Thay vì tự sản xuất tại nhà máy ở Mỹ Đình như thế hệ trước, Bphone 3 sẽ do công ty Meiko của Nhật lắp ráp.
Rút kinh nghiệm từ hai lần công bố trước, Bkav tỏ ra thận trọng và chuẩn bị kỹ hơn cho sự ra mắt của smartphone mới. Dự định trình làng từ đầu 2018, nhưng hiện thời điểm giới thiệu Bphone 3 đã được lùi sang nửa cuối năm.
Nguồn tin nội bộ của Bkav cho biết, một trong những thay đổi quan trọng so với hai thế hệ smartphone trước đó là Bkav chọn công ty Meiko lắp ráp Bphone 3. Đây cũng là công ty sản xuất bảng mạch cho Bphone 2017 tại khu công nghiệp Thạch Thất (Hà Nội). Meiko là công ty Nhật chuyên sản xuất bảng mạch PCB và có nhiều khách hàng là các hãng điện tử lớn như Apple, Samsung, Panasonic, Fuji Xerox…
Theo thông tin rò rỉ trước đây, Bkav đang tự động hóa quá trình sản xuất điện thoại, như ứng dụng robot trong phần lớn công đoạn kiểm tra sản phẩm, ép nhựa, bắt vít… Việc sử dụng robot sẽ cải thiện hiệu suất cũng như tăng độ chính xác, hạn chế sai sót khi lắp ráp smartphone.
Nhà máy điện tử của Bkav tại Hà Nội. |
Trước đó, Bphone 2015 và Bphone 2017 được Bkav lắp ráp tại nhà máy điện tử của họ ở Mỹ Đình (Hà Nội) với diện tích tầm 1.500 mét vuông. Khu vực lắp ráp điện thoại được sắp xếp đơn giản, gồm 5 dây chuyền sản xuất với quy mô nhỏ (mỗi dây chuyền chỉ khoảng 12-14 người).
Bkav từng cho biết họ có thể sản xuất từ 2.000 đến 10.000 chiếc Bphone 2017 mỗi tháng. Trong khi đó, công suất tại nhà máy Meiko lớn hơn nhiều, giúp họ nhanh chóng đáp ứng được đầy đủ sản phẩm tùy theo nhu cầu của thị trường.
Bphone 3, dự kiến được đưa vào sản xuất trong vài tuần tới, sẽ có thiết kế màn hình tràn viền, tỷ lệ 18:9, không “tai thỏ” và cảm biến nhận diện vân tay được đặt ở mặt lưng. Sản phẩm sẽ có nhiều màu như đen, bạc, vàng và nằm trong các phân khúc giá khác nhau, tức là sẽ có một phiên bản tầm trung hoặc giá rẻ.
Chuyên gia công nghệ Tony Phùng nhận định việc có thêm lựa chọn mức giá thấp sẽ giúp Bphone 3 có nhiều cơ hội tiếp cận khách hàng trẻ – những người sẵn sàng ủng hộ và trải nghiệm sản phẩm mới. Tuy nhiên, Bkav cũng sẽ gặp thách thức không nhỏ vì phân khúc này tại Việt Nam đang có sự cạnh tranh rất gay gắt.
Bphone 3 có cảm biến vân tay ở mặt sau. |
Bphone, lần đầu được công bố vào tháng 5/2015 với giá gần 11 triệu đồng, thu hút sự chú ý cũng như sự tranh cãi lớn vì là điện thoại cao cấp đầu tiên “made in Vietnam”. Đến tháng 8/2017, Bphone 2017 tiếp tục trình làng, hướng đến phân khúc cận cao cấp với giá 9,789 triệu đồng.
Đầu tháng 6/2018, Bkav tuyên bố ngừng sản xuất Bphone 2017 để tập trung phát triển thế hệ sản phẩm thế hệ thứ ba. Thế Giới Di Động, đơn vị bán độc quyền Bphone 2017 đầu tháng này cũng thông báo dừng bán Bphone 2017 vì số lượng sản phẩm trong kho của đại lý đã hết. Tuy nhiên, vài ngày trước, một lượng sản phẩm lại được bán qua nhà mạng Viettel dưới hình thức trợ giá với giá bằng nửa mức niêm yết trước đây – 4,99 triệu đồng.
Chị Ngọc Bảo (Long Biên, Hà Nội) cho biết đã mua Bphone 2017 ngay từ khi sản phẩm mới ra mắt. “Ban đầu, máy xuất hiện nhiều lỗi do phần mềm chưa hoàn thiện, như ứng dụng camera thường xuyên bị khởi động lại, sóng Wi-Fi chập chờn. Tuy nhiên, qua một số đợt cập nhật, Bphone đã hoạt động ổn định, chụp ảnh khá đẹp, lọc tin nhắn rác hiệu quả và nhất là máy không bị nóng khi chơi game”, chị Bảo chia sẻ. Trong khi đó, cũng có ý kiến cho rằng một sản phẩm bị ngừng sản xuất khi thế hệ mới còn chưa ra mắt là điều khá hy hữu. Dù Bkav có chiến lược riêng, quyết định này có thể tác động tới tâm lý của những người định mua Bphone 2018.