư, ông Tam cho biết sẽ tìm hiểu sâu hơn về nhu cầu của startup và cả mức lớn thị trường, từ đó mới quyết định đầu tư mạnh hay không, gặp tiếp lần hai hay nhiều lần khác nữa.
Ông Phạm Van Tam – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn công nghệ Asanzo – trực tiếp nhận xét về sản phẩm, mô hình doanh nghiệp cho các startup. Ảnh: Hữu Khoa. |
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia khác cũng nhận được hàng loạt câu hỏi từ các startup có mặt trong sự kiện. Ông Phạm Phú Trường – Tổng giám đốc Công ty tư vấn hội nhập toàn cầu GIBC, ông Phạm Duy Hiếu – Giám đốc điều hành Vietnam Startup Foundation, ông Sonny Lê – Giám đốc chương trình hỗ trợ khởi nghiệp Build 80 Program thuộc quỹ đầu tư mạo hiểm Reapra (Singapore), ông Nguyễn Việt Đức – SVF… đều đưa ra những tư vấn giá trị, giúp các đơn vị khởi nghiệp xác định rõ ràng những bước đi trong tương lai.
Hoài Nhơn
Theo VNExpress