Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá cao “Bình chọn Startup Việt 2018” vì chọn lựa startup ứng dụng công nghệ cao vào mô hình kinh doanh.
Chương trình Bình chọn Startup Việt do báo điện tử VnExpress tổ chức năm 2018 bước sang năm thứ ba. Với tiêu chí ưu tiên lựa chọn các startup công nghệ, phát triển công nghệ nền tảng hoặc ứng dụng công nghệ cao vào mô hình kinh doanh, chương trình được nhiều chuyên gia, quan chức, lãnh đạo đánh giá cao.
Chia sẻ với VnExpress, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Trần Văn Tùng – Chủ tịch Hội đồng chuyên môn của chương trình “Bình chọn Startup Việt 2018” đưa ra nhiều ý kiến đánh giá, góc nhìn về các hoạt động khởi nghiệp của Việt Nam thời gian qua, xu hướng khởi nghiệp quốc tế cũng như khởi nghiệp công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
– Ông nhận xét như thế nào về những hồ sơ dự thi của các công ty khởi nghiệp tham gia chương trình “Bình chọn Startup Việt” năm nay?
– Năm nay, chương trình nhận được gần 400 hồ sơ đăng ký. Top 25 cũng kết thúc giai đoạn bình chọn. Từ đó, chương trình lại lựa chọn tiếp Top 15, rồi Top 5 thuyết trình trước Ban Giám khảo trong đêm Gala vinh danh để tìm ra quán quân cuối cùng. Có thể thấy, chương trình có các bước lựa chọn rất kỹ càng với nhiều tiêu chí chặt chẽ.
Các mô hình kinh doanh, ý tưởng từ những dự án được lựa chọn năm nay rất phong phú, trải dài trên nhiều lĩnh vực từ nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ y tế, giáo dục đến thương mại điện tử, tài chính…Tôi đánh giá cao tất cả các ý tưởng cùng sản phẩm thực tế của các startup. Một điểm nữa là ấn tượng với đội ngũ điều hành, sáng lập và kỹ thuật của các công ty khởi nghiệp đều còn rất trẻ. Với mặt bằng hồ sơ dự thi đạt chất lượng cao, phong phú, chúng tôi kỳ vọng sẽ tìm ra được những công ty khởi nghiệp tốt nhất.
Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ là Chủ tịch Hội đồng chuyên môn chương trình Bình chọn Startup Việt 2018. |
– Theo ông, phong trào khởi nghiệp Việt Nam những năm qua phát triển như thế nào và gặt hái được những thành công gì?
– Giai đoạn 2016-2017 ghi nhận nhiều nỗ lực, hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng cũng như các bộ, ban, ngành trong việc thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt đề án 844 nhằm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng tập trung triển khai xây dựng các hoạt động và thực hiện nội dung của Đề án 844 (Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025).
Năm 2017, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cho ra mắt Cổng thông tin kết nối khởi nghiệp Việt Nam nhằm kết nối những nhà khởi nghiệp, nhà đầu tư, các cơ quan quản lý và rất nhiều đối tượng khác nhau trong hệ sinh thái khởi nghiệp trong một không gian trực tuyến tập trung, chuyên nghiệp.
Đây là những điều kiện về mặt chính sách hết sức thuận lợi cho việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Bên cạnh những quy định của đề án, Chính phủ cũng đã trình thông qua quốc hội ban hành Luật doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, có hẳn một chương dành cho hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Gần đây nhất, Chính phủ cũng trình để quốc hội thông qua Luật chuyển giao công nghê. Đây là luật rất quan trọng trong việc chuyển giao các kết quả nghiên cứu, công nghệ trong nước, từ Việt Nam ra nước ngoài và ngược lại.
Với việc triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ đồng bộ từ chính sách đến các hoạt động khởi nghiệp, năm 2017, vốn đầu tư trong và ngoài nước vào khởi nghiệp Việt Nam đạt gần 300 triệu USD. Ngày 29/11, sự kiện Techfest – Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia lần thứ 4 sẽ được tổ chức. Sự kiện được kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo ra lực đẩy, thu hút vốn đầu tư cho khởi nghiệp trong nước.
