Kính viễn vọng không gian Tess của NASA sẽ bay vào vũ trụ trên lưng tên lửa SpaceX và bắt đầu tìm kiếm những ngoại hành tinh giống Trái Đất.
Tess sẽ tiếp tục công việc tìm kiếm ngoại hành tinh của kính viễn vọng không gian Kepler. Ảnh: AP. |
Công cuộc tìm kiếm thế giới ngoài hệ Mặt Trời quanh những ngôi sao sáng nhất sẽ bắt đầu hôm nay khi Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) phóng tàu vũ trụ săn ngoại hành tinh mới nhất, theo Guardian. Sau bước chuẩn bị cuối cùng cuối tuần trước, Vệ tinh Khảo sát Ngoại hành tinh quá cảnh Tess sẽ bay vào không gian lúc 18h32 (giờ địa phương) tức 8h32 ngày 17/4 (giờ Việt Nam) từ căn cứ Cape Canaveral, Florida.
Trị giá 200 triệu USD, kính viễn vọng vũ trụ Tess là phi vụ đầu tiên của NASA sử dụng tên lửa Falcon 9 do công ty hàng không vũ trụ SpaceX của tỷ phú Elon Musk chế tạo. Nếu quá trình phóng thuận lợi, Tess sẽ được đưa lên quỹ đạo hình elip quanh Trái Đất. Kính viễn vọng vũ trụ sẽ bay xa ngang với Mặt Trăng để tìm kiếm ngoại hành tinh, sau đó quay lại gần Trái Đất để truyền dữ liệu. Mỗi vòng quỹ đạo kéo dài gần 14 ngày.
“Ngay lúc này, mọi thứ đã sẵn sàng cho phi vụ phóng hôm nay. Phóng tàu vào vũ trụ luôn có rủi ro, nhưng chúng tôi không thể làm gì hơn. Chúng tôi tin rằng tàu vũ trụ sẽ sẵn sàng hoạt động khi lên tới quỹ đạo”, Stephen Rinehart, nhà khoa học làm việc trong dự án Tess tại Trung tâm bay vũ trụ Goddard của NASA ở Maryland, cho biết.
Tess được đưa vào vũ trụ để kế nhiệm Kepler, kính viễn vọng vũ trụ làm thay đổi hiểu biết của giới nghiên cứu về hành tinh bên ngoài hệ Mặt Trời. Khi NASA phóng kính Kepler năm 2009, các nhà thiên văn học chỉ biết có nhiều ngoại hành tinh quay quanh những ngôi sao xa xôi, nhưng không thể xác định số lượng và kích thước của chúng. Vào tháng trước, Kepler tìm thấy hơn 2.300 ngoại hành tinh và hàng nghìn phát hiện khác đang chờ xác nhận.
Kính viễn vọng vũ trụ Tess sẽ quan sát 200.000 ngôi sao sáng nhất trên bầu trời, phần lớn ở cách Trái Đất không quá 300 năm ánh sáng. Giống như bản tiền nhiệm, Tess được thiết kế để phát hiện ngoại hành tinh thông qua thay đổi về hình bóng khi chúng di quyển ngang qua bề mặt ngôi sao chủ.
Bill Chaplin, giáo sư vật lý thiên văn ở Đại học Birmingham, Anh, sẽ sử dụng dữ liệu của Tess để xem xét cách các ngôi sao co lại và mở rộng khi có sóng địa chấn. Tính toán của Chaplin sẽ giúp các nhà thiên văn học xác định khối lượng và niên đại của hành tinh mới.
Nhóm nghiên cứu trong dự án Tess hy vọng phát hiện 500 hành tinh có kích thước giống Trái Đất và 20.000 hành tinh mới. Sau đó, họ sẽ tìm hiểu sâu hơn bằng kính viễn vọng trên mặt đất và thông qua kính viễn vọng không gian James Webbs dự kiến phóng năm 2020.