Nhằm thu hút người dùng, phát triển mảng kinh doanh mới, nhiều tập đoàn công nghệ không tiếc tiền để sở hữu quyền phát sóng các giải thể thao.

Mới đây, Hiệp hội Truyền hình trả tiền kiến nghị Bộ Thông tin & Truyền thông không cấp phép cho Facebook phát sóng giải bóng đá Ngoại hạng Anh (Premier League ) nếu không đảm bảo yêu cầu kiểm duyệt, biên tập, biên dịch nội dung Việt hóa. Kiến nghị này được đưa ra sau khi báo chí quốc tế đưa tin Facebook đã đạt thoả thuận phát sóng trực tiếp Premier League trên nền tảng mạng xã hội của mình tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam từ mùa giải năm sau.

Tuy nhiên, không chỉ Facebook, các gã khổng lồ công nghệ như Amazon, Google cũng đang đua sở hữu bản quyền, để phát sóng trực tiếp, độc quyền nhiều giải đấu thể thao lớn trên khắp thế giới.

Facebook sở hữu bản quyền phát sóng giải Ngoại hạng Anh tại Đông Nam Á từ mùa giải sau. Ảnh: Beinsports

Facebook sở hữu bản quyền phát sóng giải Ngoại hạng Anh tại Đông Nam Á từ mùa giải sau. Ảnh: Beinsports

Tại Anh, Amazon sẽ phát sóng độc quyền 20 trận đấu của Premier League trong ba mùa giải tới từ năm sau. Đây là một “cú đấm” vào các đài truyền hình như Sky hay BT đã thống trị bản quyền các giải đấu thể thao nhiều năm qua. CEO Premier League – Richard Scudamore cho biết, thương vụ được thiết kế để thu hút các đối thủ cạnh tranh mới tham gia, đặc biệt tập trung vào các hãng công nghệ. Thoả thuận với Amazon có giá không lớn nhưng nó có thể được coi như khởi đầu cho một sự thay đổi quan trọng.

Trước đó, công ty của Jeff Bezos cũng vượt qua Sky để giành quyền phát sóng độc quyền giải quần vợt ATP World Tour. Amazon cũng chi khoảng 40 triệu USD để phát sóng độc quyền giải quần vợt Mỹ mở rộng US Open tại Anh trong 5 năm. Khán giả Anh có thể theo dõi các trận bóng đá, quần vợt mà Amazon có bản quyền trên nền tảng Amazon Prime Video. Trong lá thư gửi cổ đông hồi tháng 4, Jeff Bezos tiết lộ dịch vụ Prime Video đã có hơn 100 triệu thuê bao.

Tại Mỹ, Twitter là hãng công nghệ đầu tiên có bản quyền một giải thể thao lớn khi được phát sóng các trận tối thứ Năm của giải bóng bầu dục Mỹ (NFL) năm 2016. Đến mùa giải 2017 – 2018, Amazon cũng mua gói bản quyền NFL tương tự và mùa 2018 – 2019, Twitter, Amazon, YouTube, Verizon cũng tham gia đấu giá.

Trong khi đó, Facebook không thực hiện các thương vụ đình đám như Amazon mà liên tục mua bản quyền phát sóng các gói nhỏ hơn. Trước khi đạt được thỏa thuận phát 25 trận của giải bóng chày nhà nghề Mỹ gần đây với giá khoảng 30 – 35 triệu USD, hãng công nghệ này cũng hợp tác với Fox để phát sóng UEFA Champions League và giải bóng đá Mexico với Univision. Ngoài ra, mỗi tuần, Facebook cũng phát sóng độc quyền một sự kiện của WWE – giải đấu vật biểu diễn rất được ưa thích tại Mỹ.

Mới đây nhất, sau khi sở hữu bản quyền Premier League ở Đông Nam Á trong ba mùa giải từ năm sau, doanh nghiệp của Mark Zuckerberg lại mua thành công bản quyền phát sóng trực tiếp giải bóng đá Tây Ban Nha (La Liga) ở Ấn Độ và các quốc gia láng giềng như Afghanistan, Bangladesh, Bhutan, Nepal, Maldives, Sri Lanka và Pakistan.

Theo đó, 348 triệu người dùng tại khu vực này, trong đó có 270 triệu người tại Ấn Độ sẽ được xem trực tiếp và miễn phí toàn bộ 380 trận đấu của La Liga ở mùa giải này. Hai mùa tiếp theo cũng sẽ được phát sóng miễn phí trên Facebook tại đây. Hãng công nghệ Mỹ không tiết lộ giá để mua gói bản quyền này.

Facebook phát sóng La Liga tại Ấn Độ và một số nước lân cận trong ba mùa giải từ năm nay. Ảnh: Reuters

Facebook phát sóng La Liga tại Ấn Độ và một số nước lân cận trong ba mùa giải từ năm nay. Ảnh: Reuters

Peter Huttot – đứng đầu mảng truyền hình trực tiếp của Facebook cho biết, việc phát sóng La Liga miễn phí tại Ấn Độ chỉ là bước thử nghiệm cho chiến lược thâu tóm nhiều bản quyền nội dung và truyền hình trong tương lai. Do đó, giải đấu này được phát miễn phí trên mạng xã hội và không có quảng cáo trong thời gian đầu.

Hiện tại, Youtube của Google cũng sở hữu quyền phát sóng một số gói tại giải bóng đá nhà nghề Mỹ với câu lạc bộ Seattle Sounders và Los Angeles FC – đội bóng có nhiều ngôi sao đã và đang thi đấu như David Beckham, Zlatan Ibrahimovic.

Brian Bedol, nhà sáng lập Sportsrocket – công ty chiến lược kỹ thuật số tại New York cho biết, không tin một nền tảng có thể sớm thâu tóm toàn bộ bản quyền của một giải đấu. Ông cho rằng, các hãng công nghệ sẽ mất một thời gian để có lãi. “Khi doanh thu thay đổi, các hãng công nghệ sẽ sở hữu nhiều bản quyền hơn. Tôi nghĩ sự chuyển dịch đã tăng tốc rồi”, Bedol nói.

Anh Tú (Tổng hợp)

Theo VNExpress

BÌNH LUẬN