Quần áo thiết kế riêng, đồ ăn ngon, spa sang trọng… dành cho thú cưng là những dịch vụ đang bùng nổ ở châu Á.
Căng thẳng thương mại Mỹ – Trung dường như không mấy ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của nền kinh tế vật nuôi ở khu vực châu Á. Công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor dự đoán ngành công nghiệp chăm sóc thú cưng hàng tỷ USD ở khu vực này sẽ mở rộng quy mô thêm 70% vào năm 2022, đạt giá trị 21,2 tỷ USD.
Sự bùng nổ của kinh tế vật nuôi thậm chí còn vượt xa các hoạt động kinh tế liên quan con người. Chúng được thúc đẩy bởi các nền kinh tế như Trung Quốc, Hong Kong và Singapore.
Ví dụ ở Trung Quốc, người nuôi dự kiến chi 59,1 tỷ nhân dân tệ (khoảng 8,6 tỷ USD) cho thú cưng vào năm 2022, tăng từ 20,2 tỷ nhân dân tệ (khoảng 2,9 tỷ USD) vào năm ngoái. Điều này có nghĩa thị trường dịch vụ vật nuôi sẽ tăng trưởng với tốc độ bình quân 20% mỗi năm, cao hơn đáng kể tăng trưởng GDP nước này năm ngoái, với 6,9%.
Hong Kong và Singapore cũng tương tự. Chi phí cho vật nuôi ở Hong Kong đã tăng 40% trong 5 năm qua, đạt 1,3 tỷ đôla Hong Kong vào năm ngoái (hơn 165 triệu USD). Tăng trưởng cao được dự báo sẽ tiếp tục trong 5 năm tới, gần 6% hàng năm, tức gấp đôi tốc độ tăng trưởng GDP trong những năm gần đây của nền kinh tế này.
Ở Singapore, người nuôi đã chi 138 triệu đôla Singapore (100,6 triệu USD) cho vật nuôi năm ngoái, tăng 20% so với 5 năm trước. Theo Euromonitor, thị trường sẽ tăng 4-5% mỗi năm trong 5 năm tới. Trong khi đó, nền kinh tế của đảo quốc chỉ 2,4% năm 2016 và 3,6% vào năm ngoái.
Vậy điều gì thúc đẩy sự tăng vọt của nền kinh tế vật nuôi trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu mờ nhạt?
Công ty nghiên cứu thị trường Spire Research and Consulting cho rằng, khi người chủ ngày càng đối xử với vật nuôi như các thành viên gia đình thì các nhà tiếp thị đã kịp thời biến nó thành các hàng hóa, dịch vụ phù hợp để thỏa mãn.
“Việc thay đổi lối sống và thu nhập tăng của người tiêu dùng đang thúc đẩy họ nuôi thú cưng và kéo toàn bộ ngành công nghiệp liên quan phát triển”, công ty nhận định.
Một mẫu áo được hãng Lazy Eazy thiết kế cho chó. |
Thắng lớn nhờ làn sóng này là những doanh nghiệp dịch vụ thú cưng cao cấp. Thượng Hải có dòng quần áo thiết kế riêng dành cho thú cưng, với những chiếc áo mưa, áo cổ rùa… dành cho chó với chất liệu phải vốn dành riêng cho trẻ em cùng các tiêu chuẩn an toàn tương tự như cho em bé. Mỗi món được bán với giá khoảng 25-30 USD.
Đây là startup của Jeff He, người bắt đầu khởi nghiệp sau khi mua con chó giống bulldog của Pháp, tên PannPann. Tháng 9 này, công ty của cô sẽ ra mắt bộ sưu tập thu đông đầu tiên trên Taobao và WeChat.. Đây là bộ sưu tập thứ ba kể từ khi thành lập hồi năm ngoái.
Tại viện thẩm mỹ SexySushi (Hong Kong), một lần chải chuốt lông có giá hơn 210 USD cho chó trên 20 kg. Một lần tắm sữa và thảo mộc giúp dưỡng lông và cải thiện da có giá gần 320 USD. Nhân viên phục vụ thậm chí còn ghi lại lịch trình chăm sóc sắc đẹp và chụp ảnh lưu niệm cho thú cưng sau liệu trình.
