Bà Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Quốc hội nên giám sát chuyên đề phân tích vì sao có chuyện nơi thừa, nơi thiếu tiền.

Trong chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam sáng 17/5, nhiều nhà khoa học tiếp tục kiến nghị lên Quốc hội, Chính phủ tăng đầu tư cho nghiên cứu khoa học.

Lo sắp tới không ai muốn nghiên cứu

Theo GS Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, trong suốt 43 năm hình thành và phát triển, Viện đã nghiên cứu, đưa vào ứng dụng nhiều công nghệ phục vụ sản xuất và đời sống. Riêng năm 2017, Viện được cấp 20 bằng độc quyền sáng chế và 20 bằng độc quyền giải pháp hữu ích.

10 năm qua, Viện luôn là đơn vị dẫn đầu cả nước lĩnh vực nghiên cứu cơ bản với số lượng công trình công bố tăng bình quân khoảng 15% năm (đạt được trên 2.000 công bố/năm). Số lượng công trình công bố quốc tế ở các tạp chí uy tín của Viện luôn dẫn đầu và chiếm tỷ trọng lớn trong công bố quốc tế của cả nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và lãnh đạo bộ ngành thăm các sản phẩm nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ảnh: Bích Ngọc.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và lãnh đạo bộ ngành thăm các sản phẩm nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ảnh: Bích Ngọc.

Cho rằng việc đầu tư cho khoa học đã được Đảng và Nhà nước quan tâm, song ông Minh phản ánh còn những hạn chế về quản lý tài chính. Việc xác định số người làm việc chưa thực sự phù hợp với đặc thù của loại hình công tác nghiên cứu khoa học. Chính sách thu hút nhân tài chưa hấp dẫn với nhà khoa học trẻ, trong khi những cán bộ khoa học đầu ngành ở một số lĩnh vực được Đảng và Nhà nước cử đi đào tạo những năm 70-80 của thế kỷ trước đã đến tuối nghỉ hưu.

GS Phùng Hồ Hải, Viện trưởng Toán học minh họa thêm, ở Viện Toán, khi tuyển đầu vào thường yêu cầu rất cao đối với ứng viên, nhưng chính sách đãi ngộ lại không thỏa đáng. “Tổng thu nhập của cán bộ khoa học không được 10 triệu đồng, không thể thu hút người giỏi”, GS Hải nói và kỳ vọng đề án đổi mới tiền lương sắp tới sẽ có nhiều cải thiện để thu hút được người tài.

Đồng tình với ý kiến trên, Viện trưởng Công nghệ sinh học Chu Hoàng Hà phản ánh thực tế nhiều cán bộ khoa học có chuyên môn cao và nhiều cán bộ trẻ sau khi được đào tạo tại nước ngoài có xu hướng không quay về làm việc. Một số muốn chuyển sang làm công tác quản lý ở các bộ, kể cả làm chuyên viên. “Lo là mấy năm nữa không có ai làm khoa học”, GS Hà nói.

Làm rõ nơi thừa, nơi thiếu

Đánh giá thành tựu của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ là “quan trọng và nổi bật”, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân biểu dương các thế hệ trí thức, nhà khoa học lao động hết mình để có những kết quả nghiên cứu cơ bản, điều tra cơ bản phục vụ phát triển kinh tế đất nước.

Chia sẻ quan điểm muốn làm ra vệ tinh, máy bay không người lái hay những công nghệ tốt, phấn đấu trở thành viện nghiên cứu tầm khu vực thì phải có tiền, bà Ngân đồng cảm với các nhà khoa học về khó khăn tài chính. Tuy nhiên, có một nghịch lý, từ năm 2001 đến nay, Nhà nước chủ trương chi cho khoa học công nghệ 2% tổng chi ngân sách hàng năm, nhưng thực tế chưa năm nào đạt.

Chủ tịch Quốc hội thông tin, Thường vụ Quốc hội vừa cho ý kiến báo cáo quyết toán ngân sách năm 2016, cũng giống như hàng năm 2% ngân sách cho khoa học và công nghệ vẫn không chi hết.

Chủ tịch Quốc hội thăm gian hàng Viện Công nghệ vũ trụ. Ảnh: Bích Ngọc.

Chủ tịch Quốc hội thăm gian hàng Viện Công nghệ vũ trụ. Ảnh: Bích Ngọc.

Trước đó, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13, Thường vụ Quốc hội từng giám sát chuyên đề về vấn đề này, song bà Ngân cho biết đến nay vẫn không có gì thay đổi. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Khoa học và Công nghệ Môi trường đánh giá việc chi ngân sách cho khoa học, làm sao năm 2018 phải chi cho hết 2% cho đầu tư, nghiên cứu, phân tích vì sao tiền thừa trong khi các viện nghiên cứu lại thiếu.

“Nếu cần thiết nên tiếp tục tổ chức giám sát chuyên đề”, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban khoa học, Công nghệ và Môi trường. Bà cũng chỉ đạo Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, thương mại hóa các sản phẩm phục vụ phát triển kinh tế xã hội; tiếp tục triển khai các chương trình nghiên cứu khoa học cơ bản trong một số lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh như toán học, vật lý, khoa học sự sống, khoa học biển.

Viện cũng cần chủ động hơn nữa trong đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp với thực tế, nâng cao năng lực nghiên cứu, để nhà khoa học yên tâm gắn bó.

Bích Ngọc

Theo VNExpress

BÌNH LUẬN