Đòn trừng phạt tập thể của phương Tây đến vào lúc nước Nga đang phải đối phó với vụ cháy tồi tệ, đẩy Putin vào tình thế khó khăn.

Putin đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống Nga 2018. Ảnh: Reuters.

Putin đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống Nga 2018. Ảnh: Reuters.

Chưa đầy hai tuần sau khi đắc cử Tổng thống Nga nhiệm kỳ 6 năm tiếp theo, ông Vladimir Putin đang phải đối mặt với thách thức lớn nhất kể từ khi lên nắm quyền năm 2000 đến nay, theo NPR.

Trong nước, nỗi đau thương của người dân đang biến thành cơn giận dữ sau khi một đám cháy bao trùm trung tâm thương mại Winter Cherry ở Kemerovo, Siberia hôm 25/3 khiến 64 người, trong đó có nhiều trẻ em, thiệt mạng. Cùng lúc, nước Nga phải đối mặt với tình trạng bị cô lập hơn khi Mỹ và 27 quốc gia phương Tây đồng loạt ra quyết định trục xuất khoảng 150 nhà ngoại giao Nga để đáp trả vụ cựu điệp viên Sergei Skripal bị đầu độc tại Anh.

Hai biến cố này được nhiều người ví như “thảm họa”, thậm chí một số chuyên gia phân tích phương Tây còn dự đoán rằng việc chúng diễn ra dồn dập có thể khiến hình ảnh “huyền thoại” của Putin trong lòng người dân Nga sụp đổ, buộc ông phải tìm ra chiến lược hợp lý nhất để chứng minh mình là người duy nhất có thể dẫn dắt nước Nga ra khỏi tình thế khó khăn.

“Tôi muốn bày tỏ lòng thương tiếc và sự ủng hộ của lãnh đạo chúng ta, Vladimir Putin”, Yelena Mizulina, thượng nghị sĩ Nga nói trên truyền hình ngay sau khi vụ cháy xảy ra. “Với ông ấy, đây là cú đâm vào lưng, một cú sốc lớn, vì tất cả những điều mà ông đang làm cho nước Nga đều bảo vệ vị thế của chúng ta trên trường quốc tế, cũng như tiến hành các cải cách trong nước với sức mạnh phi thường”.

Khi người Nga biết về thương vong tồi tệ sau vụ cháy ở Kemerovo và những cuộc trục xuất nhân viên ngoại giao hàng loạt ở phương Tây, Putin vẫn không lên tiếng, chỉ xuất hiện trên truyền hình trong bản tin về lễ đón lãnh đạo Qatar ở Điện Kremlin.

Nhưng vào sáng hôm sau, khi người dân Moscow vừa thức giấc, Putin đã có mặt ở Kemerovo sau 4 giờ bay, chỉ trích những quan chức “vô trách nhiệm” đã gián tiếp gây ra vụ cháy, trong lúc Thị trưởng Aman Tuleyev cầu xin gia đình các nạn nhân tha thứ.

Bình luận viên Lucian Kim của NPR nhận định chuyến đi tới Kemerovo của Putin nhằm xây dựng hình ảnh lãnh đạo này đứng về phía người dân trong cuộc chiến chống lại các hành động tắc trách của quan chức địa phương tham nhũng. Trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, 85% người dân vùng Kemerovo đã bỏ phiếu bầu cho Putin.

Nhưng khi Putin đi thăm hỏi các nạn nhân sống sót trong bệnh viện và gặp gỡ gia đình họ, hàng trăm người dân Kemerovo tập trung ở quảng trường thành phố để thể hiện nỗi bất bình với các quan chức địa phương bị cáo buộc vô trách nhiệm trong đảm bảo an toàn cho trung tâm thương mại.

Người dân Kemerova tuần hành phản đối quan chức tham nhũng sau vụ cháy trung tâm thương mại. Ảnh: AFP.

Người dân Kemerovo tuần hành phản đối quan chức tham nhũng sau vụ cháy trung tâm thương mại. Ảnh: AFP.

Trong cuộc tuần hành, nhiều người đã đòi Thị trưởng Tuleyev, thậm chí là cả Tổng thống Putin, từ chức. Ở thủ đô, văn phòng Thị trưởng Moscow cũng phải vội vã tổ chức một lễ tưởng niệm ở quảng trường Pushkin, sau khi một nhóm người dùng mạng xã hội Facebook kêu gọi người dân đặt hoa cho nạn nhân vụ cháy ở Kemerovo.

Trên mạng xã hội, nhiều người thắc mắc về việc tại sao Tổng thống Putin phải chờ lâu như vậy mới tuyên bố quốc tang, hoặc tỏ ý nghi ngờ con số thống kê nạn nhân mà các quan chức đưa ra, làm dấy lên những đồn đoán rằng thiệt hại về nhân mạng trên thực tế còn cao hơn nhiều.

Cùng lúc đó, lãnh đạo phe đối lập Nga Alexei Navalny tung ra một video trên YouTube, cho rằng thủ phạm thực sự gây ra vụ cháy ở Kemerovo chính là nạn tham nhũng, bởi các thanh tra phòng cháy chữa cháy ở khu vực này có thể đã bị mua chuộc. Video này đã nhanh chóng thu hút hơn 3,7 triệu lượt xem.

