Kylie Jenner và nhiều người khác ăn nên làm ra ở lĩnh vực làm đẹp nhờ nắm bắt xu hướng và thích nghi với truyền thông xã hội.
Kylie Jenner – người trẻ nhất của dòng họ Kardashian-Jenner ra mắt thương hiệu làm đẹp cùng tên vào năm 2015 với bộ sản phẩm dành cho môi. Kể từ đó, cô mở rộng sang cọ và và màu trang điểm. Chất lượng sản phẩm được đánh giá rất bình thường và không có thành phần đặc biệt nào. Trong khi đó, giá cả thì không hề rẻ với một bộ 16 chiếc cọ là 360 USD. Tuy nhiên, trong 18 tháng đầu tiên, dòng thương hiệu của Jenner đã có doanh số bán lẻ 420 triệu USD. Theo một bài viết gần đây của tạp chí Forbes, cô nàng 20 tuổi đang trên bước đường trở thành tỷ phú vào năm 2022.
Đó có thể là sự cường điệu của truyền thông bởi không ai biết chi phí mà Jenner bỏ ra. Các sản phẩm của cô được thực hiện bởi công ty ở California (Mỹ) và được bán thông qua nền tảng thương mại điện tử Shopify. Doanh thu của công ty cũng chưa cho thấy sự chắc chắn về độ bền vững. Tuy nhiên, sự đi lên nhanh chóng của thương hiệu là một điều đáng kinh ngạc nếu so sánh với những mô hình cũ trong ngành làm đẹp.
Bobbi Brown phải mất một phần tư thế kỷ để trở thành thương hiệu tỷ USD nhưng Jenner thì chỉ mất 3 năm. Vậy làm sao để trở thành tỷ phú trong ngành làm đẹp trong thế giới hiện nay? Sự trẻ trung, hấp dẫn và thân thiện của cả gia đình trên mạng xã hội đã đóng góp lớn vào thành công của cô gái này. Hầu hết những gì Jenner đạt được đến từ kỹ năng tuyệt vời của mẹ cô – Kris Jenner, người đã khai phá cách kiếm tiền dựa trên tài năng của các cô con gái. Kim Kardashian West – cô con gái nổi tiếng của bà cũng có dòng sản phẩm kem tạo khối đã bán được 300.000 chiếc chỉ trong 24 giờ ra mắt vào tháng 6 năm ngoái.
Kylie Jenner tạo thành công vang dội nhờ tận dụng những lợi thế của mạng xã hội và danh tiếng của gia đình. Ảnh: Cosmopolitant |
Những thương hiệu làm đẹp như của Jenner có thể xem là một xu hướng. Hai nhà trang điểm người Anh Charlotte Tilbury và Pat McGrath đã có 50 năm kinh nghiệm trong ngành. Thương hiệu riêng của họ ra mắt lần lượt vào năm 2013 và 2015 có tính thẩm định cao và cả hai đều nhận những khoản đầu tư lớn. McGrath gần đây cho biết đã nhận ít nhất 60 triệu USD từ Eurazeo Brands, sau khi công ty được định giá tỷ USD.
Nếu không có gen của nhà Kardashian hay hàng thập kỷ kinh nghiệm trong ngành nghệ thuật làm đẹp, xây dựng cộng đồng trực tuyến có thể là con đường phía trước cho những người đam mê và tìm kiếm thành công trong lĩnh vực này. Emily Weiss – nhà sáng lập Glossier bắt đầu với công việc thực tập cho một tạp chí và sử dụng các kỹ năng báo chí để thực hiện trang blog cá nhân có tên Into the Gloss. Cô ra mắt dòng sản phẩm trang điểm và làm đẹp riêng vào 2014, mở rộng phạm vi từ sau rất nhiều tư vấn từ những người đăng ký kênh của cô. Gần đây, Glossier đã nhận được 52 triệu USD đầu tư và Weiss được mô tả là “Elizabeth Arden trong thời đại millennial”.
Một câu chuyện tốt chính là chìa khóa cho thành công của thương hiệu. Kylie Jenner thừa nhận làn môi mỏng mà sau này được tiêm filter để đầy đặn hơn chính là nguồn cảm hứng của cô. Jamie Kern Lima, cựu nữ hoàng sắc đẹp và ngôi sao của chương trình truyền hình Mỹ Big Brother bắt đầu với thương hiệu mỹ phẩm riêng vào năm 2008. Mắc chứng đỏ mặt nhưng Lima không tìm được loại mỹ phẩm phù hợp và quyết định tự tạo loại kem che khuyết điểm riêng cho tình trạng của mình. Hai năm trước, IT Cosmetics được L’Oréal mua lại với giá 1,2 tỷ USD, đưa Kern Lima – cổ đông lớn nhất của thương hiệu trở thành một người phụ nữ giàu có.
Ngoài ra, doanh nhân khôn ngoan là những người có thể nhìn thấy bức tranh lớn hơn. Sẽ là tự tử thương mại trong ngành này nếu không tập trung vào nhiều màu da bởi Ghana và Nigeria được dự đoán sẽ là những thị trường làm đẹp lớn và giàu tiềm năng tiếp theo. Thế hệ millennial (sinh từ năm 1980 đến cuối thập kỷ 1990) luôn ưa chuộng sự đa dạng. Những bước đi thông minh có thể thấy rõ với LVMH – tập đoàn quy tụ hơn 70 thương hiệu xa xỉ nhất thế giới trong lĩnh vực thời trang và làm đẹp. Năm ngoái, công ty con Kendo Brands của hãng đã kết hợp với nữ ca sĩ da màu Rihanna cho ra mắt dòng mỹ phẩm Fenty Beauty phù hợp cho tất cả các tông da.
Một công thức khác cho thành công là cần phải thích ứng. 20 năm trước, Anastasia Soare có một studio làm đẹp lông mày ở Beverly Hills (Mỹ) và thực hiện tạo hình lông mày bằng nhíp, kéo và bút chì cho khách hàng. Công việc kinh doanh rất bình thường cho đến một khi cô nhận được cú đúp danh tiếng từ truyền thông: một từ nhà Kardashians và gần đây từ con gái Claudia Norvina Soare.
Là người thuộc nhóm đầu tiên sử dụng mạng xã hội, con gái Soare đã có 1,3 triệu người theo dõi trên Instagram và chuyên thử những dòng sản phẩm mới từ các thương hiệu cho người hâm mộ của mình. Nhờ danh tiếng từ mạng xã hội, thương hiệu của Soare đã bứt phá vượt khỏi một cửa hàng nhỏ bình thường. Hiện nay, Anastasia Beverly Hills tập trung vào màu trang điểm và son môi, còn lông mày chỉ là một phần nhỏ. Có khó khăn không khi bỏ qua bản chất ban đầu của thương hiệu – một cửa hàng nhỏ làm lông mày ở Beverly Hills? Câu trả lời là không, khi ở vòng đầu tư mới nhất, thương hiệu được định giá 3 tỷ USD.
Trương Sanh (theo Financial Times)
Theo VNExpress