– Có ý kiến cho rằng một trong những điểm bất lợi của khởi nghiệp Việt Nam là chưa có luật đầu tư mạo hiểm. Năm nay, điều này đã được cải thiện hay chưa?
– Rót vốn cho các công ty khởi nghiệp là một hoạt động đầu tư mạo hiểm. Trung bình, với 100 dự án, công ty khởi nghiệp được hình thành thì số lượng thành công chỉ khoảng 10, đôi khi còn thấp hơn. Nếu Nhà nước đem tiền đầu tư cho các dự án khởi nghiệp, độ rủi ro sẽ rất cao. Nếu các dự án không thành công, việc quản lý vốn của Nhà nước sẽ bị đánh giá là “có vấn đề”. Cá nhân nào được giao nhiệm vụ quản lý số tiền đầu tư này, tham chiếu với tỷ lệ thành công- thất bại như tôi đã nói phía trên thì chắc chắn sẽ phải chịu trách nhiệm. Vấn đề ở Luật đầu tư mạo hiểm hiện nay còn vướng trong các quy định pháp lý là bởi câu chuyện như trên.
Tuy vậy, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trước đó đã có quy định thành lập các quỹ đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Với quy định này, Chính phủ ban hành Nghị định 38 về việc hình thành các quỹ đầu tư ở Việt Nam. Điều này giúp các quỹ có những cơ sở pháp lý hoạt động ban đầu. Tuy vậy, càng về sau này, các quy định sẽ càng cần phải được tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, chi tiết hơn. Chắc chắn chúng ta sẽ phải trải qua thời gian vừa vận hành vừa điều chỉnh cho phù hợp với sự quản lý của đất nước, xu hướng quốc tế, tạo điều kiện cho hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển.
Các chính sách vẫn đang tiếp tục được hoàn thiện để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Việc rót vốn của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cần phải được thuận lợi, dễ dàng. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư thoái vốn cũng cần đúng quy định của pháp luật. Bởi chúng ta cũng cần phải tính đến các trường hợp rửa tiền. Nếu lơi lỏng việc quản lý, chúng ta sẽ không thể kiểm soát được dòng tiền.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng phát biểu trong sự kiện Techfest năm 2017. Năm nay, chương trình sẽ được tổ chức vào ngày 29/11. |
– Ông nhìn nhận thế nào về vai trò của Nhà nước trong việc rót vốn cho khởi nghiệp?
Theo xu hướng phát triển toàn cầu, khi hệ sinh thái khởi nghiệp đã vững mạnh, Nhà nước sẽ không tham gia, không bỏ vốn đầu tư nữa. Nhưng ở giai đoạn ban đầu, đễ hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp, Nhà nước phải tham gia thì mới thu hút được nguồn lực xã hội, quỹ đầu tư vào.
Ví dụ, chương trình Slush của Phần Lan – một trong những sự kiện khởi nghiệp lớn nhất hành tinh trong những năm gần đây chỉ còn 10%-15% tiền đầu tư từ nhà nước. Nhà nước chỉ là đơn vị đưa ra vốn mồi, còn nguồn lực lớn nhất sẽ huy động từ nguồn kinh phí trong nước và ngoài nước. Điều này nên được làm rõ trong quá trình thực hiện hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Theo đó, nhà nước sẽ không hỗ trợ trực tiếp cho các hoạt động khởi nghiệp mà hỗ trợ về mặt cơ chế chính sách, vốn mồi thông qua các trung tâm ươm tạo và tư vấn khởi nghiệp. Đến hết năm 2017, cả nước đã có hơn 40 trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp hoạt động thường xuyên, liên tục.
Bên cạnh đó, kích thích khu vực tư nhân tham gia với nhà nước hỗ trợ cho khởi nghiệp cũng là một trong những mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam. Đặc biệt từ phía doanh nghiệp nhỏ và vừa, cùng chung tay để trở thành những người đầu tiên mua sản phẩm, sử dụng dịch vụ của khối doanh nghiệp khởi nghiệp,giới thiệu startup vào các chương trình xúc tiến thương mại.