“Thật không may khi chúng ta chứng kiến những câu chuyện thêu dệt đang lan truyền trên mạng xã hội, kể cả từ nước ngoài, để gieo rắc nghi ngờ và hoảng loạn cũng như để người dân Nga chống lại nhau”, Putin tuyên bố hôm 28/3. “Điều này không được phép xảy ra trong bất cứ hoàn cảnh nào”.

Nhà chức trách Nga trong ngày hôm đó mở cuộc điều tra hình sự đối với một công dân Ukraine vì đưa tin thất thiệt trên mạng xã hội về số người chết trong vụ hỏa hoạn. Sergei Kiriyenko, một trong những cố vấn cấp cao của Putin, cảnh báo rằng thảm kịch ở Kemerovo có thể bị lợi dụng cho những “hành vi khiêu khích” đã được lên kế hoạch từ trước.

Trong khi bận rộn tìm cách giải quyết hậu quả của vụ cháy, Putin buộc phải trông cậy vào Bộ Ngoại giao đối phó với cuộc khủng hoảng ngoại giao ngày càng căng thẳng giữa Nga với phương Tây. Ngày Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố chỉ trích Mỹ và đồng minh trục xuất hơn 100 nhà ngoại giao cũng là thời điểm nước Nga bắt đầu tưởng niệm các nạn nhân ở Kemerovo.

Cũng giống như trong vụ cháy kinh hoàng, các quan chức ngoại giao Nga phải coi cuộc khủng hoảng ngoại giao chưa từng có này như một sự kiện “ngoài tầm kiểm soát” của Điện Kremlin. Giới chức Nga cho rằng đằng sau đợt trục xuất hàng loạt trên là một chiến dịch chống Moscow quy mô lớn do các kẻ thù ở London và Washington phát động.

Các cáo buộc của chính phủ Anh rằng Nga là thủ phạm gây ra vụ tấn công bằng chất độc Novichok hôm 4/3 khiến cựu điệp viên Skripal nguy kịch trong bệnh viện được Nga đáp trả bằng phản ứng điển hình: Bằng chứng đâu?

Các quan chức của Putin đã phản ứng theo cách này trong nhiều vụ trước đây, khi vận động viên Nga bị cáo buộc sử dụng chất kích thích, khi binh sĩ Nga bị tố cáo tham chiến ở Ukraine hay các tin tặc Nga bị cho là can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ 2016.

Bộ Ngoại giao Nga còn ra tuyên bố chỉ trích Anh đã không bảo vệ được mạng sống của công dân Nga trên lãnh thổ nước này, khẳng định London phải có trách nhiệm đưa ra bằng chứng chứng minh rằng thủ phạm mưu sát Skripal không phải là tình báo Anh.

Ngày 29/3, Bộ Ngoại giao Nga tiếp tục nhắm vào mức độ đáng tin trong cáo buộc của phương Tây, khi so sánh vụ Skripal với những tuyên bố không đúng sự thật của Mỹ về kho vũ khí hủy diệt hàng loạt của Iraq trước khi xâm lược nước này năm 2003.

Nga cho rằng giống như khi gây áp lực buộc các nước ở châu Âu phải tham gia vào “liên minh tự nguyện” chống Iraq năm 2003, Mỹ cũng đang ép buộc đồng minh trục xuất hàng loạt nhà ngoại giao của Moscow. Putin từng tuyên bố rằng Mỹ không cần đồng minh mà chỉ muốn có “chư hầu”.

Điện Kremlin khẳng định Tổng thống Putin sẽ đích thân quyết định cách phản ứng đối với từng trường hợp trục xuất. Đến cuối tuần trước, Bộ Ngoại giao Nga bắt đầu chiến dịch “đáp trả tương xứng” khi trục xuất 60 nhà ngoại giao Mỹ và đóng cửa tổng lãnh sự quán Mỹ ở St. Petersburg, sau đó yêu cầu nhân viên ngoại giao của hơn 20 nước châu Âu rời khỏi Nga.

Trong khi Bộ Ngoại giao Nga đưa ra những lời lẽ rất gay gắt, Điện Kremlin lại thể hiện thái độ mềm mỏng hơn. Dmitry Peskov, người phát ngôn của Tổng thống Putin, tuyên bố Nga vẫn mong muốn duy trì quan hệ tốt đẹp với tất cả các nước, kể cả Mỹ.

Giới quan sát cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy Putin vẫn mong muốn mở một cánh cửa đàm phán với Mỹ ngay cả khi cuộc khủng hoảng ngoại giao với phương Tây trở nên căng thẳng nhất.

Theo bình luận viên William J. Burns của NYTimes, đây là tính toán chiến lược của Putin, bởi việc bị cô lập hoàn toàn với phương Tây sẽ là đòn rất nặng giáng vào Nga. Việc “đáp trả tương xứng” vừa thể hiện mức độ cứng rắn của Nga nhưng cũng không khiến tình hình leo thang tồi tệ hơn, đồng thời để ngỏ khả năng hàn gắn quan hệ giữa hai bên về lâu dài.

“Putin luôn tự hào là một bậc thầy có thể giành ưu thế chỉ với những lá bài yếu. Ông ấy từng nhìn ra nhiều cơ hội dồn ép đối thủ ở nước ngoài để củng cố vị thế trong nước”, Burns nhận định.

Trí Dũng

Theo VNExpress

BÌNH LUẬN