Katrina Lake trở thành nữ chủ nhân trẻ nhất của một công ty ‘lên sàn’ nhờ cung cấp thuê bao stylist cho hàng triệu người.

Tháng 11/2017, Katrina Lake bước lên bục thị trường Nasdaq ở New York, tuyên bố phát hành cổ phiếu startup 2 tỷ USD Stitch Fix. Người phụ nữ này xuất hiện với hình ảnh hiếm thấy của một chủ doanh nghiệp ngày chào sàn. Trên tay CEO 34 tuổi lúc ấy là cậu con trai 14 tháng đang ôm thú nhồi bông. Cô phát biểu: “Chúng tôi mới chỉ bắt đầu”.

Lake đứng đó với tư cách nhà sáng lập nữ và người mẹ trẻ nhất dẫn dắt một công ty lên sàn chứng khoán. Nhà báo Moira Forbes bấy giờ bình luận trên Twitter: “Đó là khoảnh khắc hoàn hảo cho tuyên ngôn: ‘Đúng vậy, giờ là lúc phụ nữ chúng tôi lãnh đạo'”.

Trước đó, trong 7 năm, cô gái Mỹ đưa Stitch Fix từ một dự án trong lớp học không được giáo sư ủng hộ thành startup kỳ lân (công ty khởi nghiệp chưa niêm yết trị giá từ 1 tỷ USD) với nhân sự 5.800 người. Bắt nguồn từ ý tưởng “stylist cho mọi nhà”, startup này ngày nay đang cung cấp cho hàng triệu phụ nữ và đàn ông khắp thế giới trải nghiệm mua sắm độc nhất.

Katrina Lake bế con và chồng đứng cạnh trong ngày Stitch Fix lên sàn chứng khoán Nasdaq tháng 11/2017. Ảnh: Nasdaq.

Katrina Lake bế con và chồng đứng cạnh trong ngày Stitch Fix lên sàn chứng khoán Nasdaq tháng 11/2017. Ảnh: Nasdaq.

Katrina Lake tự nhận mình không phải tuýp người mà ai đó nhìn vào nghĩ rằng: “Ồ, cô ấy sẽ là CEO một ngày nào đó”. Vào Đại học Stanford, Mỹ, cô gái trẻ ban đầu theo chương trình dự bị y khoa. Bố cô là bác sĩ và muốn con gái nối nghiệp. Nhưng rồi nữ sinh viên bị kinh tế học hấp dẫn và chuyển hướng.

Chelsea Kohler, bạn cùng phòng ở Standford, nhận xét Lake: “Kat luôn nhỉnh hơn số còn lại chúng tôi về khoản ăn mặc”. Lake từng thường xuyên nhắn tin với chị gái, một chuyên gia mua hàng thời trang ở New York, để xin lời khuyên về trang phục. Cô chia sẻ điều này giúp mình tiết kiệm vô khối thời gian.

Tốt nghiệp đại học, Lake làm cho một hãng tư vấn chuyên về bán lẻ và khách sạn, những ngành công nghiệp hồi ấy còn chưa khai thác triệt để cách mạng số. Nhiều người muốn mua quần áo online nhưng toát mồ hôi để sàng lọc hàng triệu lựa chọn và tìm ra đồ chuẩn style.

Thử thách là làm sao ghép đôi sự tiện lợi của shopping online với sở thích trang phục của từng cá nhân. Lake sớm nhận ra không một công ty nào làm phép cộng thời trang và dữ liệu khách hàng. Cô gia nhập một quỹ đầu tư với hy vọng gặp mặt những nhà khởi nghiệp có thể chung tay hiện thực hóa tầm nhìn này. Hai năm trôi qua không chuyện gì xảy ra, cô gái trẻ tự nhủ: “Có lẽ mình sẽ tự làm”.

Xuất phát từ việc thường xuyên xin tư vấn thời trang của chị gái, Lake mở công ty stylist cho mọi nhà. Ảnh: Elle.

Xuất phát từ việc thường xuyên xin tư vấn thời trang của chị gái, Lake mở công ty ‘stylist cho mọi nhà’. Ảnh: Elle.

Lake đi học kinh tế ở Harvard, nơi cô cụ thể hóa ý tưởng bằng dự án startup kết hợp tư vấn mua sắm cá nhân (giống cách chị gái dành lời khuyên thời trang cho cô) với mô hình thuê bao trực tuyến. Dự án được viết ra: “Với một khoản phí, một gói áo quần được lựa dựa trên size, gu và thông tin cá nhân tập hợp từ tài khoản mạng xã hội sẽ được chuyển phát định kỳ cho khách hàng. Lấy đồ nào trả tiền đồ đó, món nào không thích thì họ có thể trả lại”.

