Ném bom hạt nhân Trung Quốc có thể khiến Mỹ đánh mất lợi thế chiến lược và làm tình hình leo thang mất kiểm soát.

Binh sĩ Mỹ trong cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Ảnh: National Interest.

Binh sĩ Mỹ trong cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Ảnh: National Interest.

Khi chiến tranh Triều Tiên bùng nổ vào đầu năm 1950, quân đội Mỹ trong đội hình Liên Hợp Quốc đã hỗ trợ quân đội Hàn Quốc đánh lên phía bắc, tiến sát sông biên giới Áp Lục, buộc Trung Quốc phải huy động một lực lượng lớn tiến vào Triều Tiên để phản công.

Chí nguyện quân Trung Quốc liên tục giáng những đòn nặng nề vào quân Mỹ và Hàn Quốc, buộc các sư đoàn Mỹ phải nhanh chóng rút lui khỏi Triều Tiên. Trước tình thế cấp bách, chỉ huy lực lượng liên quân, đại tướng Douglas MacArthur đã yêu cầu tiến hành các cuộc “không kích chiến lược”, thuật ngữ ám chỉ đòn tấn công bằng bom hạt nhân, vào lãnh thổ Trung Quốc.

MacArthur và nhiều quan chức quân sự Mỹ lúc đó tin rằng với việc sử dụng vũ khí hạt nhân, vốn được coi là ưu thế vượt trội của Washington so với phần còn lại của thế giới, Mỹ sẽ buộc Trung Quốc phải rút quân khỏi Triều Tiên, theoNational Interest. Tuy nhiên, đề xuất này đã không được phê chuẩn vì những lý do quân sự và chính trị.

Mất lợi thế chiến lược

Năm 1950, nền công nghiệp quốc phòng Mỹ vẫn chưa xây dựng được kế hoạch nghiên cứu, phát triển để có thể phân loại vũ khí hạt nhân theo chủng loại và mục đích sử dụng. Do đó, Washington phải đối mặt với câu hỏi quyết định là sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật hay chiến lược nếu tấn công Trung Quốc.

Nếu quyết định chọn phương án tấn công chiến lược, máy bay Mỹ sẽ ném những quả bom hạt nhân có sức công phá cực lớn vào các cơ sở công nghiệp và mục tiêu chính trị quan trọng ở Trung Quốc. Tuy nhiên, do dân số Trung Quốc quá lớn, cùng với việc các nhà máy công nghiệp phân tán trên cả nước, Mỹ sẽ phải sử dụng rất nhiều bom hạt nhân để thực hiện đòn tấn công.

Oanh tạc cơ B-36 của Trung Quốc. Ảnh: Perfect Flight.

Oanh tạc cơ chiến lược B-36 của Mỹ. Ảnh: Perfect Flight.

Bình luận viên Robert Farley cho rằng việc phí phạm quá nhiều đầu đạn trong cuộc chiến với Trung Quốc có thể làm Mỹ đánh mất lợi thế trong tương quan sức mạnh hạt nhân với Liên Xô. Hơn nữa, để không kích các mục tiêu quan trọng sâu trong lãnh thổ Trung Quốc, phi đội oanh tạc cơ chiến lược B-36 Peacemaker Mỹ có thể hứng chịu thiệt hại nặng nề từ lưới lửa phòng không đối phương, khiến Lầu Năm Góc thiếu hụt phương tiện để tấn công Liên Xô trong trường hợp cần thiết.

Còn nếu lựa chọn phương án tấn công chiến thuật, không quân Mỹ sẽ ném bom hạt nhân xuống các vị trí đóng quân, cơ sở hậu cần, sở chỉ huy của chí nguyện quân Trung Quốc trên lãnh thổ Triều Tiên và Hàn Quốc.

Tuy nhiên, chiến lược hạt nhân của Mỹ khi đó không có khái niệm sử dụng kho vũ khí hạt nhân vốn rất hạn chế của mình vào các mục tiêu chiến thuật đơn thuần. Không quân Mỹ có quá ít bom hạt nhân và cả oanh tạc cơ chiến lược để có thể lãng phí vào việc xóa sổ một đội hình chiến thuật của Trung Quốc.

Mỹ cũng chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc sử dụng vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ cũng như khả năng đánh giá hiệu quả của chúng trên chiến trường. Ngoài ra, việc Mỹ sử dụng vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên sẽ khiến chính phủ Hàn Quốc mất uy tín nghiêm trọng vì đã “rước bom hạt nhân hủy diệt quê hương”.

Nguy cơ leo thang chiến tranh

Nghiên cứu gần đây của trang Smithsonianmag cho thấy một lý do nữa khiến Mỹ không sử dụng bom hạt nhân để ngăn chặn Trung Quốc ở Triều Tiên là không muốn làm leo thang chiến sự lên một cấp độ mới.

Theo các chuyên gia, trong cuộc chiến khốc liệt trên bán đảo Triều Tiên, cả Mỹ và Trung Quốc đều có những động thái rất thận trọng để không khiến tình hình tồi tệ hơn. Tướng Bành Đức Hoài, tư lệnh lực lượng chí nguyện quân Trung Quốc, từng khước từ yêu cầu của Kim Nhật Thành đưa quân nhanh chóng vượt vĩ tuyến 38 vào năm 1951, sau khi lực lượng Mỹ đã rút về Hàn Quốc.

Trong khi đó, giới chức Mỹ lo ngại rằng việc chiến tranh leo thang sẽ khiến tình hình trên bán đảo Triều Tiên vượt ngoài tầm kiểm soát. Lực lượng lục quân và không quân đông đảo của Trung Quốc có thể được tung vào bán đảo nếu Mỹ quyết định dồn toàn lực vào cuộc chiến.

Điều đáng lo ngại nhất với Mỹ là khả năng Liên Xô tham chiến bằng việc trợ giúp vũ khí, khí tài hoặc trực tiếp triển khai hải, lục, không quân vào Triều Tiên. Nếu Mỹ leo thang chiến sự bằng vũ khí hạt nhân, Hồng quân Liên Xô có đủ khả năng tiêu diệt lực lượng Mỹ tại Đông Á và thậm chí cắt hoàn toàn đường rút lui khỏi Triều Tiên của quân Mỹ.

“Sử dụng vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên sẽ trở thành thảm họa với tất cả các bên liên quan”, Farley nhận định. “Mỹ sẽ gây ra hậu quả nặng nề chỉ để đổi lấy lợi thế chiến lược không rõ ràng, thậm chí có thể gây ra thảm họa, nếu quyết định sử dụng bom hạt nhân chống Trung Quốc được đưa ra lúc đó”.

Nguyễn Hoàng

Theo VNExpress

BÌNH LUẬN