Chiếm ưu thế trong không gian và sự cạnh tranh từ Nga và Trung Quốc có thể là những lý do Mỹ thúc đẩy thành lập Quân chủng Vũ trụ.

Trump phát biểu trước Hội đồng Không gian quốc gia Mỹ hôm 18/6. Ảnh: AFP.

Trump phát biểu trước Hội đồng Vũ trụ Quốc gia Mỹ hôm 18/6. Ảnh: AFP.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 18/6 yêu cầu Lầu Năm Góc lập tức bắt đầu quá trình thành lập Quân chủng Vũ trụ (SF), quân chủng thứ 6 của các lực lượng vũ trang Mỹ. Giới phân tích đánh giá có nhiều nguyên nhân khiến Washington coi đây là lĩnh vực tác chiến mới, đóng vai trò quan trọng trong tương lai, theo Vox.

Ý tưởng về lực lượng tác chiến trên vũ trụ không phải là mới. Năm 2000, Ủy ban cải cách quân sự Mỹ do cựu bộ trưởng quốc phòng Donald Rumsfeld đứng đầu từng đề xuất vấn đề này, nhưng nó nhanh chóng bị lãng quên sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001, tiếp đó là các cuộc chiến hao người tốn của tại Afghanistan và Iraq. Năm ngoái, hạ viện Mỹ từng đề xuất thành lập quân chủng thứ 6 nhưng kế hoạch này không được thượng viện thông qua.

Tổng thống Mỹ giữa tháng 3 cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thành lập lực lượng vũ trụ trong buổi nói chuyện với binh sĩ tại bang California, đồng thời cho rằng đây là chiến trường quan trọng không kém trên bộ, trên không và trên biển.

SF dự kiến đảm trách nhiệm vụ của Bộ tư lệnh Vũ trụ thuộc không quân Mỹ, đơn vị hỗ trợ hầu hết các chiến dịch quân sự trong không gian với khoảng 36.000 binh sĩ ở khắp thế giới. Ngoài ra, quân chủng này sẽ tập hợp các chuyên gia vũ trụ trong chính phủ Mỹ, đứng đầu là một tướng 4 sao, người sẽ giữ vị trí thành viên thứ 8 trong Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ.

Theo chuyên gia quân sự Joe Pappalardo, lý do thành lập Quân chủng Vũ trụ bắt nguồn từ nhu cầu thực tế. Quân đội Mỹ cần duy trì ưu thế trong không gian, bởi đây là điều kiện cần thiết cho hoạt động tác chiến, tương tự cách không quân Mỹ kiểm soát bầu trời trước khi bộ binh tiến vào chiến trường. Ưu thế trong vũ trụ của Mỹ có thể bị suy giảm khi lĩnh vực này bị dàn trải khắp các lực lượng như hải, lục, không quân và các cơ quan chính phủ khác.

“Mỹ đã thiếu sự tập trung vào vũ trụ, trong khi đây là một trong 5 lĩnh vực tác chiến chính”, Douglas Loverro, cựu trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách không gian, cho biết.

Máy bay vũ trụ X-37B, một trong các dự án khí tài không gian bí ẩn của Mỹ. Ảnh: USAF.

Máy bay vũ trụ X-37B, một trong các dự án khí tài không gian bí ẩn của Mỹ. Ảnh: USAF.

“Đã đến lúc Mỹ cần chiếm ưu thế trong không gian như cách chúng ta làm chủ bầu trời. Có khả năng sẽ xảy ra chiến tranh vũ trụ trong những năm tới và Mỹ cần đi đầu trong lĩnh vực này. Đây là yêu cầu quốc gia”, Tham mưu trưởng không quân Mỹ David Goldfein phát biểu hồi tháng 2.

Nguyên nhân thứ hai là khai thác vũ trụ giờ không còn là lĩnh vực hòa bình, có khả năng xung đột trên Trái Đất sẽ khơi mào chiến tranh không gian. Do sự cạnh tranh đến từ Trung Quốc và Nga, việc thành lập một quân chủng mới rất quan trọng với an ninh quốc gia Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh các quốc gia khác đang bắt kịp Washington trong lĩnh vực không gian.

“Nga và Trung Quốc đã trở thành đối thủ cạnh tranh với Mỹ. Họ gần vượt qua chúng ta, điều này cần được thay đổi bằng cách thành lập quân chủng mới”, chủ tịch Tiểu ban các lực lượng chiến lược Mỹ Mike Roger tuyên bố.

Roger khẳng định Nga muốn nắm nhiều quyền lực trong không gian, vì ưu thế trong lĩnh vực này sẽ giúp giành chiến thắng các cuộc chiến tương lai trên mặt đất. Trung Quốc cũng thành lập Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược vào năm 2015, cho phép tăng cường khả năng thực hiện nhiệm vụ tác chiến điện tử, tác chiến không gian mạng và trên vũ trụ.

Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Mỹ Dan Coats cho rằng Moskva và Bắc Kinh đang đe dọa khí tài quân sự của Washington trên vũ trụ nhờ công nghệ diệt vệ tinh. Việc lập ra Quân chủng Vũ trụ chính nhằm đối phó với mối đe dọa này.

Các vệ tinh không gian giúp theo dõi lực lượng đối phương, chụp ảnh do thám và phát hiện các vụ phóng tên lửa. Nếu mất chúng, việc chiến đấu dưới mặt đất sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Đây là lý do khiến Trung Quốc và Nga đầu tư nhiều nguồn lực cho vũ khí diệt vệ tinh.

Vệ tinh quân sự Mỹ được phóng lên không gian năm 2016. Ảnh: Space X.

Vệ tinh quân sự Mỹ được phóng lên không gian năm 2016. Ảnh: Space X.

“Mọi quốc gia có thể theo dõi và phóng vệ tinh đều đủ sức phá hủy vệ tinh đối phương”, Michael Krepon, chuyên gia đồng sáng lập Trung tâm nghiên cứu Stimson của Mỹ, đánh giá.

Tuy nhiên, việc Mỹ thành lập Quân chủng Vũ trụ có nguy cơ khơi mào cuộc chạy đua vũ trang trong không gian giữa các cường quốc.

“Chúng ta chưa tham gia vào một cuộc chiến tranh không gian. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngày càng có nhiều mối đe dọa với các hệ thống trên vũ trụ, nước Mỹ cần có sự chuẩn bị cho kịch bản xung đột lan rộng đến không gian”, Phó chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ Charles Richard khẳng định.

Duy Sơn

Theo VNExpress

BÌNH LUẬN