– Việt Nam được đánh giá có nhiều lợi thế về khởi nghiệp khoa học – công nghệ. Tuy vậy, tốc độ thương mại hóa các nghiên cứu khoa học để thành sản phẩm kinh doanh còn chậm. Ông suy nghĩ về vấn đề này như thế nào?
– Hiện tượng các kết quả nghiên cứu khoa học chậm được chuyển giao, thương mại hóa thành sản phẩm là một điểm chung của nhiều quốc gia, không chỉ Việt Nam. Nói chung, các nhà khoa học phần lớn chỉ biết tập trung cho vấn đề nghiên cứu, còn bước chuyển giao các kết quả đó cho doanh nghiệp, thương mại hóa, ứng dụng cho các lĩnh vực ngành nghề khác của đất nước để có thể nhân rộng, phát triển bao giờ cũng sẽ có một khoảng cách nhất định.
Để giải quyết vấn đề này, giữa các nhà khoa học và những doanh nghiệp cần có sự kết nối, các tổ chức trung gian đứng ra với nhiệm vụ tìm hiểu, kết nối các kết quả nghiên cứu khoa học với các doanh nghiệp có nhu cầu để chuyển hóa thành các sản phẩm chất lượng. Kinh nghiệm trên thế giới là từ ngay trong trường đại học, các tổ chức dịch vụ về sở hữu công nghiệp, giúp đăng ký các kết quả khoa học từ cán bộ, giảng viên, làm sao để kết nối với doanh nghiệp đã được hình thành, phát triển và hoạt động mạnh mẽ.
Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của cả nước nói chung và các trung tâm khởi nghiệp nói riêng như Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM hiện nay vẫn chưa có đủ sự kết nối cộng sinh giữa các thành phần để cùng phát triển. Trong đó, cần nhấn mạnh vào ba trụ cột chính. Thứ nhất là yếu tố năng lực và nhận thức, đặc biệt từ phía các địa phương, trường đại học, viện nghiên cứu sản phẩm, thực hành khoa học – công nghệ. Thứ hai là nền tảng truyền thông để tạo ra văn hóa khởi nghiệp hỗ trợ hệ sinh thái startup.
Thời gian qua, chúng ta cũng có những tổ chức tư vấn về sở hữu công nghiệp hay những tổ chức dịch vụ về tiêu chuẩn đo lường chất lượng…Trong định hướng phát triển thị trường khoa học công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ có một chương trình để phát triển riêng cho thị trường nay.
– Ông đánh giá như thế nào về vai trò của khởi nghiệp công nghệ trong xu hướng phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?
– Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vừa là cơ hội, vừa là thách thức với Việt Nam. Những công nghệ tiên phong như Trí tuệ nhân tạo, Dữ liệu lớn, Internet van vật, Blockchain…đã đang và sẽ có sức tác động rất lớn lên mỗi quốc gia. Robot và tự động hóa phát triển cũng đe dọa đến việc làm của người lao động.
Trong bối cảnh này, các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp công nghệ đang là những hạt nhân tiên phong phát triển, thử nghiệm và ứng dụng công nghệ theo xu hướng quốc tế, kiến tạo nên môi trường kinh doanh và việc làm mới. Việc phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp dựa trên công nghệ là quan trọng bởi khả năng phát triển bền vững và mở rộng mô hình.
Bước vào cuộc chơi 4.0, chúng ta chưa thực sự sẵn sàng hay được chuẩn bị đầy đủ. Hạ tầng cơ sở hay sự phát triển của các ngành công nghiệp khác vẫn còn ở những mức thấp. Tuy vậy, sự thay đổi và phát triển đang diễn ra mạnh mẽ và không thể đảo ngược. Chúng ta phải chấp nhận cuộc chơi và vừa làm vừa điều chỉnh. Trong thời điểm này, các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức cần nhận rõ về bản thân cũng như biết cách tiếp cận. Chúng ta phải đào tạo và đào tạo lại cho lực lượng lao động, sẵn sàng cho cuộc chuyển đổi về việc làm, vị trí, sắp xếp lại đội ngũ cơ cấu tổ chức, tinh giản biên chế, thủ tục hành chính…
Phương Nguyên
Theo VNExpress