Với 30% diện tích rừng tự nhiên còn lại, Việt Nam cùng các quốc gia Tiểu vùng sông Me Kong đang nỗ lực để cứu hệ sinh thái này.

Báo cáo “Nhịp đập của rừng” do Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế phát hành ngày 19/7 đã đưa ra bức tranh toàn cảnh về tình trạng các khu rừng thuộc Tiểu vùng sông Me Kong mở rộng, trong đó có Việt Nam.

Theo báo cáo, khu vực này từng là một trong những nơi có diện tích rừng dày đặc nhất thế giới nhưng nay đã mất đi 1/3 và dự kiến sẽ mất thêm vào năm 2030. Tiểu vùng sông Me Kong mở rộng gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam là một trong 11 điểm nóng về chặt phá rừng toàn cầu.

Ảnh: Rừng trồng theo tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững quốc tế FSC tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: WWF.

Rừng trồng theo tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững quốc tế FSC tại Thừa Thiên Huế. Ảnh:WWF.

Trong vài thập kỷ tới, 80% diện tích rừng trên thế giới bị mất, tập trung tại 11 điểm nóng này. Năm quốc gia của Tiểu vùng sông Me Kong mở rộng có thể mất tới 17%, tương đương 30 triệu ha diện tích rừng bị mất trên toàn cầu vào năm 2030, nếu như không quyết liệt ngăn chặn nạn phá rừng.

Rừng bị suy thoái do tác động từ việc mở rộng nông nghiệp, trồng rừng cao su, đốn gỗ hợp pháp và bất hợp pháp, mở đường sá, xây dựng đập và các công trình cơ sở hạ tầng khác. Điều này còn dẫn đến thu nhập của người dân bị giảm, sức khoẻ yếu, sạt lở đất làm thương vong hàng trăm người và biến đổi khí hậu dẫn tới thời tiết cực đoan. Không những vậy, nông nghiệp lại phụ thuộc hoàn toàn vào rừng để có nguồn nước cho vật nuôi và cây trồng.

“Rừng đóng vai trò trọng yếu trong việc thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế và hệ sinh thái của khu vực châu Á, nhưng chúng đang biến mất ở mức báo động và chúng ta phải thay đổi cách tiếp cận trong quản lý rừng”, ông Thibault Ledecq, Điều phối viên Chương trình rừng, WWF-Greater Mekong nói.

Ông Thibault Ledecq cho rằng, các nước có thu nhập tốt đồng thời cũng bảo vệ các loài hoang dã và những giá trị quý giá nhất của rừng. Điều này được minh chứng ở một số nơi, như hộ dân trồng nhỏ ở Thừa Thiên Huế đã tăng gần như gấp đôi thu nhập khi rừng keo của họ đạt được chứng nhận Quản lý rừng bền vững (FSC).

Hay ở Myanmar, Hey Mer từng phải nhìn những cánh rừng xung quanh ngôi làng của cô biến mất trong tuyệt vọng. Nhưng giờ đây, cô có thể trở thành một phần của lịch sử khi cùng đất nước Myanmar trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới chứng minh được gỗ cao su của họ không đến từ cánh rừng bị khai thác trái phép.

Báo cáo của WWF đưa ra một số giải pháp để cứu những cánh rừng còn lại của Tiểu vùng sông Me Kong như Chính phủ, doanh nghiệp và công chúng cần bảo vệ rừng, xác định rõ vai trò của nó với nguồn nước sạch, trữ lượng các-bon, sức khoẻ và sinh kế con người. Doanh nghiệp cam kết không khoan nhượng với các sản phẩm có nguồn gốc từ rừng bị chặt phá bất hợp pháp trong chuỗi cung ứng.

“Tương lai của những cánh rừng Tiểu vùng sông Me Kong mở rộng nằm trong tay của chúng ta”, ông Thibault nhấn mạnh.

Phạm Hương

Theo VNExpress

BÌNH LUẬN