Chính phủ tích cực hỗ trợ các startup trong và ngoài nước sau một thập kỷ bỏ qua nhiều cơ hội.

Các trung tâm công nghệ châu Á đang cạnh tranh để trở thành điểm đến hấp dẫn doanh nhân toàn cầu. Đài Loan, trung tâm sản xuất phần cứng của châu Á, dần nhận ra không chỉ nuôi dưỡng hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương mà cần phải mang đến những ý tưởng và tiếng nói mới hơn.

Ngày càng nhiều quốc gia chào đón doanh nhân khắp nơi trên thế giới và khuyến khích họ mở doanh nghiệp tại đây. Về phần mình, những người kinh doanh nhìn thấy những tiềm năng to lớn của châu Á nhưng lại mất đi chí khí khi nhận ra họ hiểu biết quá ít về thị trường, ngôn ngữ hay các sắc thái văn hóa. Nhiều người thậm chí bỏ cuộc trước khi thử làm điều gì đó.

Hệ sinh thái khởi nghiệp ở Đài Loan đã ở độ chín và phát triển theo hướng quốc tế hóa. Từ cuộc khủng hoảng dot-com những năm 2000-2010, hình ảnh startup dần hình thành ở các thị trường phát triển, nhưng không phải là Đài Loan. Môi trường pháp lý và quỹ tài trợ tại đây không khuyến khích những dự án mới. Những người muốn khởi nghiệp sẽ phải đến thung lũng Silicon hoặc nơi khác mang cho họ nhiều nguồn lực và cơ hội hơn.

Nhưng tình thế đang thay đổi. Rất nhiều các chương trình, vườn ươm, không gian làm việc chung liên quan đến startup đã nổi lên trong vài năm trở lại đây tại Đài Loan, bên cạnh sự tăng trưởng về số lượng sáng kiến trong kinh doanh.

“Đến năm 2012, 2013 chúng tôi mới thấy ngày càng nhiều các hoạt động trong hệ sinh thái của mình”, Elisa Chiu, nhà sáng lập và CEO startup Anchor Taiwan cho biết. Công ty này muốn thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nhân quốc tế và cộng đồng địa phương thông qua chương trình kéo dài một tháng tập trung vào văn hóa, thị trường và cách tiếp cận nền công nghiệp.

Đưa người làm kinh doanh đến các trung tâm khởi nghiệp toàn cầu như thung lũng Silicon là cách tuyệt vời để đạt tầm nhìn quốc tế. Ngược lại, tạo điều kiện cho người nước ngoài đến Đài Loan sẽ giúp kích thích những ý tưởng mới vào hệ sinh thái khởi nghiệp tại đây. Tuy nhiên, Chiu nói hiện các nguồn lực tập trung đưa các dự án ra nước ngoài hơn là mời gọi tiến vào bên trong.

Nhận thấy tầm quan trọng trong kết nối startup quốc tế với hệ sinh thái địa phương, Anchor Taiwan đẩy mạnh các hoạt động tăng cường mối liên kết này. Các doanh nhân nước ngoài có cơ hội xây dựng mạng lưới tại châu Á, ngược lại họ mang đến đây những ý tưởng mới.

Điều này có nghĩa Đài Loan tham gia đường đua cùng những trung tâm đổi mới hàng đầu thế giới. Trong đó phải kể đến Hong Kong với những cơ hội về mặt tài chính, Nhật Bản nổi bật với công nghệ blockchain và Thâm Quyến là thung lũng Silicon của phần cứng.

Đài Loan đang có những thay đổi đáng kể để trở thành điểm đến cho các startup. Ảnh: Unsplash.

Đài Loan đang có những thay đổi đáng kể để trở thành điểm đến cho các startup. Ảnh: Unsplash.

“Đài Loan không cần và sẽ không phải là điểm đến cuối cùng. Nhưng trong hành trình khởi nghiệp của mình, chúng tôi có thể mang lại cho bạn nhiều hơn những thứ bạn mong đợi”, Chiu nói và nhấn mạnh những người làm startup hiện nay cần phải có tư duy toàn cầu thay vì chỉ có chiến lược cho riêng một thị trường.

Chiu nhận định Đài Loan vẫn là thị trường chín hơn những nơi khác ở Trung Quốc, đặc biệt là với nền tảng bảo vệ xâm nhập tốt và hoạt động sản xuất chất lượng cao. Theo CEO, với các startup trong giai đoạn đầu, hòn đảo này có thể mang đến những nguồn lực phù hợp cho các cuộc thử nghiệm và tích hợp phần cứng – phần mềm. Với các startup trong lĩnh vực phần mềm, sự rộng mở của thị trường và thói quen của khách hàng nói chung có thể mang đến môi trường thuận lợi để thử nghiệm và chạy thử các dịch vụ mới. Trên hết, nơi đây sở hữu lực lượng lao động phong phú với nhiều nhân tài trong lĩnh vực công nghệ.

Nói về những thách thức cấp bách, theo Chiu, đó là gia tăng nhận diện của Đài Loan. Bối cảnh startup của vùng đất này hiện chưa được nhận thức rõ, do Thượng Hải, Thâm Quyến hay nhiều nơi khác tại châu Á đang là những lực hút quá mạnh mẽ với thế giới. Công ty của Chiu nỗ lực nhằm gia tăng nhận diện qua việc tổ chức các hội thảo và sự kiện ở nước ngoài.

Thứ hai, cách tiếp cận quy định tổng thể vẫn không thuận lợi cho các công ty startup dù Chính phủ Đài Loan cố gắng hỗ trợ. Hai nơi được xem là điểm đến tốt nhất châu Á gồm Hong Kong và Singapore đã thu hút các doanh nhân nước ngoài nhờ chính sách thuế thân thiện và hợp lý hóa thủ tục hợp nhất.

Cuối cùng là cần một sự thay đổi trong tư duy. Ngành công nghệ và các nhà đầu tư tại đây đang miễn cưỡng hỗ trợ cho các startup non trẻ, vì vậy mà các dự án rất khó gọi vốn. Các công ty ở Đài Loan không thiếu tiền nhưng họ có xu hướng ủng hộ những dự án phần cứng ở những giai đoạn phát triển, chứ không phải trong thời điểm đầu.

Tổ chức của Chiu đã làm việc với các công ty công nghệ như Foxconn, HTC và Winstron để thúc đẩy hợp tác giữa các startup với các doanh nghiệp bản địa đã có chỗ đứng. Tất cả hoạt động hướng đến mục tiêu biến Đài Loan thành điểm đến hấp dẫn cho giới khởi nghiệp.

Trương Sanh (theo Technode)

Theo VNExpress

BÌNH LUẬN