“Không chỉ ghi lại khoảnh khắc dễ thương mà việc này còn là một kỷ niệm. Khi vật nuôi già đi, những bức ảnh và video sẽ rất quý giá đối với chủ nuôi”, Dobby Lam, nhân viên tại SexySushi cho rằng dịch vụ ở đây không có gì là quá lố. “Điều quan trọng là chúng khỏe mạnh và hạnh phúc”, cô nói thêm.
Ở Singapore, chiến dịch chống bệnh tiểu đường của chính phủ thậm chí còn tác động đến việc mua thức ăn cho chó. Eeleen Heng, 39 tuổi, từ chối dùng thức ăn công nghiệp mà tự mua thực phẩm về nấu cho chó cưng. Năm nay, cô đỡ vất vả hơn bằng cách đặt một dịch vụ nấu ăn.
Tuy nhiên, chi tiêu vào thức ăn cho chó của cô cũng tăng vọt, từ 110 USD lên 320 USD, đủ để duy trì sự sống cho một người trong tháng. Eeleen Heng hài lòng vì những bữa ăn đặt nấu được tư vấn bởi các chuyên gia dinh dưỡng vật nuôi. Tuy nhiên, điều buồn cười là chính cô phải ít ăn uống bên ngoài hơn.
“Khi còn tự nấu cho chó, tôi sẽ mua rau và thịt hữu cơ. Bạn bè bảo tôi điên vì thậm chí tôi còn không ăn thực phẩm hữu cơ”, Heng kể. Từ khi đặt hàng The Grateful Dog, một bữa ăn cho chó của cô có thịt nạc của loại bò chỉ ăn cỏ, khoai lang, ớt chuông. Thực phẩm chế biến bằng dầu ôliu, hương thảo và hỗn hợp dinh dưỡng đặc biệt.
Túi thức ăn nấu sẵn gồm thịt bò nạc của bò chỉ ăn cỏ, khoai lang, ớt chuông, rau bina, dầu ôliu, hương thảo và dinh dưỡng đặc biệt. |
Theo nhà đồng sáng lập Sandee Goh, The Grateful Dog đang phục vụ 300 khách hàng kể từ khi lập ra năm ngoái, với 13.000 suất ăn đã giao. Đây là một trong 4 công ty ở Singapore bán thức ăn nấu chín cho chó mà có vẻ người cũng ăn được.
Thực tế, nền kinh tế vật nuôi thậm chí còn lớn hơn bởi dữ liệu của Euromonitor chưa tính các ngành dịch vụ phi truyền thống như bảo hiểm vật nuôi, massage hay khách sạn cho thú cưng.
Roy Ng – Phó giám đốc Affinity Asia cho biết, bảo hiểm vật nuôi Happy Aails Singapore tăng trưởng hai con số mỗi năm, kể từ tháng 2/2015. Chủ nuôi thậm chí còn yêu cầu các điều khoản bảo hiểm về nha khoa, điều trị không phẫu thuật và chữa bệnh ở nước ngoài cho chó của họ. Các gói bảo hiểm dao động từ 200 đến 1.300 USD mỗi năm, tùy thuộc vào giống, tuổi và điều khoản.
Karen Lim – Nhà đồng sáng lập dịch vụ massage cho chó Paws Fur Life cũng xác nhận khách hàng tăng mạnh kể từ khi kinh doanh vào 2014. Phí dịch vụ tại đây là 40 USD cho mỗi 30 phút massage chó nhỏ dưới 10 kg.
Rina Ng, 36 tuổi chi tiêu khoảng 44 USD mỗi tuần để dắt con chó gầy 8 tuổi bị viêm khớp đi massage. “Không phải là kiểu sang trọng như spa đắp bùn hay tẩy tế bào chết. Tôi thấy nó như vật lý trị liệu, một phương pháp điều trị thay thế mà không có tác dụng phụ của thuốc”, Ng nói.
Những gì đang diễn ra cho thấy thú nuôi đang thực sự được xem là một thành viên của những gia đình khá giả, Với thu nhập tăng, người nuôi sẵn lòng bỏ ra số tiền lớn cho thành viên này.
“Nó giống như cách tôi dành một số tiền nhất định cho con tôi đi học. Những con chó này cũng là con tôi. Tôi cảm thấy rằng vài trăm đôla một tháng là chấp nhận được vì chúng cũng xứng đáng để có một cuộc sống tốt đẹp”, Heng nói.
Phiên An (theo SCMP)
Theo VNExpress