Chiến lược kinh doanh khác biệt đã tạo nên thành công của hãng kem bán chạy nhất nước Mỹ.
Trước khi sáng lập nên Halo Top, Woolverton từng là một luật sư làm việc tại Los Angeles. Ý tưởng startup về kem bắt nguồn từ chế độ dinh dưỡng nghiêm ngặt mà anh xây dựng để kiểm soát lượng đường trong máu.
Không dùng các loại thực phẩm ngọt có chứa đường, Woolverton lựa chọn sữa chua hoa quả có thành phần Stevia trong khẩu phần ăn hàng ngày. Đây là chất làm ngọt 100% tự nhiên, hàm lượng calo thấp và thường dành cho người giảm cân.
Halo Top là sản phẩm kem không chứa đường và có hàm lượng calo thấp. |
Anh bỏ ra 20 USD để mua một chiếc máy làm kem tại gia, công đoạn tiếp theo đơn giản là trộn các nguyên liệu với nhau và chờ đông lạnh. Hương vị của món kem tự chế khiến Woolverton phải thốt lên: ”Vị của nó ngon đến nỗi tôi nghĩ, chắc người khác cũng sẽ mê mẩn”.
Woolverton sau đó hào hứng thử nghiệm với các nguyên liệu khác nhau, từ thay sữa chua bằng sữa tươi, thay đổi hàm lượng các thành phần trong hỗn hợp, điều chỉnh lượng stevia để đảm bảo độ ngọt và đảm bảo cho sức khỏe.
”Từ thử nghiệm cho tới khi tạo ra được hương vị đủ chinh phục thị trường, quá trình này mất khoảng một năm”, anh cho biết.
Cùng với một người bạn khác là Doug Bouton, cũng là một luật sư, hai nhà đồng sáng lập quyết định khởi chạy dự án kinh doanh với số vốn vay mượn từ gia đình, bạn bè, quỹ hỗ trợ, các khoản vay tín dụng…
Với ngân sách hạn hẹp cho hoạt động marketing, startup cố gắng tìm cách đưa thương hiệu tiếp cận thị trường từ những ngày đầu bằng cách đẩy mạnh hoạt động trên các trang mạng xã hội.
Woolverton nghĩ ra sáng kiến thuê học sinh, sinh viên từ các trường cao đẳng địa phương để chuyển những phiếu giảm giá, phiếu quà tặng của Halo Pop tới các nhân vật có tầm ảnh hưởng, đạt lượng theo dõi lớn trên Instagram hay Facebook, thường hay chia sẻ về chủ đề thể hình và sức khỏe.
”Đó là một chiến lược marketing có tác động lớn tới bước ngoặt thành công của Halo Top”, anh cho biết.
CEO tham vọng đưa thương hiệu Halo Top tới toàn cầu. |
Theo đánh giá của Alex Beckett, giám đốc mảng thực phẩm và đồ uống toàn cầu thuộc tập đoàn nghiên cứu Mintel, chìa khóa tạo nên sự phát triển của Halo Top là nhờ tận dụng sức mạnh của truyền thông, xây dựng thương hiệu. ”Halo Top đã định vị thương hiệu là sản phẩm đồ ngọt không chứa đường, không gây tăng cân, gây ấn tượng mạnh tới công chúng hơn cả những hãng kem được đầu tư với ngân sách quảng cáo lớn”, ông nhận xét.
Bài báo về Halo Top xuất hiện trên tạp chí nổi tiếng cho cánh mày râu GQ năm 2016 là một ví dụ. Câu chuyện mang tên ”10 ngày không ăn gì khác ngoài kem Halo Top” ngay lập tức lan truyền rộng rãi. Doanh số của Halo Top lập tức tăng lên nhanh chóng. Tại thời điểm đó, doanh thu đem về hơn 130 triệu USD, gấp 25 lần so với năm trước, đưa Halo Top trở thành thương hiệu kem bán chạy nhất tại Mỹ, ”qua mặt” cả những cái tên trước đó như Ben & Jerry’s và Häagen-Dazs.
Sức cung ứng lúc đó thậm chí còn không đủ đáp ứng nhu cầu của khách hàng. ”Lần đầu tiên, có một loại kem được coi như đồ ăn hằng ngày”, Mr Woolverton cho biết.
Thành phần tạo ngọt của kem Halo Top bao gồm erythritol và stevia thay cho đường. Mặc dù theo các chuyên gia, đây là các chất được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp thực phẩm, cũng như được cấp chứng nhận về an toàn cho sức khỏe, nhiều người vẫn bán tín bán nghi về tác động của loại kem này, ví dụ như hội chứng ruột kích thích.
Halo Top nằm trong những thương hiệu đồ ăn bán chạy nhất năm 2017 tại Mỹ, theo số liệu từ IRI Data, với doanh thu 342 triệu USD. Hiện, Halo Top được bán tại hệ thống 34.000 cửa hàng tại Mỹ, trên các thị trường như Mỹ, Canada, Mexico, Ireland và Australia..
Woolverton cũng bày tỏ tham vọng, trong vòng 5 năm tới, Halo Top sẽ trở thành một trong những thương hiệu kem lớn nhất trên toàn cầu, giống như Ben & Jerry.
Chia sẻ về bí quyết thành công, vị CEO cho biết: ”Thách thức của chúng tôi là có quá nhiều ‘ông lớn’ khi bắt đầu bước chân vào thị trường như Unilevers, Nestlés…Là một hãng nhỏ, để vươn lên, chúng tôi tâm niệm tập trung vào chất lượng sản phẩm và phục vụ khách hàng, mạng lưới cửa hàng một cách tận tâm”.
Phạm Vân (Nguồn: BBC, Entrepreneur)
Theo VNExpress