Các giảng viên không mấy ấn tượng nhưng cũng không chê bai. Erin Morrison Flynn, vợ của một trong những bạn cùng lớp, rồi một cựu nhân viên quản lý đơn hàng của hãng bán lẻ Mỹ J.Crew đồng ý làm cộng sự. Năm 2011, họ sáng lập công ty có tên Rack Habit, sau đổi thành Stitch Fix.

Những ngày đầu, Lake tung ra những bản khảo sát qua mạng để người dùng đánh dấu loạt yêu cầu trang phục cụ thể. Cô tự lựa và đi giao quần áo cho khách từ căn hộ của mình và nhận lại “phí stylist”.

Phần lớn thời gian gây dựng đến giờ, Lake cố gắng duy trì sự quả quyết rằng ý tưởng của mình tốt. Cô nói: “Khi bạn làm điều gì không ai khác làm, hoặc bạn là người thông minh hơn cả hoặc là kẻ xuẩn ngốc nhất. Trong nhiều năm, tôi không rõ mình là ai trong hai loại”.

Ra trường, Lake và Flynn đặt công ty trong một tòa nhà toàn startup tại San Francisco. Mọi người ở đây ấp ủ trở thành hiện tượng tiếp theo trong các ngành công nghiệp. Stitch Fix chiêu mộ được Mike Smith, người đã có 9 năm vận hành trang Walmart.com của hãng bán lẻ khổng lồ. Smith kể về Lake: “Tầm nhìn của cô ấy rất mạch lạc: dữ liệu khách hàng làm đòn bẩy cho dịch vụ tốt hơn. Điều đó hợp với tôi, vì tôi đến từ một nơi có cả kho như vậy mà người ta chưa biết dùng sao cho hiệu quả”.

Năm 2012, Eric Colson, một chuyên gia phân tích dữ liệu của dịch vụ phim thuê bao Netflix, cũng được kéo về làm cố vấn rồi giám đốc thuật toán cho Stitch Fix. Anh bị hấp dẫn bởi lời kêu gọi rằng sẽ cùng nhau biến đổi cách thức con người shopping.

Chuyên gia này ban đầu từ chối với nhận định ý tưởng thú vị nhưng “lạ đời”. Nhưng Colson cũng chỉ là một trong số những người bị Lake làm cho ngạc nhiên. Nữ thạc sĩ quản trị kinh doanh của Harvard dần chứng tỏ mình là một trong những nhà sáng lập thông minh nhất mới nổi trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Từ năm 2013, mô hình kinh doanh “stylist theo thuê bao” bắt đầu vận hành trơn tru. Nhờ Colson, đội ngũ của Stitch Fix tập hợp một lượng dữ liệu khách hàng khổng lồ để đưa ra những dự đoán style với độ chính xác cao. Thống kê năm 2017 chỉ ra 24% khách hàng duy trì đăng ký sử dụng dịch vụ của họ trong ít nhất 9 tháng.

Các stylist của Stitch Fix lựa đồ và gửi một gói cho khách định kỳ, đồ nào không thích có thể trả lại. Ảnh: Stich Fix.

Các stylist của Stitch Fix lựa đồ theo dữ liệu của từng khách và gửi định kỳ cho khách, đồ nào không thích có thể trả lại. Ảnh: Stich Fix.

Dịch vụ cá nhân hóa mua hàng thời trang này tính thuê bao người dùng 20 USD mỗi tháng, phí trả để như thể có stylist cho riêng mình. Dựa vào dữ liệu sở thích của mỗi khách hàng, các stylist của Stitch Fix lựa đồ và chuyển cho từng người dưới dạng gói 4-5 sản phẩm định kỳ.

Công ty còn kết nối với tài khoản Pinterest của người sử dụng dịch vụ. Tại đây, khách hàng tải lên ảnh những look thời trang mình thích, đội stylist hay thuật toán của Stitch Fix sẽ nghiên cứu để tối ưu gợi ý cho họ.

Doanh thu năm trước thời điểm IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) của Stitch Fix đạt 730 triệu USD. Hiện tại, startup của nữ chủ nhân 35 tuổi trị giá 2,8 tỷ USD và có hơn 2 triệu khách hàng toàn cầu.

Đội ngũ 3.400 stylist, những người làm việc cùng 700 thương hiệu thời trang khác nhau mà Stitch Fix hợp tác, có ý thức cạnh tranh mạnh mẽ với Amazon. Theo Lake, lý do là: “Khách hàng không muốn phải đọc bình luận về hàng nghìn chiếc quần jeans, họ muốn một chiếc mà chắc chắn lên người sẽ tuyệt”.

Quốc Việt
Theo Elle

Theo Ngôi Sao

BÌNH LUẬN