Khát vọng và cách làm là hai điểm giúp Việt Nam có thể phát triển mạnh lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI).

Tại tọa đàm bàn tròn “Việt Nam – Từ AK đến AI” vừa diễn ra vào đầu tháng 11 trong khuôn khổ Ngày hội Toán học mở 2018, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy đã gửi lời kêu gọi các nhà khoa học ở mọi lĩnh vực tham gia nghiên cứu phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam. Theo ông Duy để lĩnh vực này thật sự mạnh, cần quan tâm đến hai thứ: khát vọng và cách làm.

Ông Duy thông tin Mỹ đã nghiên cứu về AI từ năm 1956, sớm hơn nhiều so với Việt Nam. Trong thời chiến (thời của súng AK), Việt Nam cũng thua kém Mỹ về mọi nguồn lực, trong đó có khoa học công nghệ nhưng vẫn chiến thắng được người Mỹ. Đó là nhờ có khát vọng, lòng yêu nước, tự tôn dân tộc được đẩy lên cao trào, mọi người đều sẵn sàng cầm súng để bảo vệ tổ quốc.

Việt Nam chiến thắng Mỹ trong quá khứ là bài học về phương thức tổ chức, tập hợp nguồn lực từ mọi người dân. “Phải có khát vọng đủ lớn và cách làm như vậy, chúng ta mới có thể vượt qua các lực lượng, quốc gia”, ông Duy khẳng định.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy chia sẻ ở ngày hội Toán học mở 2018 diễn ra hôm 4/11. Ảnh: Dương Tâm

Thứ trưởng Bùi Thế Duy chia sẻ ở ngày hội Toán học mở 2018 diễn ra hôm 4/11. Ảnh: Dương Tâm.

Về trí tuệ nhân tạo nói riêng và khoa học công nghệ nói chung, theo ông Duy, Việt Nam chưa đạt đến khát vọng để vươn lên như những gì đã có trong thời chiến. Và điều này, không phải quốc gia nào cũng dễ dàng có được.

Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ điểm lại sự kiện Sputnik năm 1957, Nga phóng vệ tinh đầu tiên lên vũ trụ. Khi đó, người Mỹ khá hoảng hốt và đưa ra chương trình tuyên truyền về việc Mỹ đang thua người Nga về khoa học công nghệ tới mọi người, từ các em nhỏ học tiểu học tới học sinh phổ thông rồi sinh viên đại học. Việc tuyên truyền đó đã đẩy toàn bộ người dân Mỹ yêu và đầu tư cho khoa học, thúc đẩy nền khoa học và công nghệ ở Mỹ phát triển nhanh chóng, tạo ra bước đột phá trên toàn cầu.

“Chúng ta cũng cần có những cuộc tuyên truyền như vậy để phát triển khoa học và công nghệ. Những sự kiện bàn về trí tuệ nhân tạo sẽ giúp tạo nên khát vọng phát triển mạnh mẽ cho toàn dân”, ông Duy nói.

Ngoài khát vọng chưa đủ lớn, ông Duy cũng cho rằng lực lượng nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam còn tản mát, chưa tạo được liên kết tổng lực dù Việt Nam có những thế mạnh nhất định về AI so với những lĩnh vực công nghệ thông tin khác. Không chỉ chưa kết nối được những nhà khoa học chuyên về AI mà Việt Nam cũng chưa tập hợp được ở những ngành khác, đặc biệt những ngành có lợi thế như Toán học, để cùng nghiên cứu, phát triển trí tuệ nhân tạo.

Những chương trình Bộ Khoa học đang thực hiện để phát triển AI

Ông Duy thông tin Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng chương trình khoa học công nghệ phục vụ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trọng tâm nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo.

“Trong chương trình này, chúng tôi đang cố gắng tập hợp các nhà khoa học trong lĩnh vực công nghệ thông tin và các ngành khác để cùng ra quân giành chiến thắng trong trận đánh của chính mình”, ông Duy nói.

Công nghệ biến giọng nói thành văn bản giới thiệu tại Triển lãm Trí tuệ nhân tạo tổ chức tháng 5/2018 tại Hà Nội. Ảnh: BN.

Công nghệ biến giọng nói thành văn bản giới thiệu tại Triển lãm Trí tuệ nhân tạo tổ chức tháng 5/2018 tại Hà Nội. Ảnh: BN.

Ngoài ra, Bộ Khoa học cũng tổ chức xây dựng dữ liệu vì dữ liệu trong tương lai sẽ là nguồn lực tương tự như những nguồn tài nguyên khác.

Ở Việt Nam, các bộ ngành, công ty, trường học đều có dữ liệu riêng, thậm chí đổ rất nhiều tiền để xây dựng dữ liệu chuyên ngành. Tuy nhiên, gần như Việt Nam chưa bao giờ kết nối những dữ liệu đó với nhau để biến nó thành tài sản thật sự quý giá của đất nước.

Mới đây, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai đề án Hệ tri thức Việt số hóa, trong đó xây dựng mảng dữ liệu cho từng ngành như nông nghiệp, giao thông, y tế, tiếng Việt… Ông Duy nhận định, đó sẽ là nguồn dữ liệu lớn để phát triển trí tuệ nhân tạo.

Bên cạnh đó, Bộ Khoa học cũng đang xây dựng chương trình nghiên cứu và phát triển với sự kết hợp giữa nhà nước, doanh nghiệp và các nhà khoa học trong và ngoài nước với hy vọng tập hợp được mọi nguồn lực để phát triển AI nói riêng và khoa học công nghệ nói chung.

Dương Tâm

Theo VNExpress

BÌNH LUẬN